Những ngày gần đây, người dân Pakistan sửng sốt nghe tin Tiến sĩ (TS) Abdul Qadeer Khan bị cách chức vì tình nghi bán công nghệ hạt nhân cho nước ngoài. TS Khan vốn được coi là vị anh hùng dân tộc vì đã có công chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên, tạo được thế cân bằng về vũ khí hạt nhân với nước láng giềng Ấn Độ. Vậy lý do nào đã khiến cho một vị anh hùng trở thành tội đồ?
Đây có thể coi là vụ bê bối hạt nhân tầm cỡ nhất sau "Vụ án vợ chồng Rozenberg". Điểm khác nhau là người tiết lộ bí mật công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử không phải chỉ là một nhà khoa học hạng trung như Rozenberg (nhà vật lý Mỹ - người đã để lộ những bí mật hạt nhân cho Liên Xô hồi cuối thập kỷ 40) mà lại là một người có trọng trách lớn hơn nhiều, một vị "cha đẻ bom Hồi giáo", người đứng đầu chương trình hạt nhân của Pakistan. Tổng thống Pakistan,tướng Pervez Musharraf trong suốt một thời gian dài luôn khẳng định với thế giới rằng không thể có bất kỳ sự "rò rỉ" công nghệ hạt nhân nào từ đất nước ông. Nay thì ông buộc phải im lặng một cách cay đắng hoặc phải đứng lên ra sức biện minh. Còn Phương Tây ngày càng lo ngại bom hạt nhân có thể rơi vào tay các phần tử hồi giáo cuồng tín.Theo một số tài liệu thì Ấn Độ có vũ khí hạt nhân ngay từ năm 1974. Pakistan tiến hành vụ nổ hạt nhân năm 1998. Ai cũng biết, để có được thế "cân bằng hạt nhân" này các nhà khoa học Pakistan, trước hết là TS Khan đã phải chịu biết bao lao tâm khổ tứ, công lao của ông đối với đất nước lớn không sao kể xiết. Vì thế hiện thời, rất nhiều ngưòi dân Pakistan trong đó có giới chỉ huy quân đội không muốn nhìn nhận tiếng sĩ Khan là một tội phạm.
Tất cả mọi mối liên hệ "tội phạm" của tiến sỹ Khan với "thị trường đen" công nghệ hạt nhân bắt đầu phát sinh ngay trong quá trình Pakistan làm bom hạt nhân. Nhiều thành phần và công nghệ được bày bán ở thị trường này và đúng là trong quá trình làm bom hạt nhân, giới vật lý hạt nhân Pakistan đã có mối liên hệ chặt chẽ với những kẻ buôn bán phục vụ cho lợi ích của các chế độ như Libya, Iran và có thể cả Bắc Triều Tiên nữa. Và sau đó họ sử dụng những mối liên hệ này để tiêu thụ các đề án hạt nhân của mình. Khác với vụ vợ chồng Rozenberg, động cơ ở vụ này mang tính chất vụ lợi hơn là mang tính chất hệ tư tưởng.
Các điều tra viên Pakistan đã xác nhận điều mà Phương Tây đã nói nhiều lần: trên thế giới hiện có một mạng lưới thị trường rộng lớn bí mật buôn bán công nghệ hạt nhân và các công nghệ khác nữa quan hệ tới vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Pakistan nói rằng họ đã phát hiện thấy nhiều "khoản tiền khổng lồ", nhiều tài khoản nhà băng mà trước tiên là ở các nước Vịnh Persic, nhận diện thấy nhiều kẻ mối lái nào đó đến từ Đức, Hà Lan, Nam Phi, Sri Lanka và nhiều nước khác nữa. Iran đã chỉ đích danh những người môi giới này, hé mở tấm màn bí mật đối với chương trình hạt nhân của mình. Quả đúng vậy, sau những lời thừa nhận của Iran, Chính phủ Pakistan đã buộc phải bắt đầu ngay cuộc điều tra đối với giới khoa học nước mình.
Theo sự thừa nhận của Teheran thì những người môi giới đã giúp họ mua ngoài "thị trường đen" những chiếc máy ly tâm làm giầu Uran. Trước kia, Mỹ buộc tội Nga cung cấp cho I ran những chiếc máy như vậy. Giờ thì kết luận đang rõ dần: có "những căn cứ đầy sức nặng để khẳng định" rằng chính TS Khan đã bán cho Iran công nghệ chế tạo ra những chiếc máy này. Vào thập kỷ 70 thế kỷ trước ông Khan làm việc tại phòng thí nghiệm của tổ hợp Đức - Hà Lan "Urenco" ở Amsterrdam. Ngay sau khi trở về Pakistan vào thập niên 80 ông ta đã bị tòa án Amsterdam kết án vắng mặt vì âm mưu làm gián điệp nhưng về sau đó bản án đã được kháng cáo và đình chỉ. Trên cơ sở kinh nghiệm thu được ở châu Âu, TS Khan đã thiết kế, chế tạo ra những chiếc máy ly tâm - điều kiện tiên quyết để có được nguyên liệu cho bom nguyên tử.
Công thì lớn như thế, nhưng ít ai biết rằng tiền lương của TS Khan một tháng chỉ chừng gần 2 ngàn USD. Không biết đó có phải là lý do để ông Khan "bán" những bí mật công nghệ hạt nhân vốn đang được nhiều nước bỏ một số tiền rất lớn ra mua hay không, nhưng chỉ biết rằng ông này và những người thân cận đang có (hoặc đã kiểm soát) những tài khoản lớn ở Dubai và nhiều nước khác thuộc Vịnh Persic và có khối bất động sản lớn ở Dubai và Pakistan. Cách sinh hoạt của ông ta không thể gọi gì khác hơn cách sống xa hoa. Ông ta đã mua những ngôi nhà nguy nga không chỉ cho mình mà cho cả các con, tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo sang trọng, xuất bản lấy nhuận bút những cuốn sách ca ngợi chương trình hạt nhân của Pakistan. Ông ta nói chung chẳng biết đến sự kiểm tra tài chính là gì. Ông ta đã có thể có tất cả, nhiều hơn rất nhiều những gì mà vị cha đẻ bom hạt nhân Liên xô Kurchatov đã có khi xưa. Theo lời chứng của một trong số những nhà khoa học Pakistan có 30 năm thâm niên làm việc trong chương trình, "TS Khan không bao giờ phải giải thích bất kỳ cái gì cho bất kỳ ai về những chuyến công du nước ngoài riêng tư của mình. Ông ta đã tiêu phí nhiều tỷ USD mà không có bất kỳ sự kiểm tra nào".
Nhưng cuối cùng thì ông ta vẫn phải đối mặt với sự thất sủng. Vì những sai phạm về chi tiêu tài chính, năm 2001 đích thân Tổng thống Pakistan, tướng Musharraff, đã thải hồi Khan khỏi chức vụ lãnh đạo Viện thí nghiệm mang chính ông ta. Hiện nay một số người nói bóng gió rằng "người Iran cố ý" ngầm hại Abdul Kadir Khan tựa như thanh toán món nợ có thể là tiền bạc với ông ta và trực diện "bắn" vào nguồn cung cấp những thứ mua bí mật của mình.
Người ta còn nói rằng Tổng thống Pakistan đã xúc động đến tận đáy lòng sau khi được biết về khoản lương ít ỏi cùng hành vi đáng chê trách của người anh hùng dân tộc. Theo lời của một trong số những viên trợ lý gần gũi nhất thì hồi cuối tháng 11 năm ngoái, Musharraf đã cho gọi tiến sỹ Khan đến. Trong cuộc gặp đó "trong khoé mắt ông ta đã rớm lệ".
Cuộc điều tra mối liên hệ giữa tiến sỹ Khan với các nước bí mật mua công nghệ hạt nhân đã tới hồi kết. Hôm thứ Tư tuần trước, chính phủ Pakistan ra thông báo nêu rõ: "TS Khan đã thừa nhận trước Tổng thống rằng ông nhận toàn bộ trách nhiệm về chuyện làm rò rỉ (công nghệ hạt nhân) và xin Tổng thống nể lòng trước những đóng góp của ông cho an ninh quốc gia mà khoan dung cho ông. Ông Khan đã nhận ra rằng những hành động của ông rõ ràng là đã vi phạm luật pháp Pakistan và có thể dẫn đến việc phổ biến năng lực hạt nhân của Pakistan và phương hại đến an ninh đất nước ".
Bản thân TS Khan thì nói trên TV: " Tổng thống đã tỏ thái độ thông cảm và rất độ lượng. Tôi đã giải thích cho ông tất cả mọi điều. Tôi giải thích cho ông về nguồn cơn sự việc, về những gìđã và đang xảy ra. Tổng thống đã đánh giá sự thành thật của tôi".
Ngày 31/1, TS Khan đã bị cách chức. Điều gì đang đợi ông ở phía trước, hiện chưa ai có thể nói được.
Chính Tổng thống giờ đây sẽ quyết định số phận nhà khoa học này. Vụ án liên quan cả thẩy tới 11 người, trong đó có 4 nhà khoa học (kể cả cựu Tổng giám đốc Viện thí nghiệm hạt nhân mang tên Tiến sỹ Khan Muhammed Farud) và 3 quân nhân. Tiến sỹ Khan là người duy nhất không bị bắt giữ (nhưng bị cấm đi khỏi Is lamabad) nhưng thường xuyên bị thẩm vấn.
(Lương Cường - Theo Izvestia, BBC)