221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
241529
Cấm Thành giờ mở cửa
1
Article
null
Cấm Thành giờ mở cửa
,
Chuyển giao.

(VietNamNet) - Đúng 9h sáng nay, lễ chuyển giao Cấm Thành cho Hà Nội diễn ra tại sân Điện Kính Thiên. Từ ngày mai ai cũng có thể vào thăm nơi từng là cung điện nguy nga, quân doanh thâm nghiêm.

 

Tới dự Lễ có bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Đoàn Mạnh Giao, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin; ông Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội...

 

Lễ ký biên bản.

Đại diện Văn phòng Chính phủ đọc Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao quyền quản lý thành cổ Việt Nam từ Bộ Quốc phòng sang UBND TP. Hà Nội. Tiếp đó, Thiếu tướng Phạm Hồng Lợi, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đọc biên bản bàn giao.

Buổi lễ kết thúc bằng việc hai bên ký biên bản bàn giao. Kể từ ngày 29/4, UBND TP. Hà Nội sẽ quản lý khu vực Cấm Thành.

Cấm Thành qua các thời kỳ

Rồng đá trên thềm dẫn lên Điện Kính Thiên.

Giữa trung tâm Hà Nội có một khu đất rất rộng, được gọi chung là Thành. Khởi đầu đây là khu vực được vua Lý Thái Tổ chọn làm nơi xây cung vua. Qua triều Trần, thành bị quân Nguyên tàn phá. Đến đời  vua  Lê Thái Tổ, vua xây Điện Kính Thiên làm nơi thiết đại triều. Đến triều Nguyễn, thành được xây lại vuông vức theo trục Bắc - Nam, gồm các công trình chính là Cột Cờ, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu và Bắc Môn, với quy mô nhỏ hơn, diện tích chừng 1km2. Khi quân Pháp đánh vào thành Hà Nội, chúng đã phá huỷ  gần hết đền đài miếu mạo và sử dụng nơi đây như một trại lính.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, quân đội đã tiếp quản khu doanh trại này và biến thành một khu vực quân sự. Thế là suốt mấy trăm năm, kể từ khi có toà Thành này, đây luôn là chốn thâm nghiêm, bí ẩn, người ngoài không được phép đến gần. Ngay cả những quân nhân thời ta mỗi khi ra vào Thành đều phải có giấy phép riêng. Trong thành còn chia ra các Khu A, B, C. Nơi có điện Kính Thiên chính là khu A, là vị trí  đóng Sở Chỉ huy của cơ quan Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham mưu. Các cán bộ quân đội làm việc ở khu B - C muốn vào lại phải có thêm một lần giấy. Chính vì thế, khi nói đến Cấm Thành, không phải ai cũng hiểu ra ngay. Điều đó cho thấy đã bao năm nay, đối với đại đa số người dân, nơi đây thật bí ẩn thâm nghiêm biết chừng nào.

Một ngôi nhà trong Cấm Thành.

Một thời, đi dọc các phố Điện Biên Phủ, Lý Nam Đế, Phan Đình Phùng, người qua đường đều thấy những cổng chào trên có dòng chữ in lớn Doanh trại Quân đội Nhân dân Việt Nam, với những trạm gác quân sự nghiêm ngặt. Người dân thường chỉ biết rằng đó là một khu nhà binh và tốt nhất chỉ nên đứng bên ngoài nhìn vào. Cách đây mấy năm, người ta cho mở hai cổng Bắc và Nam. Lần đầu tiên người dân được đi thông theo phố Nguyễn Tri Phương và được vào thăm một vài điểm trong thành xưa, nhưng phần lớn diện tích vẫn là khu vực quân sự.

Tuy nhiên đến lúc này, người ta đã bắt đầu hy vọng đến ngày nào đó, toàn bộ khu vực Thành sẽ được mở cửa để cho lớp lớp người được vào tham quan, chiêm ngưỡng. Và ngày đó đã đến. Chỉ còn ít giờ nữa, vào 8h sáng 28/4/2004, những người lính gác cuối cùng của đơn vị cảnh vệ sẽ rút khỏi vị trí và toàn bộ khu Cấm Thành xưa sẽ được chuyển giao cho chính quyền thành phố để tu bổ tôn tạo. Người ta còn hy vọng khi có điều kiện sẽ tiến hành khai quật khảo cổ khu vực này, biết đâu lại phát lộ một di chỉ còn giá trị hơn nhiều so với những gì đã tìm thấy ở địa điểm từng được dự kiến xây nhà Quốc hội phía bên kia đường Hoàng Diệu. Dù thế nào đi nữa, một điều chắc chắn rằng, Cấm Thành sẽ sớm mở cửa, và du khách sẽ được thoả thuê đến tham quan một nơi đang còn giấu trong mình biết bao điều bí ẩn.

Trải qua sự tàn phá của các thế lực xâm lược (quân Nguyên, quân Minh, quân Chiêm Thành, quân Pháp) và của thời gian, Thành Thăng Long, trong đó có Cấm Thành, hiện chỉ còn là phế tích. Những gì còn sót lại, đó là bậc thềm dẫn lên điện Kính Thiên với đôi Rồng đá, vẫn còn giữ được vẻ uy nghi một thủa. Trước mắt du khách có thể chiêm ngưỡng ba di tích gắn với thời kỳ cách mạng. Đó là ngôi nhà D67, nơi họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Ngôi nhà được thiết kế và xây dựng như một hầm nổi với tường bê tông dày, có thể chịu được sức công phá của bom nổ cách vài chục thước. Đây cũng là nơi làm việc của 5 đời Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng, kể từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phòng họp và các phòng làm việc sẽ được phục chế lại giống như cách đây 30 năm, khi các cuộc họp quan trọng quyết định tới vận mệnh đất nước thường diễn ra ở đây. Di tích thứ hai là Nhà con Rồng, nằm trên nền điện Kính Thiên cũ, cũng là trên một căn hầm ngầm lớn, được xây dựng để Sở chỉ huy hoạt động thông suốt ngay cả trong trường hợp phía trên bị đánh bom. Một ngôi nhà được dùng để làm Phòng họp giao ban hàng ngày của Bộ Quốc phòng. Cả ba ngôi nhà này, cùng Đoan Môn, Cột Cờ, Hậu Lâu và Bắc Môn đều nằm trên trục thẳng Bắc Nam mà các nhà sử học gọi là đường Thần Đạo.

Một ngày trước lúc Cấm Thành mở cửa

Nhà Con Rồng, nơi làm việc của lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Rồng đá trước điện Kính Thiên.
Nền đất đã được tôn cao.
Rồng đá phía sau Nhà Con Rồng.
Toàn cảnh thềm và Rồng đá.
Rồng đá bên trái.
Nhà D 67 nhìn từ phía Nhà Con Rồng.
Hành lang nhà D 67.
Phòng họp Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương sẽ được phục chế.
Phía dưới là một hầm ngầm lớn.
Phòng làm việc của 5 đời Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng sẽ được phục chế.
Biển đá đánh dấu di tích D 67.
Nhà Giao ban Bộ Quốc phòng - một trong 3 ngôi nhà sẽ được giữ lại.
Chuyến đồ cuối cùng rời khỏi Thành.
Những xe rác cuối cùng trước khi bàn giao.
Những giấy tờ không cần thiết trở thành tro bụi.
Dọn dẹp trước khi bàn giao.
Những kíp gác cuối cùng.
  •  Hà Khoa
    Ảnh: Nguyên Vũ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,