Thủ tướng Israel Ariel Sharon hôm qua (22/1) tuyên bố ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí của mình cho tới năm 2007 bất chấp những lời chỉ trích và yêu cầu buộc ông phải từ chức do dính líu tới vụ bê bối liên quan đến nhận hối lộ.
Phát biểu trước đám đông thanh niên tụ tập trước trụ sở Đảng Likud, ông Sharon nói: "Tôi tới đây với cương vị Thủ tướng, và chủ tịch đảng Likud, một vị trí mà tôi dự định sẽ đảm nhiệm thêm nhiều năm nữa, ít nhất là tới năm 2007".
Vụ bê bối bắt đầu từ hôm 21/1 khi một nhà đầu tư địa ốc Israel bị buộc tội đã dùng nhiều triệu USD hối lộ ông Sharon, phó Thủ tướng Israel, và một trong những người con của Sharon, trong đó, riêng ông Sharon nhận 690.000 USD. Nhà lãnh đạo Israel ngay lập tức đã bác bỏ lời buộc tội này.
Hiện các quan chức trong Bộ Tư pháp Israel đang xem xét vụ việc. Dự kiến, trong một vài tuần hoặc một vài tháng tới họ sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc có nên cáo buộc ông Sharon nhận hối lộ hay không. Lời cáo cuộc sẽ chỉ được đưa ra nếu các công tố viên tìm thấy đầy đủ bằng chứng về hành động phạm tội của ông Sharon. Theo quy định của luật pháp Israel, một khi bị buộc tội, ông Sharon sẽ phải dừng các công việc của mình cho tới khi thủ tục tố tụng được hoàn tất. Giới quan sát nhận định, tương lai của vị Thủ tướng Israel sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Bộ Tư pháp.
Hiện cảnh sát Israel cũng đang tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào gia đình ông Sharon, đặc biệt là hai người con trai Gilad Sharon và Omri Sharon. Hai người này bị buộc tội đã nhận 1,5 triệu USD từ một nguời bạn của Thủ tướng, một thương gia người Nam Phi tên là Cyril Kern.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có tới gần 1/2 số người Israel tin rằng ông Sharon dính líu tới việc làm sai trái này và cho rằng ông nên từ chức, hoặc ít ra cũng nên tạm thời ngừng công việc của mình.
Được biết, các lãnh đạo nghị viện thuộc đảng Likud của ông Sharon cũng đang chuẩn bị một dự thảo luật quy định quá trình thay thế thủ tướng. Trên thực tế, ông Sharon không phải là Thủ tướng Israel đầu tiên bị buộc tội tham nhũng. Tuy nhiên, ông lại là người đầu tiên bị các công tố viên nhà nước cáo buộc.
Phản ứng trước vấn đề này, các quan chức Palestine nói, họ lo ngại ông Sharon có thể tìm mọi cách lái sự chú ý của dư luận khỏi vụ bê bối bằng cách tiến hành các hoạt động quân sự mạo hiểm trên lãnh thổ Palestine hay nơi nào khác tại khu vực Trung Đông.
(Huyền Trang - Theo BBC, AP)