Các thuỷ thủ tàu Hoàng Đạt 35 vừa được đưa về cảng Nha Trang |
Sáng sớm 22/10/2003, những thủy thủ bị nạn của tàu
Hoàng Đạt 35 đã được tàu Capability (Liberia) đưa về tới Nha Trang. Họ chỉ còn 13 người tự đặt chân lên cầu cảng, và hai đồng đội xấu số... Tai ương đã ập đến với con tàu Hoàng Đạt 35 vào lúc gần 3 giờ sáng 21/10/2003 tại vùng biển Trường Sa Việt Nam, cách vịnh Cam Ranh chừng hơn 100 hải lý...Thủy thủ Lê Văn Vinh (46 tuổi), đại phó của tàu Hoàng Đạt 35 nói: “Chẳng ai còn gì cả, chỉ còn mỗi chiếc quần đùi sóng cũng đánh rách tơi tả...”. Các anh chuyền cho nhau để chọn cho mỗi người một bộ áo mới vừa được công ty (từ Hải Phòng) mang vào tiếp tế...
Nguyễn Khắc Trường (27 tuổi), thủy thủ, một trong hai trường hợp bị mất tích nhưng may mắn trở thành người sau cùng được vớt lên. Trường cho biết: “Tôi là người phải chịu ở dưới nước lâu nhất, kinh hãi lắm...” - vừa nói, Trường vừa lắc đầu rùng mình...
Anh Nguyễn Văn Quỳnh (47 tuổi) nói: “Lúc ấy tôi đang ngủ vì không phải ca trực của mình thì nghe hiệu lệnh báo động. Tôi vơ vội áo phao trên đầu giường mặc vào và chạy ra. Trời đang mưa lớn, con tàu bị chao lắc rất mạnh và sóng đánh văng dội lên cả boong tàu...”.
Thuyền trưởng Trần Minh Đức cho biết: “Đêm tối quá mịt mùng, sóng cấp 5 và gió cấp 6, lại có cả mưa lớn. Con tàu bị nghiêng, ban đầu khoảng 10 -15 độ, chúng tôi cố tìm mọi cách để cứu tàu. Đồng thời tôi đánh tín hiệu cấp cứu theo hệ thống thông tin toàn cầu để chuyển đến tất cả đài cấp cứu cùng các tàu và phát lệnh báo động. Con tàu càng nghiêng rất nhanh, khi độ nghiêng đến lên hơn 20-25 độ, tôi biết tình thế không còn cách nào có thể cứu được tàu nữa, khi ấy chỉ còn nghĩ đến cách phải cứu cho được thủy thủ...”.
Trong khi ấy sóng vẫn rất lớn, tàu tiếp tục bị nghiêng lắc dữ dội hơn, nhiều thủy thủ bị va đập chấn thương ngay trên tàu. Anh em bắn lên mọi tín hiệu cấp cứu có được.
Thuyền trưởng tìm cách liên lạc trực tiếp theo các kênh sóng khác trên tàu. Và họ nhận được thông báo trở lại của tàu Capability. Trần Minh Đức nói: “Lúc đó tôi mới có một chút hi vọng là chúng tôi có khả năng sẽ được cứu sống”.
Tàu cứu hộ báo họ không thể vào gần tàu bị nạn vì rất nguy hiểm. Họ cho biết chỉ có thể cứu được khi các thủy thủ rời tàu và ở trên xuồng hoặc có phao trên mặt biển.
Các thủy thủ tàu Hoàng Đạt 35 tại đồn biên phòng cảng Nha Trang |
“Bấy giờ con tàu đã bị nghiêng quá lớn, nếu không ra lệnh cho thủy thủ rời tàu kịp thời thì khi nó chìm tất cả sẽ bị cuốn theo tàu”, thuyền trưởng Trần Minh Đức nói. Thế là những chiếc xuồng tự thổi đã được thả xuống nhưng lập tức sóng lớn đánh dập mạnh, vướng mắc vào thành tàu làm chiếc thì rách, chiếc thì xẹp.
Ngay lúc đó thuyền trưởng phải tổ chức cho anh em nhảy biển. Trong đêm tối mịt mùng, họ chỉ nhận được ra nhau nhờ chiếc đèn tín hiệu trên áo phao cá nhân và phao tròn. Khi xuống nước, tất cả cùng bám chung vào một sợi dây dài hơn trăm mét.
Thế nhưng chỉ được chừng một tiếng đồng hồ thì anh em đã bị đánh dạt ra thành nhiều tốp. Các tốp chỉ còn kẹp sát và bám được với nhau theo chung chiếc phao tròn. Còn tàu cứu hộ thì ở ngoài xa đến chừng cả cây số.
“... Nước lạnh, sóng to, trong đêm tối anh em trong tốp tôi bám vào nhau và thỉnh thoảng nhắc nhau cố đạp chân cho bớt lạnh, chứ còn ban đầu chẳng thể biết phải bơi theo hướng nào. Cứ thế để trôi và chờ tàu đến cứu...” - anh Nguyễn Tiến Thảo kể.
Thế nhưng tới khi đến gần được tàu lại càng nguy hiểm hơn. Nguyễn Đình Hùng, thủy thủ 22 tuổi, cho biết: “Tôi là người thuộc tốp đầu tiên bám được vào thang dây của tàu cứu hộ. Nhưng khủng khiếp nhất là lúc bị sóng nhồi đập vào thành tàu. Vừa bám giữ cho được theo sợi dây người ta thả xuống từ trên tàu, vừa lượn người để giảm sức va đập do sóng đánh dập mình vào thành tàu, đồng thời phải gắng sức bám cho được vào thang dây.
Mỗi khi sóng dập vào và đẩy người lên theo thật cao thì mới có thể với tới được. Phải mấy lần như thế tôi mới may mắn bám được vào thang”. Và hầu như ai cũng bị chấn thương với những va đập bởi sóng quá mạnh như thế.
Tàu Capability quá lớn nên khoảng cách từ boong tàu xuống đến mặt biển ước chừng hơn 12m. Sau khi đánh vào thành tàu, con sóng sẽ rút xuống rất sâu, người bám được vào thang sẽ lơ lửng trên cao, nếu không gắng sức giữ được mà để tuột tay rơi lại xuống biển mà không bám được lại vào phao hay dây thì tức khắc sóng sẽ cuốn trôi.
Hầu hết đều phải chịu đựng và cố nhiều lần như thế mới bám được vào thang. Chính anh Vũ Ngọc Bình (máy trưởng) là người bám được đầu tiên vào thang dây cứu hộ nhưng lại không giữ được và rơi xuống. Sau đó, do dây quấn, anh không còn đủ sức bám vào thang dây lần nữa...
Khi đã được về tĩnh dưỡng tại nhà nghỉ Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, nhiều thủy thủ vẫn còn chưa hết vẻ bàng hoàng...
Chiều hôm qua tại nhà tang lễ Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, cùng với công ty chủ tàu, những người may mắn thoát nạn đã tiễn đưa hai đồng đội xấu số của mình (anh Vũ Ngọc Bình và anh Đào Xuân Nhung - sinh năm 1944, sĩ quan boong tàu) về quê nhà...
(Theo Tuổi Trẻ)