(VietNamNet) - Chiều 22/10, khi thảo luận tổ về tình hình KT - XH năm 2003 và nhiệm vụ năm 2004, câu chuyện 'nóng' ở đoàn Hà Nội là việc xây hay không xây toà nhà QH mới ở vị trị hiện tại. Còn ở đoàn T.P HCM, nơi có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, đa số các ĐB đều dành những câu hỏi liên quan đến ngân sách. Có người chất vấn: "mua sắm ô tô lãng phí, nợ XDCB lớn vậy... chắc anh Hùng phải biết cụ thể, sao không báo cáo Thủ tướng để xử lý nặng?".
Bao giờ khắc phục được 'nền kinh tế tiền mặt'?
Nhiều ĐBQH của đoàn TP.HCM tỏ ý đồng thuận với phát biểu của ĐB, bí thư thành uỷ Nguyễn Minh Triết về bản báo Kinh tế - Ngân sách của Chính phủ: "Chúng ta thấy rằng kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa yên tâm. Chính phủ đã nhận thấy những yếu kém của nền kinh tế nhưng đi sâu vào thì vẫn còn những chuyện phải bàn". Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Sinh Hùng lý giải về những sự sức cạnh tranh yếu của nền kinh tế: "Hiện nay giá thành sản phẩm của ta cao vì tiền lương cho từng người thì thấp mà "tiền lương" cho từng sản phẩm thì cao. Mọi chuyện cũng chỉ vì chúng ta đang ở trong thời kỳ chuyển đổi nên cũng có nhiều chuyện khó xử. Ví dụ như không thu thuế nhập khẩu phân bón thì nông dân được lợi nhưng các nhà máy sản xuất của ta sẽ chết nên nhà nước vẫn tiếp tục bảo hộ. Chuyện ô tô cũng thế...(?)".
ĐB Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở tư pháp TP.HCM bức xúc: "Môi trường đầu tư thì cứ nói là thuận lợi nhưng giá đất cao, điện cao, thủ tục phiền phức...". Bức xúc về chuyện tiêu cực tham nhũng, ông phân tích: "kinh tế tiền mặt là nguyên nhân căn bản cho tiêu cực. Đề nghị CP đề ra một thời hạn về việc bao giờ khắc phục được hiện tượng giao dịch tiền mặt. Dù hô hào chống, dù thanh tra bao nhiêu cũng không hết tiêu cự nếu chúng ta vẫn duy trì nền kinh tê tiền mặt".
"Ai sai thì chỉ rõ ra, đừng chung chung"
Không khí nóng lên khi ĐB Huỳnh Đảm, Tổng thư ký mặt trận Tổ quốc đoàn TP.HCM xoáy vào những câu chữ mang tính "chung chung" trong bản báo cáo của Chính phủ. Ông nói: " Báo cáo kỳ nào của Chính phủ cũng có một câu chung chung: "quản lý nhà nước còn yếu kém bất cập". Phải chỉ rõ ra, yếu kém ở khâu nào, nếu không cử tri cả nước sẽ chê cả đội ngũ công chức nhà nước. Nói chung chung vậy làm sao nhìn thấy yếu ở khâu nào để chấn chỉnh". Quay sang Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, ông chất vấn: " Chuyện lãng phí nghe mà xót xa quá. Mua ô tô ngoài kế hoạch, đập phá công sở Nhà nước, ăn nhậu... Nợ các công trình xây dựng cơ bản 11.000 tỷ đồng rồi các công trình để dở dang. Chắc chắn anh Hùng phải biết "địa chỉ". Sao không báo cáo với Thủ tướng để xử lý. Dứt khoát cụ thể mọi chuyện, không nên chung chung".
Đó cũng là lo lắng của ĐB Phạm Chuyên - GĐ Công an TP. Hà Nội. Ông Chuyên nói: Tôi lo lắng rất nhiều về vấn đề lãng phí thất thoát, trong đó có tham nhũng mà lãng phí thất thoát cũng là điều kiện của tham nhũng. Phải chăng đây là một lực cản làm tăng trưởng kinh tế của chúng ta không vững chắc được, năng suất lao động không tăng được? Bởi lãng phí thì làm sao tiết kiệm để đầu tư cho năng suất lao động cao. Ở đây lãng phí cả về thời gian và vật tư, kỹ thuật... Điều này không được Chính phủ phân tích một cách kỹ càng trong báo cáo"
Toà nhà Quốc hội mới: "Nên cẩn trọng để giữ cho mai sau"
Tại đoàn T.P Hà Nội, ĐB Phạm Chuyên mở đầu cho cuộc thảo luận sôi nổi về Toà nhà Quốc hội: mới: tôi có dịp được vào tham quan toà nhà và thực sự bàng hoàng vì nhìn thấy một kinh thành Thăng Long thực sự to đẹp như vậy. Chúng ta nói nhiều về Thành cổ, về các di tích nhưng thực sự không có mấy di tích đúng với tầm của Hà Nội. Hàng trăm nghìn vật cổ tinh xảo đến mức kinh ngạc, từ trạm đá đến gỗ, sứ. Nếu mở rộng hơn thì sẽ có thể còn nữa. Nếu chúng ta giữ được thì mai sau con chúng ta đọc sử sách về Hà Nội sẽ có một minh chứng cụ thể về lịch sử ông cha.
Đại biểu Tôn Thất Bách cũng rất tâm huyết với công trình này. Nhiều đại biểu đều thiết tha đề nghị Quốc hội xem xét trong phương án xây dựng toà nhà Quốc hội để bảo vệ di sản này.
- Bích Ngọc - Lan Anh