(VietNamNet) - Với những người phải sống xa xứ vì cuộc mưu sinh, Tết Nguyên đán là những ngày tuyệt vời nhất trong năm bởi ấy là lúc những kẻ đi xa tìm đường quay về nơi chôn nhau cắt rốn để được đoàn viên cùng gia đình, chòm xóm. Phải chăng vì thế mà cận Tết là thời khắc rạo rực nhất của những người xa quê? Hãy lắng nghe hồi ức Tết quê nhà của một người xa xứ gửi cho VietNamNet những ngày cận Tết này.
Sài Gòn có lẽ là nơi tôi sẽ định cư suốt cuộc đời còn lại của mình. Mặc dù đi học, đi làm ở Sài Gòn đã nhiều năm, đến khi lấy chồng cũng lại ở Sài Gòn, nhưng cứ đến Tết chúng tôi là lại muốn về quê, có lẽ vì Tết Sài Gòn không mang đậm hương sắc Tết như ở quê chăng, tôi cũng không biết nữa vì đã tám năm ở Sài Gòn mà chưa một lần ăn Tết Sài Gòn xem nó như thế nào.
Từ 25 đến 30 cháng Chạp, các bến xe tấp nập dân xa quê như bọn tôi. Người nào cũng tay xách nách mang các món đồ mua được từ những đồng tiền dành dụm hoặc từ tiền thưởng Tết, thưởng cho công sức mình đã bỏ ra trong một năm qua.
Quê tôi ở miền Tây sông nước, nơi có những người dân chất phác, thật thà và luôn có một tấm lòng rộng mở. Khi lên xe đò, nếu ngồi gần một người chính gốc miền Tây thì không phải lo, 5 phút sau là đã có bạn, trong suốt cuộc hành trình có thể trao đổi với nhau đủ chuyện, kể cả chuyện đời tư. Vẫn biết khi về đến quê là mỗi người mỗi ngả và ít có dịp lại gặp nhau, nhưng người ta vẫn tâm tình chia sẻ. Lắm khi tôi ngạc nhiên khi chợt nhận ra tự lúc nào mình đã mất đi tâm lý đề phòng, thủ thế, sợ bị gạt, sợ làm đụng chạm đến người khác của những ngày tháng sống xa gia đình.
Đến nhà, đón tôi đầu tiên là con chó Tô Tô của thằng em xin về nuôi, con chó này chắc cũng có bản chất miền Tây nên ai đến nhà nó cũng mừng chứ không riêng gì chủ nó. Khi nghe tiếng con Tô Tô lẳng nhẳng trước sân nhà là ba má tôi từ sau bếp chạy ra mừng, bà ngoại ngồi dậy bước xuống khỏi võng hỏi: “Có chị mầy về chung không?”. Rồi vợ chồng tôi xếp trái cây lên bàn thờ cúng ông bà, đó là thói quen hay là phong tục của nhiều đời. Lắm khi, vợ chồng tôi đang ngồi nói chuyện cùng gia đình và vài người hàng xóm đến thăm thì chị Hai tôi cũng từ Sài Gòn vừa về đến, thể nào cũng có một người hàng xóm nói: “Thế là Tết này nhà anh Út vui rồi, con cái về đủ hết, còn thằng con tôi giờ này sau chưa thấy”. Má tôi lại an ủi, “chắc đến 30 Tết nó về chứ gì”.
Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới) quê tôi, nhà nào cũng có con cái đi học hoặc đi làm ở xa, Tết đến nhà nào cũng chờ con cháu về. Họ chờ con về để có một ít tiền mua sắm Tết, hoặc một vài món quà từ phương xa, nhưng cái chính vẫn là sự sum họp của gia đình.
Mới chiều 29 Tết mà đã thấy mấy đứa trẻ khoe quần áo mới, cơm nước xong, mệt vì đường xa, bọn tôi nằm trên võng, đong đưa mấy cái ngủ lúc nào không hay. Buổi tối ở quê muỗi nhiều hơn ở thành phố, chúng thay phiên nhau đớp no nê những giọt máu thơm mùi đô thị, tôi than muỗi quá, bà ngoại tôi trách yêu: “Về có mấy ngày mà than, tao ở đây cả đời có sao đâu!”, (bà ngoại tôi Tết này là đã 95 tuổi rồi).
Sáng 30 Tết, mới 3 giờ sáng đã nghe tiếng má tôi lục đục sau bếp, bà tranh thủ kho cho xong nồi thịt cho cả nhà để kịp đi chợ bán buổi cuối cùng trong năm. Má gọi thằng em trai dậy dọn hàng, đó là những đôi dép nhựa đủ màu vui mắt, ở quê mặt hàng này dễ bán hơn dép da hoặc dép xốp, vì trời mưa các loại này khó đi được trên đường sình lầy trơn trợt. Chị Hai nằm thêm chút nữa cũng dậy đi chợ để mua các nhánh mai, chợ quê phải đi sớm mới tìm được mai đẹp. Đó là thói quen của chị Hai tôi, năm nào chị cũng là người đi mua mai và các loại hoa khác về cho tôi chưng Tết. Má tôi luôn chọn những cặp dưa hấu thật đẹp để chưng lên bàn thờ và đi cúng Tết ở các nhà bà con. Ở quê thì vậy, mừng Tết chỉ là trái dưa hấu, cặp bánh tét, ký mứt ở nhà làm hay hộp trà, gói nhang thơm, không có mấy những món quà nặng tiền nhiều dụng ý.
Mâm ngũ quả. |
Má, chị Hai và em trai tôi đi chợ thì ba tôi ở nhà công việc cũng tất bật, bơm nước cho đầy mấy cái lu, đốt lá trong vườn, còn vợ chồng tôi thì quét dọn, lau chùi bàn thờ, nhà cửa, ly tách, và chưng hoa, trái cây lên bàn thờ. Mâm trái cây thường có các loại như nhánh sung, xoài, đu đủ, mãng cầu, dừa… Ước nguyện của người dân quê là “cầu vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (xoài)”, họ không mong muốn gì cao sang hơn thế. Không khí Tết tràn ngập cả nhà, ba má tôi là người luôn sống theo truyền thống rất xưa. Với má tôi, Tết đến là trong nhà muối, gạo, nước… nói chung là mọi thứ đều phải đầy ắp và sạch sẽ, còn với ba tôi ngày mồng một Tết tuyệt đối không được quét nhà, hết ngày 30 Tết là ba tôi đã đem cất hết mấy cây chổi. Ông cho rằng đầu năm quét nhà sẽ quét đi tiền của ra khỏi nhà, năm mới làm ăn sẽ không phát đạt. Biết là nhà chỉ đủ ăn, không làm ăn lớn gì, nhưng quan niệm đó vẫn còn ở rất nhiều gia đình.
| ||
Chiều 30 Tết cả nhà quây quần bên nhau để cúng mâm cơm rước ông bà; ngoài món thịt kho trứng, má tôi năm nào cũng nấu một nồi cháo gà, phải lựa gà trống thật ngon để khi cúng xong lấy cặp giò xem năm nay làm ăn có khá không: Cặp giò gà mà quặp nhiều thì có của ăn của để nhiều, ngược lại thì tiền ra như nước… Đêm đến, nhìn ba ngồi canh nồi bánh Tét bên má thật hạnh phúc. Đến giờ giao thừa, ba đánh thức chị em tôi dậy cùng ba má thắp nén nhang lên bàn thờ ông bà, rồi cả nhà xem tivi đón giao thừa.
Sáng mồng một Tết, mọi người đều dậy sớm, thói quen mặc quần áo mới trong ngày này cả nhà tôi đều giữ. Quần áo tươm tất, chúng tôi lại thắp nhang lên tất cả các bàn thờ trong nhà, đến phủ thờ của dòng họ cúng Tết, đi thăm bên nội, bà con xung quanh đó. Chị em tôi từ Sài Gòn về, đi chúc Tết bà con thường phải mang theo rất nhiều bao lì xì, trong đó bỏ nhiều lắm là 5.000 đồng vì má tôi bảo bấy nhiêu đó là nhiều lắm rồi, còn dư tiền nên cho những người bà con còn nghèo, cho mấy đứa con nít nó ăn hàng hết cũng vậy, cho ba má nó để còn lo cho cả nhà ăn được mấy ngày.
Đến chúc Tết nhà nào cũng được ăn một ít bánh mứt, gặp bữa thì không thể nào từ chối được. Cả mấy ngày Tết gần như tôi không được ăn cơm nhà, đến thăm nhà bà con nào cũng được mời ăn cơm và cũng ăn những món ăn do chính họ làm ra, không thấy tính chất công nghiệp: dưa kiệu, thịt kho trứng, canh khổ qua. Canh khổ qua là món ăn thường gặp cũng như thịt kho trứng trong những ngày Tết, người ta vẫn quan niệm rằng "ăn cho cái khổ nó qua đi"… Quay đi quay lại mà mấy ngày Tết qua đi nhanh quá, đó là những ngày hạnh phúc và yên lành nhất trong lòng bọn tôi suốt một năm qua.
Chiều làng quê sao mà thanh bình đến thế, mấy đứa trẻ chạy chơi tung tăng trên đường, gà vịt đưa nhau về chuồng, tiếng gọi nhau í ới về nhà ăn cơm, đám thanh niên nhảy sông tắm đùng đùng, khói bếp nhà bên cạnh tỏa lên ấm áp… lòng lại tôi bâng khuâng: Tôi ước gì làng quê này sẽ mãi là làng quê như thế, nhưng nếu nó không phát triển thì sẽ còn nhiều người xa xứ như chúng tôi, bởi họ cũng tìm cách thoát khỏi làng quê yêu dấu này để đi tìm một tương lai cho bản thân và gia đình. Ước gì làng quê vẫn là làng quê với những cái Tết thật ấm tình người, nhưng sung túc hơn, tiện nghi hơn, văn minh hơn để nhiều người vẫn ở lại với làng sống một cuộc đời như ý.
-
Mỹ Xuân