Các thành phố của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh không chỉ gây ra tình trạng thiếu nước mà còn gây ô nhiễm những nguồn nước sạch vốn đã hiếm hoi, gây nhiều thiệt hại tới nền kinh tế. Thủ đô Bắc Kinh là một ví dụ điển hình. Mỗi năm, khoảng 1,2 tỷ tấn rác được đổ xuống kênh ngòi trong thành phố, trong đó gần một nửa là rác không qua xử lý.
Với mức sống ngày càng cao, cư dân thành phố đang đòi hỏi phải có một môi trường trong sạch hơn, và chính quyền địa phương bắt đầu đầu tư vào việc bảo vệ các nguồn nước. Giám đốc Uỷ ban công trình nước Trung Quốc Lưu Hán Quý cho biết, đến năm 2008, Bắc Kinh sẽ xây dựng được 30 nhà máy xử lý rác thải và sẽ tiến hành xử lý hơn 90% lượng rác trước khi thải ra ngoài môi trường.
Ở các thành phố khác như Thượng Hải, hơn 846 triệu USD đã được dùng để nạo vét sông Tô Châu và các kênh ngòi khác. Phó giám đốc Cơ quan cung cấp nước Thượng Hải cho biết: "Thành phố vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng nước và chúng tôi hy vọng tới năm 2010 sẽ xử lý được 80% lượng rác thải".
Hạn hán và ô nhiễm là hai vấn đề chính về nước tại thành thị. Các con số thống kê cho thấy hơn 400 trong số 672 thành phố của Trung Quốc bị thiếu nước và 160 thành phố cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề tới mức chính quyền thành phố buộc phải áp đặt các hạn chế về sử dụng nước. Tình trạng thiếu nước gây thiệt hại cho sản lượng công nghiệp tới 24,2 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, hơn 90% nước bề mặt và 50% nước ngầm tại các thành phố trên cả nước đang xuống cấp.
Do mức độ sử dụng ngày càng cao, mực nước ngầm tại các thành phố duyên hải như Đại Liên, Thanh Đảo, Hải Khẩu đang cạn dần. Các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ đầu tư nhiều hơn vào việc xử lý nước thải và kêu gọi sự hợp tác để giải quyết vấn đề này.
(Huyền Trang - Theo AFP, China Daily)