Nỗi khổ của nông dân là phải đi thuê đất để làm... nông. |
Cả một đời họ gắn với đất, khai hoang, bồi đắp, lăn lộn trên mảnh vườn thửa ruộng, nhưng cả một đời họ vẫn mang phận của kẻ đi thuê đất, chỉ cần một cái phất tay của chủ đất, chỉ cần không nộp đủ tô là họ sẽ phải ra đi, trắng tay...
Thuê đất để làm...nông dân
Tới Nông trường U Minh thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, hàng nghìn nông dân nơi đây đang quần quật với vụ thu họach hè thu. Lúa đấy mà không thấy ai vui. Gương mặt ai cũng hiện lên những nét lo âu, buồn bã. Thì ra họ nghe đồn rằng mảnh đất mà họ đã khai khẩn 20-30 năm nay sẽ bị thu hồi!
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Quyên, anh Vũ Gia Lập kể: “Gia đình chúng tôi vào đây từ năm 1986. Hồi đó cất chòi ven sông, vợ chồng đi làm mướn, dành dụm tiền sang lại ba mẫu đất hoang sâu trong đìa của nông trường. Đến năm 1990, cháu nhỏ té sông chết đuối, đau buồn quá chúng tôi ra gần nông trường cho an toàn, sang bốn mẫu đất của một cán bộ nông trường hết 29,6 lượng. Đến giờ vẫn còn mắc nợ, mà đất vẫn thuộc sở hữu nông trường...”.
Như gia đình chị Quyên, anh Lập, hơn 900 hộ dân nơi đây được gọi là “nông trường viên” nhưng muốn có đất phải mua. Mua rồi nhưng khi thu hoạch không cần biết thất hay trúng, ai cũng phải nộp cho nông trường tùy theo loại ruộng, loại A: 370kg lúa/ha, loại B: 320 kg/ha gọi là “quản lý phí”!
Còn tại Nông trường 402 (Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời), từ nhiều năm qua nông dân đi thuê đất canh tác được gọi với cái tên khá kêu “hợp đồng viên”, nhưng xem ra cách “được” làm nông dân nơi đây khốn khổ hơn nhiều.
Ông Mười H., 76 tuổi, than thở: “Tôi được giao mảnh đất 10 công, nhưng do thất mùa, thua lỗ, mắc đến hai, ba tầng nợ. Tôi phải mướn lại đất của tôi và phải đóng tới 100 giạ lúa cho vụ mùa tới. Thằng con tôi thấy cha khổ nên liều mình hợp đồng khai thác với nông trường một đoạn kênh với giá 36 triệu, khai thác hết hợp đồng chỉ được 20 triệu, nợ nông trường 16 triệu. Lên xin, nông trường bảo “một cắc cũng không bớt”. Vậy là nợ cha chưa dứt lại thêm nợ con...”.
Chị Phạm Thị Th., một nông dân đông con, không một mảnh đất cắm dùi, phải đi thuê đất trên lâm phần của Lâm trường U Minh 1 (huyện U Minh, Cà Mau) với giá 1,5 triệu đồng/ha/năm.
Chị Th. nói trong cay đắng: “Tiền thuê đất bị chủ buộc phải giao trước vụ mùa và ký các bản cam kết, ràng buộc đủ điều hết sức phi lý... Vậy mà có yên thân đâu, hễ có người khác thuê lại giá cao hơn là chủ đất đuổi cổ đi ngay!...”.
Anh lính già Trần Minh Đạo đã từng có 29 năm trong quân ngũ kể chuyện: “Cả đời làm lính, vào sinh ra tử vẫn thấy nhẹ nhàng mà về làm nông dân sao khó quá. Lúc tôi xuất ngũ, về địa phương xin đất mần ruộng, xã chỉ ra huyện, huyện chỉ xuống xã, rốt cuộc không có cục đất phải đưa vợ con vào Vĩnh Thịnh tìm đất sống. Vào đây mới thấy đất đai bạt ngàn nhưng đều có chủ. Ông chủ là Công ty Nuôi trồng thủy sản Vĩnh Hậu được Nhà nước giao cho hàng nghìn hecta đất để canh tác. Nhưng canh tác cái nỗi gì, họ cứ đem đất cho nông dân thuê”.
Cũng như hàng trăm nông dân không đất khác ở ấp Vĩnh Mới, Vĩnh Thịnh, gia đình ông Đạo “hợp đồng đất” với Công ty Vĩnh Hậu với giá 1,5 triệu/ha. Vợ chồng ông Đạo hợp đồng 6ha, mỗi năm đóng cho Công ty Vĩnh Hậu 9 triệu đồng. Ngặt nỗi trước đây hợp đồng thuê 4-5 năm, lỗ vụ này ráng bù vụ sau trả nợ, còn bây giờ công ty chỉ ký một năm, trúng trật, đầu tư bao nhiêu cũng “sống chết mặc bay” công ty vẫn thu đủ tiền hợp đồng, thiếu hai năm là bị thu đất lại ngay.
Nhiều bà con vẫn cứ là dân “hợp đồng” hàng chục năm nơi đây, từ thời “ông chủ” còn là nông trường rồi “ông chủ” lên “công ty”...
Không đất = đói nghèo
Theo một báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH được công bố vào tháng 4-2003, 12 tỉnh ĐBSCL còn đến 360.131 hộ nghèo. Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo do không đất, thiếu đất sản xuất đứng hàng thứ ba trong sáu nguyên nhân (sau lũ lụt và hộ nghèo di cư từ nơi khác đến).
Thế nhưng một công bố từ dự án “Phân tích khảo sát hiện trạng đói nghèo 12 tỉnh ĐBSCL” (MDPA) do AusAID (Cơ quan Phát triển quốc tế của Chính phủ Australia) tài trợ được công bố cùng thời điểm thì nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đói nghèo là không có đất sản xuất.
Ông Lê Trung Tiến, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, cho biết nông dân không đất thường phải đi làm thuê làm mướn trong nông nghiệp, do đó cuộc sống rất khó khăn.
Còn theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, số nông dân không có đất lên tới 14.424 hộ, tổng số hộ thiếu đất và không đất lên đến 47.954 hộ. Đau lòng hơn là phần lớn số hộ không đất hiện nay lại rơi vào nhiều gia đình chính sách, người dân tộc và đông con, do phần lớn gia đình chính sách không có sức lao động, lại già yếu, bệnh hoạn... dần dần phải cầm cố đất đai dẫn đến trắng tay.
Những con số lạnh lùng khó có thể nói lên thực trạng nhức nhối của những nông dân không đất... Nhưng một số địa phương vẫn cho rằng do tỉnh hết quĩ đất nên không thể cấp đất cho nông dân... Không, đất vẫn còn đó, sự việc không phải vậy đâu!
Theo số liệu của MDPA, tại tỉnh An Giang nếu số hộ nông dân nghèo là 30.631 hộ thì số hộ nông dân không đất, thiếu đất chiếm đến 20.806 hộ; còn tại Đồng Tháp có đến 24.685 hộ không có đất canh tác, chiếm 54,3% tổng số hộ nghèo. Theo Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh, số hộ nông dân không đất là 16.198 hộ, dẫn đầu trong bảy nguyên nhân đói nghèo. Chỉ tính riêng tại huyện Châu Thành (Trà Vinh), nguyên nhân này lên đến 60,3%, trong đó có tới 71,3% hoàn toàn không có đất sản xuất và 13,5% chỉ có 500-1.000m2 đất canh tác. Con số này được ghi nhận tại Kiên Giang là 9.510 hộ, chiếm 52,80% số hộ nghèo và Vĩnh Long là 9.000 hộ. Tỉnh Cần Thơ cũng có đến 10.019 hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất. Cũng theo MDPA, qua phân tích tại tỉnh Long An cho thấy hộ nghèo do không đất và thiếu đất đã gia tăng. Với 21.790 hộ nghèo (số liệu công bố năm 2002), hộ không có hoặc thiếu đất sản xuất chiếm đến 44,95% (11.048 hộ). Trong khi đó số liệu này được điều tra năm 1998 là 42,61%! |
(Theo Tuổi Trẻ)