VFF tổng kết mùa giải: Âm thầm & lặng lẽ

Cập nhật lúc 13:53, 15/10/2010 (GMT+7)
Khác với mọi năm, hôm qua, VFF đã không mời báo chí tham dự lễ tổng kết các giải bóng đá quốc gia năm 2010. Thay vào đó, đại diện các cơ quan truyền thông chỉ được mời vào hội trường khi chương trình bước sang phần bốc thăm xếp lịch thi đấu mùa giải 2011.

Có thể hiểu được dụng ý của VFF, bởi tại buổi lễ tổng kết mấy năm vừa qua, phần phát biểu của đại diện các đội bóng luôn mang lại những diễn biến bất ngờ, và thường là bất lợi cho hình ảnh VFF, chẳng hạn như vụ Sài Gòn United năm ngoái đăng đàn để kịch liệt phản đối VFF vì quyết định giáng hạng Quảng Ngãi khiến họ bị vạ lây.

Vì thế, có lẽ là để bảo đảm “an toàn”, năm nay báo chí đã không được mời tham dự lễ tổng kết ngay từ đầu, và ngay cả phần trao thưởng của VFF dành cho các danh hiệu của V-League, giải hạng Nhất 2010 và phần trao giải cho các danh hiệu trọng tài và trợ lý trọng tài mùa bóng 2010 cũng chỉ được tiến hành theo kiểu “người nhà đóng cửa bảo nhau”.

Chính vì thế, những phần trao thưởng này đã diễn ra trong không khí lặng lẽ, và nếu không có thông báo của VFF thì cũng chẳng ai biết các cá nhân xuất sắc của mùa giải 2010 đã được tôn vinh như thế nào, khác hẳn với không khí rình rang của mọi năm.


Tại buổi lễ tổng kết, VFF đã thông báo chủ trương sẽ có 16 đội bóng tham dự V-League 2013, nhưng chưa đưa ra lộ trình cụ thể sẽ thực hiện mục tiêu này như thế nào.

Bên cạnh đó, cho tới lúc này, VFF vẫn bảo lưu quan điểm của mình về thời hạn đăng ký CLB chuyên nghiệp ở mùa giải 2010, khiến Than Quảng Ninh lỡ mất một suất lên hạng trực tiếp, còn SQC Bình Định cũng không được tham dự trận play-off. Thậm chí, trong phần “Hạn chế tồn tại” của báo cáo tổng kết mùa giải 2010, VFF còn nói rằng: “Lộ trình và các phương án để quyết định số lượng đội lên- xuống hạng trong mùa bóng 2010 đã được thông qua… tuy nhiên có một số ít phóng viên không nắm được quy định này từ đầu nên phản ảnh không chính xác, gây ra những hiểu lầm về công tác điều hành của VFF”.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao không đẩy thời hạn đăng ký CLB chuyên nghiệp sớm hơn cột mốc 31/8/2010, chẳng hạn như ngày 31/5 hoặc ngày 31/6, khi cục diện giải chưa ngã ngũ nên các CLB còn sốt sắng với chuyện cổ phần hoá, thay vì để tới lúc mọi chuyện đã rõ ràng thì thân ai nấy lo, đại diện VFF cho rằng nếu làm như vậy dư luận dễ nảy sinh câu hỏi phải chăng VFF có ý muốn ưu ái riêng đội bóng nào nên mới thay đổi cột mốc thời gian như vậy, nên VFF đã quyết định bảo lưu thời hạn 31/8/2010.

Tuy nhiên, sang mùa giải 2011, VFF lại đưa ra thời hạn đăng ký danh sách CLB chuyên nghiệp tại giải hạng Nhất là 31/7/2011, tức là trước khi giải kết thúc từ 4 đến 5 vòng đấu. Đấy là một chỉ dấu cho thấy rõ ràng VFF đã nhận ra sự bất cập của cột mốc 31/8/2010 nên mới tiến hành thay đổi, nhưng có vẻ như cơ quan này lại không muốn thừa nhận thiếu sót của mình mà chỉ muốn “sửa lỗi” một cách âm thầm và lặng lẽ, giống như cái cách mà họ tiến hành lễ tổng kết mùa giải vừa qua.

Theo thống kê của VFF, ở mùa bóng 2010, tổng chi phí của các đội bóng dự V-League và HNQG là hơn 356 tỷ đồng, trong đó, số tiền dùng để trả lương của cầu thủ là hơn 147 tỷ đồng, riêng cầu thủ ngoại thì chỉ chiếm ¼ số lượng cầu thủ đá chính nhưng lại chiếm tới 71 tỷ đồng. Đội bóng tiêu nhiều tiền nhất mùa giải 2010 là XM.HP với 50 tỷ đồng, còn V.Ninh Bình xếp nhì với 46 tỷ đồng, vị trí thứ 3 thuộc về B.Bình Dương với 40,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù bạo chi như vậy, song V.Ninh Bình lại là đội bóng duy nhất còn nợ VFF 300 triệu đồng lệ phí tham dự V-League, khiến VFF phải ra quyết định từ mùa sau các CLB sẽ phải đóng tiền ký quỹ trước khi tham dự giải để tránh tình trạng “thả gà ra đuổi” (trích lời Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi).

  • Theo TT&VH

Các tin khác