Bóng đá Việt Nam: Mua bán... chuyên nghiệp

Cập nhật lúc 08:55, 01/11/2010 (GMT+7)
Bunkong, anh bạn phóng viên người Thái Lan từng qua Việt Nam rong ruổi trên các sân cỏ với nhiệm vụ theo chân những người Thái Lan thi đấu và làm việc tại V-League lẫn giải futsal có lần tâm sự: “Giải chuyên nghiệp các bạn đi sau nhiều quốc gia ở Đông Nam Á nhưng ở mức độ thu hút các cầu thủ quốc tế đến thì các bạn đúng là số 1 khu vực”.
Để dẫn chứng, Bunkong đưa ra những so sánh khiến các cầu thủ Thái Lan thích tìm đến những CLB Việt Nam như lương của các tuyển thủ Thái Lan khoác áo CLB Muangthong khoảng 20.000 đến 30.000 baht/tháng (tương đương 660 đến 1.000 USD) nhưng sang đến Việt Nam thì lương cầu thủ lên đến 2.000 USD/tháng và hơn thế là bình thường.
V-League hấp dẫn cầu thủ ngoại với khoản lương hoành tráng
V-League hấp dẫn cầu thủ ngoại với khoản lương hoành tráng

Bunkong vốn rất thân với cầu thủ và các HLV làm việc tại Việt Nam nên anh thường xuyên nghe những câu chuyện về cầu thủ Thái Lan kháo nhau rời bến Bangkok tìm sang Việt Nam và thậm chí là nhập tịch Việt Nam. Họ bày nhau cách kiếm tiền ở Việt Nam đang sốt với cầu thủ ngoại với những công thức nằm lòng như lót tay vài trăm ngàn USD là chuyện nhỏ hay nhập tịch thì các ông chủ sẽ trả cao hơn bởi được ra sân với tư cách cầu thủ nội…

Lâu nay không thấy Bunkong sang Việt Nam thường xuyên và cũng không thấy anh nhờ chúng tôi cách làm thủ tục đăng ký thẻ hoạt động báo chí giải chuyên nghiệp nữa. Hỏi thăm thì Bunkong tâm sự: “Trước đây, tôi là đặc phái viên của Tập đoàn truyền thông Siam Sports, được cử qua theo dõi giải chuyên nghiệp Việt Nam để tìm hiểu, đồng thời đeo theo những hoạt động của cầu thủ Thái Lan tại Việt Nam. Nhưng nay thì các sếp nói không cần theo nữa bởi “người ta” tiêu tiền chứ không phải làm bóng đá chuyên nghiệp như Thái Lan đã và đang làm…”.

Với kiểu nhận xét tinh tế đấy có khác gì với suy nghĩ xem V-League như một cái chợ, nơi mà nhiều người bước vào đấy để tiêu tiền lẫn làm tiền.

Cái chợ đấy đang sản sinh nhiều đội bóng theo kiểu làm của nhiều doanh nghiệp hiện nay đó là cứ có tiền thì mua xác đội bóng cũ rồi nâng cấp và đổi tên giống như mua xe cũ ở tỉnh rồi độ xe và sang tên, chuyển vùng…
Như hoàn cảnh của bóng đá Sài Gòn là một minh chứng. Các đại gia làm ăn ở Sài Gòn hay có văn phòng ở Sài Gòn đang có khuynh hướng bỏ vài chục tỷ mua một đội bóng đang thiếu hụt và khó khăn rồi làm thủ tục nhận và đổi tên với phong trào gắn chữ Sài Gòn vào thế là ung dung làm ông chủ của một đội bóng Sài Gòn. Cách đây ba năm, một tuyến trẻ của lò bóng đá trẻ tư nhân VST ra đời rồi đổi tên thành Sài Gòn United đá hai mùa và bị xuống hạng bởi Quảng Nam bỏ cuộc, thế là tan một đội bóng. Sau lại đến Navibank đầu tư mua đội Quân khu 4 và làm mới bằng cái tên Navibank Sài Gòn. Một đội bóng mà người Sài Gòn chưa quen tên cầu thủ và hay đùa là đội Sài Gòn nói tiếng Nghệ. Nay lại thêm Xuân Thành Hà Tĩnh làm thủ tục đổi tên, đổi vùng và thành Xuân Thành Sài Gòn. Cứ thế bóng đá Sài Gòn không biết sẽ còn bao nhiêu đội bóng ở các vùng miền hội tụ về và gắn vào cái tên Sài Gòn hay TP.HCM theo kiểu trăm hoa đua nở.

Sau vụ Sài Gòn United chán và bất mãn thì không chơi bóng đá nữa, nhiều người rút ra kết luận ở Việt Nam lập một đội bóng dễ như mua xe hơi. Vấn đề là mua xe để làm gì? Chạy để lấy le hay mượn cái mẫu mã xe để khẳng định tư thế làm những chuyện khác ngoài bóng đá?

Chợ chuyên nghiệp ở Việt Nam giờ chỉ toàn cảnh mua, bán, giành, đấu và cũng là nơi thể hiện quyền lực lẫn nơi có rất nhiều “cò” sống khỏe từ núi tiền đổ vào.

Có ai lo khi từ ngày cái chợ ấy hoạt động thì bóng đá trẻ cứ ngày một teo tóp đi?

Có ai đi chợ mà trân trọng những người chăm chút từng cái cây ăn quả hay lo từng vụ lúa?
(Theo 24h.com.vn)

Tin liên quan

Các tin khác