Nông thôn đang rất cần trí thức trẻ |
"Ra quân", nằm nhà
Nguyễn Thu Thuỷ là gương mặt khá quen thuộc, từng được báo chí "lăng - xê": cô gái Hà Nội "dám" lên xã vùng cao Cao Sơn, Cao Lộc, Lạng Sơn để làm tình nguyện. Thuỷ cũng tự nhận mình là người may mắn vì thường xuyên được chọn đại diện cho những đội viên thanh niên tình nguyện của Lạng Sơn tham gia các buổi gặp mặt do Trung ương Đoàn tổ chức. Nhưng đến giờ, "ra quân" được hai tháng, Thuỷ vẫn nằm ở nhà chờ việc. Có lẽ, cái may lớn nhất của Thuỷ sau hai năm "nằm vùng" là cưới được một người chồng địa phương, anh Lộc Văn Thắng, người dân tộc Nùng, cùng tham gia đội tình nguyện 4 người tại Cao Sơn.
Thuỷ kể: Khi dự án chuẩn bị kết thúc, em làm hồ sơ xin về huyện Đoàn Bình Lộc. Các anh ở huyện Đoàn cũng muốn em về đấy. Thế nhưng khi huyện xét tuyển thì yêu cầu phải là ĐH, trong khi đó, bằng của Thuỷ lại là CĐ Sư phạm Ngoại ngữ. Còn ở xã thì muốn giữ Thuỷ lại làm cán bộ phụ nữ. Thế nhưng, Thuỷ lại không muốn vì mức sinh hoạt phí sẽ chỉ đủ tiền xăng xe cho Thuỷ đi từ nhà - hiện đang ở thị trấn Cao Lộc - vào xã mà thôi. Còn việc khác ở xã có thu nhập cao hơn là giáo viên thì Thuỷ nộp hồ sơ quá muộn. Vả lại, cô giáo dạy tiếng Pháp cũng khó mà tìm được chỗ làm đúng chuyên môn ở cái xã 100% là người dân tộc Dao này.
Giờ, cô con gái duy nhất của một gia đình công nhân ở Thanh Trì, Hà Nội đang ở nhà chồng cùng ba đứa em chồng và tập lại thói quen đã mất khi làm tình nguyện ở Cao Sơn là xem Ti vi.
Quảng Trị là một trong 10 tỉnh tham gia dự án này. Trong số 163 đội viên đăng ký tình nguyện, dự án tuyển dụng được 52 người. Một năm sau, 10 người tìm được việc, dự án lại bổ sung thêm 10 người khác. Đến giờ, trong số 52 người "ra quân", vẫn còn 35 người chưa biết sẽ tiếp tục công việc ở đâu. 17 người may mắn hơn, đã tìm được việc tại các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh. 6 người đã kịp lập gia đình tại nơi mình "nằm vùng", chủ yếu kết hôn với thầy giáo, bộ đôi, công an tăng cường tại đó.
Trong số 4 đội viên về công tác tại xã Liêng Si Riêng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Văn Thi và Hoàng Thị Phương Lan, tốt nghiệp CĐ Văn hoá và CĐ Sư phạm đang ở nhà anh trai và anh họ. Đỗ Thị Thu Nguyệt, người địa phương, hiện cũng chưa tìm được chỗ làm.
Làm cán bộ xã thì phải có chế độ khác chứ!
Trong tổng số 538 người đi tình nguyện theo dự án, đã có 238 người được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp.
So với 3 đội viên khác về "cắm" tại xã Liêng Si Reng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, có lẽ Cillpam Halan là người may mắn hơn cả vì được xã giữ lại làm Chủ tịch Hội Nông dân. Cillpam Halan cũng đã cưới vợ ở đây và theo chế độ mẫu hệ của dân tộc Cil, anh về nhà vợ ở rể. Công việc của anh ở đây khá hợp vì Cillpam có lợi thế người dân tộc Cil, lại học 5 năm ĐH Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Hai năm nằm vùng cũng đã giúp anh quen và hiểu người dân ở nơi này. Thế nhưng, Cill vẫn còn băn khoăn lắm: Trình độ ĐH mà làm cán bộ xã cũng chỉ được hưởng sinh hoạt phí hơn 300.000 đồng mỗi tháng như mọi người có trình độ phổ thông.
Cũng cùng độ tuổi 30 và may mắn hơn Cillpam, Nguyễn Đình Thi, đội viên tình nguyện ở xã A Túc, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị, sắp tới đây sẽ trở thành "người Nhà nước". Năm 1995, khi tốt nghiệp ĐH Nông lâm Huế, Thi cũng đã từng là "người Nhà nước" tại Công ty cao su Quảng Trị. Lấy vợ ở A Túc được 4 tháng, Thi biết có chương trình tình nguyện này bèn xin ra khỏi công ty và về A Túc "nằm vùng". Giờ, hết 2 năm, anh đã kịp nộp hồ sơ và đang chờ tiếp nhận vào Ban Tổ chức huyện uỷ huyện Hướng Hoá. Trong nhóm 4 người tình nguyện ở A Túc, một cô Trung cấp kế toán đang chờ việc, 1 anh ĐH Luật về làm với công ty tư nhân Mỹ Hưng; còn một người học Sư phạm vừa thi đỗ công chức nhưng hiện chưa có quyết định về đâu.
Tìm việc: Tiếp tục 2 năm tình nguyện!
Theo báo cáo của Trung ương Đoàn, 459 đội viên tham gia dự án có nguyện vọng ở lại công tác lâu dài tại địa phương. Tuy nhiên, nguyện vọng này không phải được đáp ứng một cách dễ dàng. Anh Trương Quốc Thắng, Phó Ban Quản lý dự án tỉnh Quảng Trị cho hay: Trí thức trẻ về xã làm công tác tham mưu, giúp việc thì dễ, nhưng để thay thế những chức danh trong chính quyền, đoàn thể... thì không đơn giản chút nào. Hiện nay, Đoàn Thanh niên tỉnh đã có đề án giải quyết việc làm cho đội ngũ trí thức trẻ này và trình Ban Tổ chức Chính quyền. Cái khó là nguồn chi trả cho đội ngũ này sẽ lấy từ đâu? Anh Thắng cho hay: Nguồn này sẽ lấy từ 2 quỹ: Quỹ cho cán bộ tăng cường cơ sở và Quỹ đào tạo của chương trình 135. Ngoài ra, các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh sẽ được hưởng dự án của một tổ chức phi chính phủ từ năm 2003 đến 2008, mỗi năm 1 tỷ đồng. Chỉ có một mắc mớ, dự án này yêu cầu 6 người trong ban quản lý phải là người địa phương. Hiện, tỉnh đoàn đang đề xuất Ban Tổ chức chính quyền xem xét để xếp những đội viên tình nguyện thành "người địa phương" để đưa vào Ban này.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ Đoàn các địa phương cho biết: ở các xã đang thiếu những "chân": cán bộ văn phòng, tư pháp, địa chính. Nhiều cán bộ xã cũng muốn trí thức trẻ làm ở các vị trí này. Nhưng tâm lý của họ là muốn trí thức trẻ ở lại với họ lâu hơn để tạo đủ "độ tín nhiệm", lúc đó mới đề xuất "xin" về.
Sắp tới, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện dự án trong thời gian từ năm 2003 - 2005 với mục tiêu đưa 1.000 trí thức trẻ về công tác tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nếu dự án này được thực thi, những đội viên từng tham gia sẽ được ưu tiên chọn trước với lợi thế quen địa bàn.
Trần Văn Chạy, tổ trưởng tổ thanh niên tình nguyện xã A Vao, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị bày tỏ: " Trung ương Đoàn cần tiếp tục triển khai các chương trình dự án nhằm thu hút tạo việc làm cho trí thức trẻ với thời gian và chính sách ổn định lâu dài hơn."
- Lê Thị Hạnh