221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
235117
Sẽ có một Hội đồng thẩm định về "vụ Bảo Chấn"?
1
Article
null
Sẽ có một Hội đồng thẩm định về 'vụ Bảo Chấn'?
,

(VietNamNet) - Trước đây giới âm nhạc đã từng xôn xao trước sự kiện ca khúc nổi tiếng của ca sĩ Mỹ Tâm, Nhé anh (một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hà) là đạo lại một ca khúc Thái Lan, giờ đây thêm sự kiện nhạc sĩ Bảo Chấn gặp rắc rối với Keiko Matsui qua 2 ca khúc Tình thôi xót xaDường như, có lẽ cũng nên dóng lên hồi chuông báo động về tình hình nhạc trẻ Việt Nam hiện nay… 

Nhạc sĩ Bảo Chấn.

Có một giai thoại xưa mà giờ đây nếu có áp dụng vào tình hình thực tế nền âm nhạc hiện đại của Việt Nam mới thấy phần nào chua chát. Chuyện xưa kể lại rằng, có anh chàng nhạc sĩ mới nổi sáng tác được một tác phẩm âm nhạc bèn mời bằng được nhạc sĩ tên tuổi Verdi đến nghe và cho vài lời nhận xét. Suốt buổi biểu diễn người ta cứ thấy Verdi lâu lâu lại đứng lên làm hành động ngả mũ chào, mọi người cứ tưởng đó là hành động biểu lộ sự ngưỡng mộ tài năng của anh chàng nhạc sĩ trẻ tuổi nhưng đến khi kết thúc buổi biểu diễn, Verdi mới từ tốn giải thích: “Tôi làm thế là do gặp quá nhiều người quen trong tác phẩm này, ngả mũ chào chỉ là hành động biểu lộ sự vui mừng khi được gặp lại họ mà thôi”.

Người nghe nhạc Việt Nam hiện nay chưa thể đạt được trình độ thẩm thấu âm nhạc như Verdi khi xưa nhưng họ thừa sự tinh ý để nhận ra những gương mặt cũ trong các tác phẩm mới ra lò. Bây giờ ở Việt Nam khi nghe những sáng tác mới, người ta vẫn nhận ra một nét quen nào đấy từ những ca khúc nước ngoài, hoặc đang nổi ở trời Tây hoặc đã từng đình đám khi xưa. Nghe Ngóng trông của nhóm Mây Trắng hôm nay, tuy nghi rằng nhạc Thái Lan vẫn thấy bê nguyên xi Simon says, có chăng chỉ khác phần phối âm cũng như nhịp điệu cho phù hợp với tình hình mới.

“Chịu ảnh hưởng” để lấy tinh thần sáng tác là một quan niệm không mới. Ở nước ngoài có vô khối những nhạc sĩ danh tiếng vẫn luôn vỗ ngực khi khoe sáng tác của mình đều lấy từ tinh thần của người khác hoặc chịu ảnh hưởng từ một dòng nhạc với những tên tuổi đặc trưng riêng biệt. The Beatles không ngần ngại đưa Quốc ca Pháp vào phần dạo đầu của ca khúc kinh điển All you need is love của mình, Procol Harum cũng thế, đoạn intro bất hủ trong bài The Whiter shade of pale của họ cũng lấy từ tinh thần G Air string của J.S. Bach hay như Aphrodite’s child cũng đem Canon của Pashebel vào Rain & tears bất hủ. Nghe Còn ta với nồng nàn của Quốc Bảo cũng gặp hình thức này, phần intro dạo đầu không khó để nhận ra đó chính là Swan lake của Stchaikowsky.

Giới nhạc sĩ nói gì về việc Bảo Chấn copy nhạc? 

Ông Dương Viết Á - một trong những nhà phê bình âm nhạc có tiếng tỏ ra lấy làm tiếc khi đọc và nghe người ta nói nhiều đến việc nhạc sĩ Bảo Chấn copy nhạc của nhạc sĩ người Nhật. Ông nói: ''Chưa biết thực hư thế nào, không biết trong số hai nhạc sĩ đó ai ''chôm'' của ai, mà biết đâu cả hai anh ấy lại copy từ một nhạc sĩ khác cũng nên (cười). Cách đây khoảng hơn 30 năm, ở Việt Nam từng có trường hợp copy nhạc mà bị khai trừ khỏi Hội nhạc sĩ...".

- Nhưng biết đâu năm nay vòng quay lịch sử lặp lại thì sao, thưa ông?

- Thì chính tác giả ''ăn cắp'' đó sẽ phải chịu trách nhiệm thôi. Chạy theo những cái vớ vẩn là phá bỏ công sức của chính đời mình. Người đời nói rồi: ''Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng''. Dù muốn hay không thì dạng người ''thuổng'' bài của kẻ khác sẽ phải mất nhiều năm để hồi phục danh dự. Chính anh ta sẽ phải trả giá cho hành động của mình - sản phẩm của một giai đoạn lịch sử đua đòi chạy theo nhạc ngoại... Và một lời xin lỗi dành cho ''người chiến thắng'' theo tôi là cần thiết. Và mong nó sớm xảy ra. Còn về phía công chúng tôi khuyên mọi người đừng làm mọi chuyện trở nên quá to tát, hãy nhìn mọi chuyện đơn giản hơn. Các bạn chắc cũng biết không chỉ riêng âm nhạc mà rất nhiều lĩnh vực khác kể cả khoa học tưởng nghiêm túc vẫn có trường hợp lấy của nhau...

Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng.

Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng: Nếu nghệ sĩ Keiko Matsui không phải quốc tịch Mỹ thì rất khó kiện. Hiện nay, chúng ta chưa ký Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả và với các nước trong khu vực cũng chưa ký kết về bản quyền. Nếu nghệ sĩ Keiko Matsui có quốc tịch Mỹ mới được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Nếu không, vụ việc sẽ được xử tại nơi xảy ra, tức Việt Nam. Khi đưa ra tòa, chỉ có thể áp dụng luật tương tự đối với các tác phẩm về mỹ thuật, văn học. Vậy, chuyện kiện tụng giữa nhạc sĩ Bảo Chấn và nghệ sĩ Keiko Matsui sẽ được xử theo Nghị định 31. Vừa rồi, một tờ báo cho rằng bài Phố xa của tôi giống một bài hát Nhật. Tôi khẳng định rằng Phố xa là của tôi, sáng tác trước năm 1990. Ai cũng biết Tam ca Áo trắng đã biểu diễn bài hát này trong chuyến đi Nhật và được nhạc sĩ Sogo Tamaguchi đặt lời Nhật. Bài hát Phố xa lời Nhật đã được phát hành tại Nhật. Bìa đĩa còn in hình Tam ca Áo trắng.

Nhạc sĩ Quốc An: Lúc đầu tôi không tin bài Tình thôi xót xa (Bảo Chấn) lại có thể giống Frontier (Keiko Matsui) như vậy. Nhưng khi nghe Frontier, tôi thật sự bị sốc! Tôi cũng như rất nhiều người khác biết rằng không bao giờ có chuyện 2 tư tưởng lớn gặp nhau mà lại giống hoàn toàn. Nếu có, chỉ có thể là giống ý tưởng, giống nội dung, giống nét nhạc... Nếu muốn học hỏi, chỉ nên dùng ở góc độ học hỏi. Lớp nhạc sĩ trẻ như chúng tôi trân trọng những nhạc sĩ đi trước, trong đó có nhạc sĩ Bảo Chấn. Tôi vẫn không muốn tin rằng nhạc sĩ Bảo Chấn làm như vậy, nhưng... Sau chuyện này, hình ảnh nhạc sĩ của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều!

''Sẽ thành lập một Hội đồng thẩm định?''

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ VH-TT Lê Tiến Thọ trong cuộc trao đổi ngắn với PV VietNamNet sáng nay. Ông cho biết: "Tôi vừa đi Điện Biên về hôm qua, đang đọc báo, cũng chưa có ý kiến gì được để mà trả lời cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì nếu có đơn kiện, tức là có bên nguyên bên bị, thì chúng tôi mới thành lập một Hội đồng thẩm định. Còn nếu không ai đưa đơn thì mình thành lập để làm gì! Để khẳng định điều này cũng còn nhiều vấn đề. Chúng ta kết luận như thế về một bài hát của một nhạc sĩ nổi tiếng, lại ảnh hưởng đến quan hệ hai nước VN - Nhật Bản, cho nên sự việc không thể một sớm một chiều được. Tôi sẽ đề nghị với Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan quản lý phát hành băng đĩa nhạc có ý kiến để xem như thế nào. Tuy nhiên các phòng của Cục hiện đều đang bận bịu với hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nên có thể chưa làm ngay được. Tóm lại, nếu kiện thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Còn không kiện thì chẳng ai lại tự dưng đi mở ra một Hội đồng để làm việc đó".

Tuy nhiên khi được hỏi, vậy nếu bên cô Keiko Mitsui chỉ muốn nhận một lời xin lỗi của nhạc sỹ Bảo Chấn chứ không muốn kiện, và nhạc sỹ Bảo Chấn cũng không có ý kiến gì; nhưng dư luận trong nước lại quá gay gắt yêu cầu việc này phải được làm rõ, tránh "chìm xuồng" như trong các vụ tương tự trước đây. Trong trường hợp đó, Bộ sẽ xử lý như thế nào? Thứ trưởng cho biết: "Nếu vậy, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để làm rõ sự việc và có kết luận trả lời công chúng".

Còn ông Lê Nam - Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa nhạc, Cục NTBD thì cho rằng: "Nếu không tác giả nào yêu cầu làm rõ thì Cục làm rõ làm gì. Chuyện dư luận chỉ là chuyện phụ thôi. Cũng như hai người đánh nhau hoặc đâm xe, nếu người ta tự giải quyết với nhau được, không cần đến công an thì tại sao cứ bắt công an vào giải quyết!?". Nếu thành lập, Hội đồng thẩm định sẽ gồm nhiều thành phần, như đại diện Hội Nhạc sĩ, đại điện Hội Âm nhạc thành phố, Cục Bản quyền tác giả và một số cơ quan chức năng khác. Hội đồng này sẽ xét xem nhạc hai bài đó giống nhau đến mức nào, từ đó mới xoay ngược lại vấn đề xem bài nào ra đời trước, thế mới biết là ai "đạo" của ai". Trước mắt, dù án binh bất động về mặt nguyên tắc, nhưng ông Lê Nam cho biết, chiều nay Cục NTBD sẽ thu thập hai bài hát liên quan trong nghi án này. Như vậy cũng có thể nói, Các cơ quan chức năng đã bắt đầu nhập cuộc!

Sự việc xung quanh những vấn đề liên quan đến nhạc sĩ Bảo Chấn vẫn chưa đến hồi kết thúc, câu trả lời cuối cùng còn bỏ ngỏ. Ai phải ai trái chắc chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu. Có điều nếu sai thì nên có một lời xin lỗi sớm vì nếu cứ để theo thời gian, tính 2 lưỡi của nó sẽ làm vết thương thêm tấy đau. Mà không chừng đến lúc đó số lượng người đứng lên “ngả mũ chào” sẽ còn nhiều hơn bây giờ. Muốn âm nhạc Việt Nam khỏe khoắn và mang một phong cách riêng thì nhất thiết điều đầu tiên phải làm là từ các nhạc sĩ, những người chính yếu tạc nên bộ mặt của nó…

  • Nhóm PV Văn hoá

Tin bài liên quan

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,