Sự trở lại của những kẻ chiến bại
Nếu như 3 cái tên đầu tiên thậm chí không được góp mặt tại Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh thì Rooney lại mang đến một hình ảnh tiêu cực. Nhưng điều đó chính là động lực cho những cầu thủ trên khẳng định mình và nó đã được thể hiện ngay trong trận đấu đầu tiên của mùa giải 2010/11.
Thay cho một Rooney chậm chạp, vùng về tại World Cup 2010 là sự cơ động cũng và tinh thế thường thấy trong lối chơi của tiền đạo này. Chỉ xuất hiện trong hơn 45 phút nhưng những pha bứt tốc, những tình huống đeo bám quyết liệt hay những pha xử lý bóng tinh tế của Rooney cho thấy tiền đạo này không còn chịu ảnh hưởng từ chấn thương và đang rất sung mãn trước mùa giải mới. Chính Rooney chứ không phải ai khác là người tạo ra sự khác biệt với pha bóng đánh lừa Terry để tung ra đường chuyền dọn cỗ cho Valencia mở tỷ số trận đấu.
Rooney (trái) rất sung mãn trước mùa giải mới |
Ngoài sự xông xáo của Rooney ở tuyến trên, Man Utd còn có được sự khẳng định của những kẻ chiến bại khác. Trong khung gỗ, van der Sar vẫn chơi đầy chắc chắn dù đã sắp sửa bước sang tuổi 40. Berbatov cũng bỏ lại sau lưng một mùa bóng thất bại với bàn thắng đẹp mắt ấn định tỷ số 3-1. Một pha làm bàn được thực hiện chỉ sau 2 pha chạm bóng đầy tinh tế đã làm sống dậy trong các CĐV Man Utd niềm tin về một sự hồi sinh của chân sút người Bulgaria này.
Nhưng có lẽ, người khiến Ferguson hài lòng nhất phải là Paul Scholes. Dù đã 35 tuổi nhưng Scholes thực sự là một lá phổi trong lối chơi của Man Utd. Kinh nghiệm không chỉ giúp Scholes nổi bật trong những pha đánh chặn quyết định mà nhãn quan chiến thuật cực tốt của tiền vệ này còn giúp anh trở thành một thủ lĩnh thực thụ ở tuyến giữa với những đường chuyền mở bóng thông minh, chính xác tới từng centimet. Phong độ tuyệt vời của Scholes đã xóa tan những mối lo ngại về một tử huyệt ở trung tâm hàng tiền vệ Man Utd và giúp thầy trò Ferguson tự tin hướng tới mùa giải mới.
Góc nhìn
Sức trẻ = chiến thắng
Người Anh tưởng đã lãng quên cái khái niệm được chính họ sản sinh ra là “kick & rush”, có nghĩa “chạy & đá” áp dụng cho lối chơi truyền thống của ĐT Anh cũng như các CLB bóng đá Anh. Nhưng những ai thưởng ngoạn trận tranh Community Shield tối qua hẳn sẽ nảy sinh trong đầu một luồng suy nghĩ khác.
Đúng là bây giờ bóng đá không thể chỉ dùng đôi chân. Mà sự kết hợp khéo léo giữa kỹ năng của đôi chân với khối óc mới có thể mang đến thành công. Nhưng nếu chỉ dùng đến cái đầu mà quên mất vai trò của đôi chân, là chủ thể đá trực tiếp quả bóng, thì có lẽ khả năng thất bại còn lớn hơn nhiều.
Bạn thấy gì từ cách chơi của Chelsea và M.U hôm qua? Dễ nhận thấy nhất đó là nếu Chelsea cố tìm kiếm cơ hội ghi bàn bằng những quả lật bổng để các cầu thủ to cao bật lên đánh đầu, thì M.U ngược lại, chọn phương án khoét sâu 2 biên rồi sau đó căng ngang để hàng công không có thể hình tốt tận dụng. Tất nhiên, mỗi phong cách sẽ cho hiệu quả khác nhau, tùy từng thời điểm và trước từng đối thủ. Nhưng sự khác biệt giữa Chelsea và M.U có mối liên hệ mật thiết với cách thể hiện trên sân của 2 đội.
Vì sao Chelsea phải đá bóng dài nhiều? Đơn giản vì đội hình của họ quá già, đã bị vắt kiệt sức sau một mùa World Cup qua đi chưa được bao lâu, nên không còn đủ sức theo đuổi một trận đấu đỉnh cao suốt 90 phút. M.U của Sir Alex Ferguson tiếp cận trận đấu khác hẳn, khi có sự xuất hiện của khá nhiều gương mặt trẻ. Điểm nhấn lên lối chơi của Quỷ Đỏ là tốc độ. Tốc độ cao đã xé toạc tuyến phòng ngự của Chelsea, nhất là bên cánh trái với sự lơ đễnh mà lười nhác của A.Cole. Hai trong 3 bàn thắng của M.U đến từ những quả tạt biên, sau khi cầu thủ tạt bóng nhờ tốc độ cao của mình đã loại bỏ toàn bộ hàng thủ Chelsea.
Thế mới thấy, sức trẻ, tốc độ và thể lực quan trọng như thế nào đến bóng đá hiện đại. Người Anh chỉ có thể “kick & rush” thành công nếu họ tích lũy đủ thể lực. Bây giờ, khi giới cầu thủ trưởng thành từ rất sớm, yếu tố tốc độ và thể lực lại càng được đề cao hơn. Với hàng chục năm chơi bóng đỉnh cao, bị vắt đến gần suy kiệt sức lực như phần lớn các cầu thủ Chelsea, quả là rất khó để mong họ theo kịp một trận đấu, chứ chưa dám nói đến hiệu quả của cuộc chơi.
Wayne Rooney sinh năm 1985, tức mới 24, 25 tuổi. Nhưng cảm giác tiền đạo này cũng đã đuối sức lắm rồi tại World Cup 2010. Nói gì đến những Lampard, Anelka…
Phát biểu sau trận đấu
+ HLV Alex Ferguson (M.U): “Các cầu thủ của tôi đã chơi rất tốt, tuân thủ đúng ý đồ chiến thuật mà BHL đề ra. Chelsea có hàng tiền vệ cực mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi đã khắc chế họ thành công, là tiền đề để M.U giành chiến thắng. Rooney vẫn chưa ghi bàn, nhưng tôi hài lòng về thái độ thi đấu và ảnh hưởng của cậu ấy lên lối chơi tập thể của đội. Trận thắng hôm nay sẽ khích lệ tinh thần chúng tôi để có thể bắt đầu mùa giải mới tốt hơn”.
+ HLV Carlo Ancelotti (Chelsea): “Lỗi không chỉ thuộc về cánh trái của Ashley Cole. Chúng tôi vẫn chưa có được sự chuẩn bị tốt nhất cho trận đấu này. Cần có thêm thời gian để các học trò của tôi lấy lại được thăng bằng sau một mùa Hè mệt mỏi vì World Cup 2010. Bạn sẽ sớm thấy thôi, Chelsea sẽ đổi khác, sẽ mạnh mẽ hơn sau một vài tuần nữa. Xin chúc mừng chiến thắng của M.U!”.
+ Tiền đạo Javier Hernandez (M.U): “Tôi quá hạnh phúc khi ghi được bàn cho M.U ở một trận đấu lớn như với Chelsea. Không thể tin nổi may mắn lại đến với tôi sớm đến vậy. Tôi hy vọng sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đội bóng ở chặng đường sắp tới”.
(Báo Bóng Đá)