Nhà khoa học nguyên tử Abdul Qadeer Khan đã bán thiết bị sản xuất nguyên liệu hạt nhân cho Iran để đút túi 3 triệu USD và chuyển chất uranium làm giàu cho Libya. Tiết lộ này của một nhân viên phụ trách tài chính trong đường dây buôn lậu hạt nhân quốc tế được cảnh sát Malaysia công bố hôm qua (20/2).
Trong lời khai của mình trước cảnh sát Malaysia, Buhary Syed Abu Tahir, công dân Sri Lanka hiện đang bị quản thúc ở Kuala Lumpur vì bị tình nghi có liên quan tới vụ án hạt nhân, thú nhận ông đã được Abdul Qadeer Khan chiêu nạp vào mạng lưới của mình vào năm 1994. Và ngay trong năm đó, Khan đã chỉ đạo Tahir thực thi điệp vụ đầu tiên: chuyển 2 công-ten-nơ chứa các bộ phận của máy li tâm đã qua sử dụng cho Iran. Tahir cho biết cha đẻ của vũ khí hạt nhân ở Pakistan, người đứng đầu một mạng lưới buôn lậu hạt nhân quốc tế, đút túi 3 triệu USD trong vụ này.
"Tiền được xếp trong 2 va li và để trong một tòa nhà nơi Khan thường nghỉ mỗi lần ông ta đến Dubai," Tahir khai.
Quá trình điều tra, thẩm vấn Tahir kéo dài trong 3 tháng và đã được cảnh sát Malaysia lập thành một báo cáo dài 12 trang. Ngoài việc công bố cho báo chí, báo cáo này sẽ được gửi đến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Về "thương vụ" hạt nhân với Libya, Tahir tiết lộ Tripoli tiếp cận Khan từ năm 1997 và cầu cạnh ông này giúp đỡ cho chương trình hạt nhân làm giàu. Các cuộc thương thảo về "hợp đồng" giữa Khan và một người có tên Mohamad Matuq Mohamad, đại diện cho Libya, diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng năm 2001, Khan bắt đầu chuyển uranium làm giàu cho Libya và sau đó là một số bộ phận của máy li tâm, máy chuyên dùng để sản xuất nguyên liệu hạt nhân. Đối với những thứ không thể trực tiếp chuyển giao cho Libya, Khan giúp thiết lập một chiến dịch mang tên "Dự án Xưởng sản xuất Máy 1001". Người trực tiếp thực thi "chiến dịch" này cho Khan là Peter Griffin, quốc tịch Anh. Ông này tổ chức đưa 8 người Libya sang Tây Ban Nha học các sử dụng máy tiện để chế tạo các bộ phận cho máy li tâm. Tham gia chiến dịch này còn có 2 kỹ sư Thụy Sĩ là Freidrich Tinner và con trai ông ta, Urs Tinner.
Tahir, sau khi được điều sang Malaysia hoạt động và kết hôn với một công dân nước này, lôi kéo Công ty Cơ khí Chính xác (SCOPE) thuộc Scomi, tập đoàn dầu khí do Kamaluddin Abdullah, con trai của đương kim Thủ tướng Malaysia, nắm cổ phần quyết định, vào cuộc. Bản thân Tahir cũng gia nhập tập đoàn của Abdullah và đảm nhiệm vị trí giám đốc Công ty Đầu tư Kaspadu của Abdullah từ năm 2000 đến năm 2003.
Qua mối lái của Tahir, SCOPE ký hợp đồng sản xuất 25.000 chi tiết máy "sử dụng trong lĩnh vực dầu khí" cho Hãng Kỹ thuật Công nghiệp Vùng Vịnh có trụ sở ở Dubai, Ả-rập Xê-út. Các chuyến hàng lần lượt được vận chuyển đến Dubai bằng đường biển từ tháng 12/2002 đến tháng 8/2003. Chỉ có Tahir và một vài cộng sự thân cận biết được đích xác mục tiêu và đích đến cuối cùng của lô hàng này.
Sự việc bị vỡ lỡ khi một chuyến tàu chở các thùng hàng mang tên SCOPE từ Dubai đến Libya bị bắt giữ trên biển Địa Trung Hải tháng 10/2003. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc từ đó và lần ra đường dây buôn lậu hạt nhân quốc tế này. Mới đây, chính Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi đã trực tiếp chỉ đạo phải tiến hành làm rõ những khuất tất liên quan đến công ty của con trai mình.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày hôm qua, IAEA đã chính thức khẳng định Libya đã tiến hành sản xuất nguyên liệu hạt nhân bằng kỹ thuật có được từ các chợ đen. Báo cáo của tổ chức này do Giám đốc Mohammed ElBaradei soạn thảo có đoạn viết Tripoli đã "cố gắng sản xuất một lượng nhỏ chất plutonium đủ để chế tạo bom nguyên tử". Tuần tới, ông ElBaradei sẽ đến Libya để xem xét quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân mà nước này đã cam kết.
(Huyền Trang, Tiến Dũng - Theo AP, BBC)