221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
345777
Vĩnh biệt đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Vĩnh biệt đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích
,

Tối 16-5, NSND Lê Mạnh Thích - một trong những đạo diễn phim tài liệu hàng đầu của Việt Nam - đã đột ngột qua đời, để lại trong lòng công chúng yêu nghệ thuật và những người làm điện ảnh một khoảng trống vắng không gì bù đắp nổi...

Đạo diễn Lê Mạnh Thích trước giờ lên đường bấm máy

Nói đến đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích, những người yêu nghệ thuật thứ 7 sẽ nhớ ngay tới những tác phẩm đoạt giải quốc tế làm vinh dự cho nền điện ảnh nước nhà như: Đường dây lên Sông Đà (Giải vàngLiên hoan phim quốc tế Lepzich lần thứ 24),  Đến với nhịp cầu (Bằng khen Liên hoan phim quốc tế Lepzich lần thứ 28), Trở lại Ngư Thuỷ ( giải xuất sắc tại LH phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 3).  Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên với bộ phim tài liệu Đường dây lên Sông Đà (năm 1981), đạo diễn Lê Mạnh Thích đã chứng tỏ bản lĩnh nghệ thuật cao cường,  tự mình mở một lối đi riêng đầy sáng tạo: bộ phim không có lời bình, chỉ có tiếng động thực của đời sống vang lên qua những công việc nặng nhọc vắt kiệt sức lao động của con người. Nhân vật lão Mạc cùng cậu con trai đang làm công việc kéo đường dây lên công trường thuỷ điện Hoà Bình được Lê Mạnh Thích chọn quay qua những góc kính mang đầy chất thơ tươi sáng của tình người hoà quyện với thiên nhiên. Vì là cảnh sống thực, nên chất thơ, chất nhân văn cao cả hoàn toàn phụ thuộc vào chính đạo diễn Lê Mạnh Thích. Sau khi xem Đường dây lên Sông Đà, nhà làm phim tài liệu lừng danh người Pháp Tatrick Barberis đã nhận xét: " Bộ phim như một bài thơ. Đề tài  người thợ có rất nhiều cách khai thác, nhưng cách của Lê Mạnh Thích rất điện ảnh, rất riêng với những hình ảnh tuyệt diệu, Lê Mạnh Thích quay được những cảnh đẹp hơn hiện thực...".

Đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích sinh năm 1938 tại xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Uỷ viên BCH Hội Điện ảnh Việt Nam, Nguyên Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương lao động hạng nhì. Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá, Huy chương Vì sự nghiệp Điện ảnh Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam.

Những tác phẩm chính:  Đường dây lên Sông Đà (Giải vàng LH phim quốc tế Lepzich lần thứ 24; Giải Bông Sen vàng tại LH phim Việt Nam lần thứ 6); Đến với những nhịp cầu ( Bằng khen tại LH phim quốc tế Lepzich lần thứ 28; Giải Bông Sen bạc tại LH phim Việt Nam lần thứ 7); Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (Giải Bông Sen vàng tại LH phim Việt Nam lần thứ 9); Chìm nổi sông Hương (  Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam 1996); ba trăm năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh ( Bông Sen bạc tại LH phim Việt Nam lần thứ 12); Trở lại Ngư Thuỷ ( Giải xuất sắc tại LH phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 3); Cao nguyên đá, Trên nhưng chiếc xe lăn.

Đã có lần chính Lê Mạnh Thích nói với bạn bè và đồng nghiệp về chuyện nghề một cách rất hóm hỉnh rằng: " Không nên bàn cãi nhiều về việc có nên bố trí cảnh quay trong phim tài liệu hay không. Cái chính là anh hãy ghi một cái tên ( tên phim và tên tác giả) vào lòng công chúng...". Trên thực tế có rất nhiều người cho ra đời hết tác phẩm này đến tác phẩm khác nhưng số phận của chúng chẳng khác gì những viên đá rơi xuống nước. Lê Mạnh Thích không muốn tranh luận về phương pháp sáng tác với họ nên ông mới nói như vậy. Năm 1996, bộ phim Đến với những nhịp cầu của đạo diễn Lê Mạnh Thích cũng giành được tặng bằng khen tại LH phim quốc tế Lepzich lần thứ 28. Sau đó chỉ 3 năm, bộ phim Trở lại Ngư Thuỷ  (1999)  của Lê mạnh Thích lại đoạt giải xuất sắc tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 3 như một minh chứng cho thấy khả năng lao động sáng tạo của một tài năng điện ảnh lớn. Khi công chiếu bộ phim Trở lại Ngư Thuỷ, các tầng lớp công chúng đã dấy lên một phong trào quyên góp giúp đỡ các nhân vật trong phim của ông. Đây là điều đặc biệt hiếm có và nó đã làm sáng rõ quan niệm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng tác động mãnh liệt và có hiệu quả tới đời sống.

Đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích

Sau khi đã nghỉ hưu, Lê Mạnh Thích vẫn không ngừng sáng tạo. Ông cùng đoàn làm phim Cao nguyên đá lặn lội ngang dọc khắp vùng Đồng Văn (Hà Giang) để quay những thước phim tài liệu đầy xúc động về cuộc sống của người dân trên những rẻo cao khắc nghiệt. Theo ông, sức sống và sự sáng tạo không những chỉ ra đời trong im lặng mà nó còn bám rễ bền chắc ở cả những nơi cây cỏ cũng khó có thể tồn tại được! Ở độ tuổi 63, tài năng và kinh nghiệm sống của ông trở nên hết sức quý báu đối với các thế hệ học trò.  Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Cục phó Cục Điện ảnh - ngậm ngùi nói: " Mấy ngày trước khi đi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ còn nói sức khoẻ của ông rất tốt, Hôm thứ 7 vừa rồi, ông còn giảng bài cho một học trò, thế mà tối  Chủ nhật ông đã đột ngột ra đi..."

  • PV
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,