Nga đã mất đi phần lớn sức mạnh công nghiệp của mình. |
Hôm nay (29/9), khoảng 1.200 chuyên gia môi trường, quan chức và chính trị gia từ hơn 40 nước trên thế giới gặp nhau tại Hội nghị Thay đổi Khí hậu Thế giới lần thứ nhất, tổ chức tại Moscow. Từ cuối những năm 1980, vấn đề khí hậu và môi trường đã thực sự thu hút sự chú ý của cả cộng đồng quốc tế.
Chương trình nghị sự chính thức sẽ được gói gọn trong khoảng 500 trang báo cáo khoa học của cuộc nghiên cứu mới nhất về hiện tượng trái đất ấm lên. Tuy nhiên, mọi người đều nhìn thấy số phận của Nghị định thư Kyoto về thải khí nhà kính "thấp thoáng" sau hậu trường.
Địa điểm và thời gian hội nghị rất phù hợp, bởi vì gần đây, chính Nga đã trì hoãn bản hiệp định ký kết 7 năm trước tại Nhật Bản. Vì lý do này, tâm điểm chú ý sẽ là Tổng thống Vladimir Putin khi ông đọc diễn văn khai mạc hội nghị. Những người ủng hộ Nghị định thư Kyoto hy vọng rằng, ông sẽ đệ trình thoả thuận của Liên Hợp Quốc lên Quốc hội để xin phê chuẩn sau nhiều tháng chuẩn bị và rào đón.
Nhưng việc ký kết không được thuận lợi cho lắm. Vì Mỹ từ chối tham gia, các nước công nghiệp phát triển khác phải phê chuẩn thì Nghị định mới có thể trở thành luật quốc tế được. Và, mặc dù 1 năm trước đấy đã cam kết rất chắc chắn, Nga vẫn chưa thành công trong việc xin phê chuẩn. Điều này khiến cho Liên minh châu Âu (EU) rất bất bình, nhất là khi EU vừa soạn thảo kế hoạch giảm thải khí nhà kính, bắt đầu thực hiện từ năm 2005. Các nước như Canada và Nhật Bản cũng khó chịu không kém, vì họ đã phải vượt qua dư luận trong nước mới có thể thông qua thoả thuận trên.
Điều khiến cho các nhà quan sát quốc tế thắc mắc là tại sao Nga lại gặp rắc rối với Nghị định thư, bởi vì Nga đã đảm bảo ủng hộ thoả thuận này. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2008-2012, Nga sẽ phấn đấu sao cho mức thải carbon dioxide và các loại khí công nghiệp khác gây thay đổi khí hậu xuống ngang với mức của năm 1990. Nhưng kể từ năm 1990, cùng với sự sụp đổ của nền công nghiệp trợ cấp sau khi Liên Xô tan rã, mức thải khí xuống thấp hơn nhiều so với trước đấy, không phải vì các xí nghiệp trở nên sạch hơn, mà đơn giản là vì có ít nhà máy hơn.
Theo Nghị định thư Kyoto, Nga sẽ có chiết khấu "dự phòng" dành cho ô nhiễm. Điều này sẽ tạo cơ hội cho Nga thu hút đầu tư nước ngoài để khôi phục hệ thống công nghiệp năng lượng già cỗi của mình. Trên thực tế, quy mô những vụ đầu tư như thế sẽ lớn hơn nhiều nếu Mỹ, kẻ gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, còn tham gia vào Kyoto. Nhưng nhiều nước khác vẫn sẽ tiếp tục phấn đấu để thực hiện cam kết giảm thải khí nhà kính, vì vậy, chắc chắn là quốc tế vẫn cần đến khoản chiết khấu của Nga.
Vài ngày trước khi diễn ra hội nghị Moscow, một số quan chức cao cấp của Chính phủ Nga đã lên tiếng phủ nhận việc thông qua Nghị định thư Kyoto. Điều này có nghĩa là, nếu các công ty nước ngoài không cam kết chắc chắn về việc đầu tư vào Nga thì xin mời EU và các nước khác cứ "dài cổ mà chờ". Ngay cả những chuyên gia kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực chính trị quốc tế cũng không thể hiểu nổi động lực của Nga là gì.
Có thể Nga đang chờ đợi thoả thuận tài chính thuận lợi nhất; hoặc đang phản ứng lại sức ép thầm lặng của Mỹ nhằm làm cho Nghị định thư Kyoto sụp đổ; hoặc các bè phái trong bộ máy chính phủ đang đấu đá lẫn nhau. Tất cả sẽ sáng tỏ trong một vài ngày tới, khi hội nghị bắt đầu thảo luận.
(Khánh Hà - Theo BBC)