(VietNamNet) - Nhân dịp GS.TS Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian - được mời làm "Cố vấn khoa học" cho công trình "Trung Hoa dân tục đại toàn" (Tổng tập folklore Trung Hoa), VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông về mối quan hệ văn hóa Việt Nam - Trung Quốc.
- Thưa GS, cơ duyên nào đã đưa ông đến với cương vị cố vấn của "Tổng tập folklore Trung Hoa" ?
- Là người học Hán cổ từ nhỏ, sau này lại học thêm Trung văn trên đất nước Trung Quốc, tôi tiếp xúc nhiều với đất nước và con người Trung Hoa. Lúc đó, trường học của tôi nằm tại vùng dân tộc Choang - Quảng Tây. Đôi khi do tò mò, tôi còn có những cuộc "nhập thân văn hóa" hết sức kỳ thú đối với những sinh hoạt folklore của người Choang, như tục đám cưới, chôn người chết, hát đối đáp nam nữ v.v... Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi còn cùng với thầy tôi là cụ Trần Văn Giáp đi tham quan du khảo đây đó ở vùng Hoa Nam. Khi làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, đọc sách báo, tiếp xúc trực tiếp với các đồng nghiệp Trung Quốc, tôi càng có điều kiện để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Trung Quốc, trong đó có văn hóa dân gian. Tôi đã có nhiều bài báo về folklore Trung Quốc, bài nghiên cứu folklore Việt Nam trong mối tương quan với folklore Trung Quốc. Có lẽ do vậy mà các đồng nghiệp Trung Quốc đã có một sự tín nhiệm nhất định với tôi.
Đầu năm 2002, GS Qua Vĩ - một trong hai Tổng chủ biên của công trình "Trung hoa dân tục đại toàn" có gửi cho tôi một bản đề cương biên soạn Tổng tập này để tham khảo, và mời tôi biên soạn Tổng tập về folklore tộc người Hoa và Hoa kiều ở Việt Nam. Lúc ấy do đang quá bận nên tôi đã từ chối công việc này. Chắc là do tôi không nhận nhiệm vụ của Hội đồng biên soạn nên hai vị Tổng chủ biên đã chuyển tôi sang nhóm cố vấn (nhóm này gồm 28 người). Đứng dầu danh sách này là GS Phí Hiếu Thông - năm nay 94 tuổi, được mệnh danh là "cha đẻ" của ngành Nhân loại học Trung Quốc và là nhà nhân loại học nổi tiếng thế giới.
- Xin GS cho biết nhận xét của mình về ý nghĩa khoa học của "Tổng tập folklore Trung Hoa". Theo ông, đâu là cái mới của công trình này?
- Trung Quốc là một quốc gia đa dân tộc. Ngoài người Hán còn có 55 tộc người thiểu số với những sắc thái văn hóa khác nhau. Tôi đã có dịp hỏi các đồng nghiệp Trung Quốc và chưa có ai trong số họ dám nói rằng, mình đã hiểu hết nền văn hóa phong phú, đa dạng của tất cả các tộc người trên đất nước này. Chính vì vậy, việc biên soạn 35 quyển trong công trình "Trung Hoa dân tục đại toàn" được giao cho các địa phương tự làm theo một đề cương chung. Đó là các thao tác hết sức khoa học của giới folklore Trung Quốc. Xét về mặt sưu tầm tư liệu mà nói thì không có một tổ chức khoa học nào làm được sâu sát và kỹ lưỡng hơn chính người địa phương tự sưu tầm, điều tra tư liệu của địa phương mình. Rồi đây, khi cả 35 quyển trong tùng thư "Trung hoa dân tục đại toàn" được hoàn thành thì giới folklore Trung Quốc sẽ có cả một kho tàng đồ sộ và toàn diện về tất cả các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian của tất cả 56 tộc người đang cư trú trên đất nước Trung Quốc.
Và đúng như lời GS Đoàn Bảo Lâm - Tổng chủ biên đã nói, qua công trình văn hóa đồ sộ này, các dân tộc Trung Hoa sẽ hiểu nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn để cùng xây dựng một nước Trung Hoa hiện đại, phồn vinh về kinh tế và đa dạng về văn hóa. Theo tôi, đó cũng chính là ý nghĩa khoa học lớn lao nhất của công trình này. Biên soạn theo một đề cương khoa học chung, có sự chỉ đạo của các tổng chủ biên, có thể xem là một cách làm mới sáng tạo, rất thực tế và thông minh của giới folklore Trung Quốc mà ngành nghiên cứu folklore Việt Nam có thể tham khảo.
- Nhân đây, GS có nhận xét gì về công tác biên soạn các công trình văn hóa dân gian Việt Nam thời gian qua?
- Những năm gần đây, kể từ thời kỳ đổi mới, ở Việt Nam cũng có tình trạng giống như Trung Quốc, giới khoa học đua nhau viết về văn hóa (người Trung Quốc gọi là "Cơn sốt văn hóa"). Trong các sách viết về Văn hóa Việt Nam thường nhắc đến bản sắc văn hóa Việt, và thường so sánh với văn hóa Trung Quốc nhằm chỉ ra các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, đó là một phương hướng đúng.
Tuy nhiên, do một số tác giả chưa chịu đọc kỹ các thư tịch cổ của Trung Quốc, cũng chưa có điều kiện du khảo khoa học, hoặc "nằm vùng" hay "quan sát tham dự" như các học giả nước ngoài trên đất nước Trung Quốc, nên không tránh khỏi những nhận định có phần võ đoán, hoặc có tính "sô vanh". Chẳng hạn, nói việc biên soạn hương ước, gia phả, thờ cúng tổ tiên, tôn thờ anh hùng dân tộc là của riêng Việt Nam. Thực ra, Tống sử đã có nói đến việc biên soạn hương ước và đến thời Minh thì việc này càng phát triển mạnh mẽ. Về gia phả, từ thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều đã rất phổ biến, đến đời Tống về sau thì việc ghi chép gia phả đã rất phát triển, và tới đời Minh thì càng thịnh hành. Thờ tổ tiên và những người thân quá cố, cũng như việc sùng bái anh dùng dân tộc rất phổ biến ở Trung Quốc, đâu phải là nét độc đáo của riêng Việt Nam? Hoặc nói "Chủ trương Tam giáo đồng nguyên" là chủ trương của Nho, Phật, Đạo ở Việt Nam, trong khi chủ trương này thực ra đã có từ thời Lục Triều (222 - 589) ở Trung Quốc. Những "hạt sạn" như thế này còn có thể "nhặt" ra dễ dàng trong những công trình viết về lịch sử văn hóa Việt Nam.
Nếu muốn nói đến một số nhận xét chung, thì tôi xin nêu 2 điểm: Một là các sách viết về văn hóa chủ yếu mới chỉ viết về văn hóa của người Việt, chưa phản ánh rộng rãi mối tương quan về văn hóa giữa các tộc người anh em khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hai là các sách viết về văn hóa Việt Nam hầu như chưa phải là tổng kết, khái quát từ những công trình nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa. Ngoài ra, tôi muốn nói đến hiện tượng cường điệu hóa cái gọi là "cơ tầng văn hóa Đông Nam Á" của một số tác giả khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Về điểm này, tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm của cố GS Đinh Gia Khánh: Việt Nam nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á nguyên thủy, nhưng sau đó lại giao thoa, tiếp biến với văn hóa Hán, nên văn hóa Việt Nam vừa thuộc vùng văn hóa Đông Nam Á, vừa thuộc vùng văn hóa Đông Á. Nếu xem văn hóa Việt Nam chỉ đơn thuần thuộc một trong hai vùng văn hóa đó, thì đều không tránh khỏi những nhận xét phiến diện, thiên lệch.
-Theo cái nhìn lịch sử, Việt Nam cũng như Triều Tiên, Nhật Bản - đều là những quốc gia chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của văn hóa Hán (thường được gọi là những nước "đồng văn"). Là người từng dịch nhiều thư tịch Hán - Nôm, GS đánh giá như thế nào về vai trò của chữ Hán ở Nhật Bản, Triều Tiên và đặc biệt là vai trò của chữ Hán trong văn hóa Việt Nam?
- Chữ Hán, ở Việt Nam còn gọi là chữ Nho do người Hán sáng tạo cách đây khoảng trên 3.000 năm, du nhập vào Việt Nam khoảng đầu Công nguyên. Cả 3 nước Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản thời cổ trung đại đều sử dụng chữ Hán như một văn tự chính thức trong giáo dục và văn hóa. Về mặt ngữ âm, mỗi nước đều có cách đọc chữ Hán theo lối riêng của mình. Ở Việt Nam, chữ Hán được đọc theo âm đời Đường (thế kỷ 8;9), thường quen gọi là cách đọc Hán - Việt.
Từ chữ Hán, người Việt lại sáng tạo ra chữ Nôm (người Tày, người Nùng cũng có thứ chữ Nôm riêng của mình, chưa rõ chuyển hóa từ chữ Nôm - Việt hay sáng tạo từ chữ Hán). Hiện ở nước ta còn lưu giữ được một kho sách Hán Nôm khá phong phú. Ở nông thôn cũng như thành thị nước ta, nơi nào còn đình, chùa, đền, miến đều có thể thấy được sự hiện diện của chữ Hán dưới hình thức hoành phi, câu đối, văn bia, thần tích, thần phả, v.v.... Nhiều dòng họ lớn vẫn còn lưu giữ được gia phả, tộc phả ghi chép bằng chữ Hán. Trong ngôn ngữ của người Việt hiện nay, chữ Hán không chỉ thể hiện trong các danh từ khoa học, mà còn thể hiện ở nhiều tên gọi vật dụng gia đình, công cụ lao động sản xuất...
Đáng tiếc là cho đến nay, ngành ngôn ngữ học vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu phần trăm từ Hán - Việt, tiếng Hán - Việt trong kho từ vựng tiếng Việt. Ngay GS Nguyễn Tài Cẩn - một chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Hán - Việt cũng chỉ có thể nói, hiện có một khối lượng khá lớn những tiếng và từ Hán - Việt trong kho từ vựng Việt Nam. Riêng với bản thân tôi, hiểu sâu cả Hán lẫn Nôm lại thường hay tìm tòi, tra cứu các từ điển cổ của Trung Quốc, nhưng lắm lúc cũng thấy bất ngờ vì những phát hiện và khám phá mới về những từ mà mình cứ tưởng là thuần Việt, hóa ra lại là tiếng Hán cả âm lẫn nghĩa.
Trong ngôn ngữ văn hóa, tiếng Hán chiếm một vị trí hết sức trọng yếu. Nếu không hiểu chữ Hán thì khó mà hiểu được các tác phẩm thơ cổ điển thời trung đại (dù được sáng tác bằng chữ Nôm và kể cả trường hợp đã được phiên chuyển thành chữ Quốc ngữ hiện nay). Trong kho tàng văn học dân gian cổ truyền cũng vậy, qua hàng ngàn câu tục ngữ, ca dao, dân ca... đây đó đều dễ dàng bắt gặp những từ Hán. Có điều, đó là những yếu tố văn hóa đã được Việt hóa, và trở thành một bộ phận rất đỗi quen thuộc trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Vai trò của chữ Hán quan trọng là thế trong đời sống văn hóa Việt Nam, nhưng đáng tiếc ngày nay học sinh phổ thông lại không được học chữ Hán như mấy nước "đồng văn". Do vậy, hiện tượng nói và viết sai các từ Hán - Việt trong xã hội khá phổ biến. Ví dụ như thay vì nói "thủy tạ" thì lại nói "thụy tọa"; thay vì "chẩn đoán" lại nói "chuẩn đoán", hay đúng ra là "tham quan" thì lại nói là "thăm quan"... Lạ lùng nữa là có một nhà khoa học lại hiểu "văn hiến" là "văn học"... Tình trạng này, lúc sinh thời Bác Hồ cũng đã than phiền...
- Thưa GS, người Nhật có một quan điểm rằng "Phá hủy truyền thống chính là tiếp nối truyền thống". Liệu một quá khứ văn hóa dày đặc có phải là một "gánh nặng" cho sức phát triển của chính nền văn hóa đó, cho con người mang nền văn hóa đó không? GS đánh giá thế nào về quan niệm trên của người Nhật?
- Trước khi trả lời vào câu hỏi, tôi muốn nói qua về bài viết của một tác giả Trung Quốc giới thiệu về chính sách và luật bảo vệ di sản văn hóa của Nhật Bản hiện nay (bài đăng trong tập kỷ yếu hội thảo quốc tế về nghiên cứu folklore châu Á tại Bắc Kinh năm 1999). Nội dung bài viết cho biết, chính sách và luật bảo vệ di sản văn hóa được chế định từ năm 1950, mà xa hơn đã được phát động từ thời Minh Trị Thiên Hoàng (1870). Luật đã nêu rõ, Nhà nước và Nhân dân cùng có trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa, về chính sách bao gồm từ việc tu bổ di tích văn hóa đến việc tài trợ cho các nghệ nhân văn hóa dân gian hành nghề, truyền nghề, đặc biệt đáng chú ý là vấn đề phát huy tác dụng của di sản văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay. Như vậy, cho thấy người Nhật rất coi trọng di sản văn hóa cũng như truyền thống văn hóa.
Còn quan niệm "Phá hủy truyền thống chính là tiếp nối truyền thống", theo tôi có lẽ là một cách nói triết lý, "phá cái cũ để xây cái mới" bởi truyền thống là một phạm trù lịch sử, do đó nó cũng có sự tiếp biến để thích nghi với môi trường, hoàn cảnh xã hội mới. Hiểu như vậy thì quá khứ văn hóa dày đặc không còn là "gánh nặng" cho phát triển. Từ thập kỷ thế giới phát triển văn hóa do UNESCO phát động (1988-1997), người ta đã khuyến cáo rằng văn hóa chính là động lực, là mục tiêu, là hệ điều tiết của phát triển. Và nếu cái "gánh nặng" đó có ảnh hưởng ít nhiều đến phát triển thì đó cũng là điều hợp quy luật như Mác đã nói: "Tư tưởng cũ vẫn còn tồn tại, ngay cả khi nó không còn thích hợp nữa với nhu cầu kinh tế mới. Truyền thống của các thế hệ đã qua đè trĩu lên đầu óc những người đang sống". Tuy nhiên, theo tôi, dù sao chúng ta cũng không nên quên câu nói nổi tiếng của nhà văn Nga - Raxun Gamzatốp: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác".
- Xin chân thành cảm ơn GS vì cuộc trao đổi hết sức thú vị này!
-
Nhật Mai - Nguyễn Phúc