221
881
Thế giới đó đây
doday
/thegioi/doday/
108695
Người New York quá mệt mỏi sau vụ 11/9
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Người New York quá mệt mỏi sau vụ 11/9
,

 

Tưởng nhớ nạn nhân vụ khủng bố 11/9.

Đối với người Mỹ, đặc biệt là người dân thành phố New York, lễ kỷ niệm ngày 11/9 năm nay thật nặng nề. Bởi chỉ trong vòng 2 năm qua, họ đã phải chứng kiến biết bao nhiêu biến cố bất thường: 2 cuộc chiến tranh, sự cố mất điện, thất nghiệp gia tăng, những lần nâng mức báo động an ninh toàn quốc... Nhiều người trong số họ đã tỏ ra vô cùng mệt mỏi.

Trong cuộc thăm dò dư luận do tờ Thời báo New York tiến hành hồi cuối tuần trước, 2/3 trong số 976 người được hỏi cho biết, họ rất lo sợ sẽ có một vụ tấn công khác tương tự vụ 11/9. Mặc dù có giảm so với năm ngoái, song số người này vẫn chiếm đa số. Người dân New York cho biết, hiện nay họ suy nghĩ về vụ 11/9 ít hơn so với một năm trước, nhưng cảm giác bất an thì vẫn không hề giảm đi.

Thực ra, nhiều người New York đã ''hồi phục'' và quay lại với công việc thường nhật của mình. Bà Lisa Petta,  44 tuổi, công tác tại Trường công lập Edison, tâm sự: "Hàng ngày tôi vẫn bắt gặp một số chứng tích gợi lại sự kiện đau lòng đó. Nhưng giờ đây tôi đã ổn. 11/9 đã trở thành một ký ức xa vời".

Tuy thế, những biến động vừa qua vẫn khiến cô cảm thấy bất an và tự vấn: khủng bố chăng? Đó là cảm giác của bà trong đợt mất điện vừa qua. Bà hoảng hốt khi các bóng đèn vụt tắt. Tuy nhiên sau đó, bà đã vượt qua được nỗi sợ sệt đó. "Tôi vẫn đi lại bằng tàu điện ngầm, lên các toà nhà cao tầng. Tôi yêu New York. Đó là ngôi nhà của tôi".

Người New York tưởng niệm nạn nhân 11/9.

Cũng theo cuộc thăm dò dư luận trên, gần 60% số người được hỏi cho rằng sự kiện 11/9 sẽ tác động lâu dài đến New York. Hai năm sau, chỉ còn ít người tin tưởng vào các biện pháp an ninh bảo vệ thành phố. Người ta cảm giác thành phố chưa sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công sinh học hay hoá học. Hai năm sau ngày 11/9/2001, người ta có cảm giác thành phố dễ bị tấn công hơn bao giờ hết.

Những cơn ác mộng

Nhưng mọi người vẫn phải tiếp tục sống. Không có sự lựa chọn nào khác. Anh Jay Jimenez, 38 tuổi, người trực tiếp có mặt tại toà tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ( WTC) khi thảm hoạ xảy ra. Anh bị vùi trong đống đổ nát nhưng đã may mắn thoát chết. Mặc dù vết thương đã lành nhưng kể từ đó, anh không thể trở về cuộc sống bình thường trước đó nữa. Anh thường xuyên bừng tỉnh và khóc lóc sau những cơn ác mộng hàng đêm. Anh phải gọi điện cho bạn bè giữa đêm. Jimenez lo sợ khi phải đi lên những tầng nhà cao quá 11 tầng, độ cao mà anh cho là an toàn tối thiểu. Anh sợ khu trung tâm Manhattan. Trong căn nhà của mình tại khu Staten Island, anh luôn để mành che kín các cửa sổ nhìn sang Manhattan. Anh thậm chí không dám nhìn vào nó nữa.

Hai năm sau, anh vẫn nhắc đến vụ 11/9 hàng ngày. Anh không còn làm việc tại Manhattan nữa mà chuyển về Staten Island, với cương vị là thư ký báo chí của Thượng nghị sĩ bang Seymour Lachman. "Hồi bé, tôi từng coi tháng 9 là một giai đoạn đặc biệt, bởi vì khi đó tôi được đến đường trong tiết thu mát dịu dễ chịu", anh tổ lộ. "Giờ đây thì tôi chỉ nghĩ đến ngày 11/9 kinh hoàng".

Anh vẫn để những lá quốc kỳ (treo từ ngày 11/9/2001) tung bay trước nhà mình, cho dù hàng xóm gần đây đã kêu ca đòi anh tháo chúng xuống và cho rằng, anh là kẻ hiếu chiến. Nhưng họ sẽ tha thứ cho anh Jimenez nếu biết: một nữa số người được hỏi cho biết, họ thường xuyên treo quốc kỳ hoặc đeo quốc huy.

"Tôi biết tôi sẽ còn nghĩ về nó (vụ 11/9) hàng ngày, từ giờ cho đến hết đời", anh nói. "Mỗi ngày trôi qua, tôi vui mừng vì không có khủng bố, nhưng lại lo sợ khi nghĩ đến ngày mai". Nhưng anh cũng theo dõi tin tức về công tác nhận dạng nạn nhân tại WTC. Và mặc dù không dám nhìn vào khu Manhattan, anh vẫn thích được đến đó.

Ngay cả sự cố mất điện vừa qua cũng không làm anh hoảng hốt. Sau khi hỏi nhà hàng xóm, anh cũng như mọi người, đổ ra đường đi dạo phố từ tối cho tới sáng mai. Anh đã lo cho người khác hơn là nghĩ về mình. "Tôi cảm giác tinh thần tôi đã tốt lên rất nhiều", anh vui mừng nói.

Tuy thế, những cơn ác mộng vẫn tiếp tục phá vỡ giấc ngủ của anh: hình ảnh những người lao mình xuống từ 2 toà tháp WTC. 2/3 số người được hỏi cho biết, họ không thể ngủ ngon giấc hoặc bị tỉnh giấc lúc nửa đêm.

Tuần trước, anh Jimenez lại vừa mới trải qua cơn ác mộng "định kỳ". "Tôi đang ở trong nhà bố mẹ tôi thì bỗng có tiếng chân lao xuống cầu thang, tiếng TV", anh kể lại. "Tôi nghe thấy tiếng phóng viên truyền hình đưa tin, vừa xảy ra một vụ tấn công mới, khủng khiếp hơn vụ tấn công 11/9 tại khu Hạ Manhattan. Tôi cố theo dõi thì bỗng có ai đó xông vào nhà và giết tôi". Nhưng anh đã cố tự trấn an. "Tôi không thức giấc và ôm mặt khóc như tôi từng làm trước đó nữa", anh nói. "Và tôi cũng không gọi cho bạn bè vào lúc nửa đêm nữa".

Những cuộc tìm kiếm cuối cùng trong đống phế tích WTC

Bà Diane Horning là một người may mắn thoát chết trong đống đổ nát WTC. Mặc dù không bao giờ còn muốn tới khu đất chết chóc đó nữa, bà vẫn phải đến. Đó là nơi duy nhất mà bà tin rằng, mình có thể thể hiện sự tưởng nhớ. Con trai bà, anh Matthew, làm việc cho công ty Marsh & McLennan (có trụ sở tại WTC), đã chết trong thảm hoạ đó.

Người ta vẫn chưa tìm được thi thể anh. Bà tin rằng, phần còn lại của anh, cùng như của nhiều người khác, vẫn không bị lẫn vào đống tro tàn. Bà mong tìm ra nắm xương tàn của con, cho vào một chiếc lọ đựng hài cốt an toàn và chôn cất tử tế tại nghĩa trang thành phố. Bà không biết liệu mình có tìm ra được không. Nhưng nếu chưa tìm được, hàng tuần, bà vẫn sẽ tiếp tục "hành hương" đều đặn tới nơi này. Bà Horning chỉ là một trong hàng trăm người chưa tìm được người thân của mình.

Bà đã tham gia tổ chức Gia đình các nạn nhân trong vụ WTC, tổ chức có hàng trăm người tham gia. Các thành viên gặo nhau 1 lần/ tuần để trao đổi thông tin và tìm kiến niềm an ủi ở nhau. Bà cho biết, việc chưa đạt được kết quả nào cũng giúp cho bà nguôi ngoai đi nỗi nhớ con.

Nhưng bà và các thành viên khác trong tổ chức đang này càng bị stress nặng. Bà cho biết, bệnh chảy máu dạ dày của bà ngày càng nặng. Bà chưa bao giờ ngủ nhiều hơn 2 tiếng trong một đêm. "Tôi đã nghiến răng suốt đêm", bà nói. "Nhiều người khác thì bị chứng co giật cơ mắt. Nhiều người trong chúng tôi mắc bệnh đau đầu. Thậm chí năm nay tôi thấy sức khoẻ tồi tệ hơn nhiều so với năm ngoái".

Tuần trước, bà cùng 2 gia đình khác lại đến khu WTC, mang hoa đến viếng con trai. Nhưng ở đó không còn chỗ để đặt hoa nữa vì người ta đang làm móng cho một WTC khác. Bà đành phải ném chúng lên không trung hy vọng một trong số đó rơi xuống đúng chỗ.

Hồn ma

Chị Davis, 33 tuổi, chủ nhân một cử hàng bán áo sơ-mi gần toà tháp WTC, đã quay lại cửa hàng của mình. Và cuộc sống bình thường đã trở lại với chị. "Tôi vẫn đang nhìn về phía trước".

Tuy thế, chị vẫn thường xuyên bị ám ảnh bởi những hồn ma. Chị tin rằng, hồn ma những người chết đang lẩn khuất trong cửa hàng chị. Chị thỉnh thoảng lại giật mình hoảng sợ khi thấy những chiếc sơ-mi bỗng tuột khỏi mắc áo một cách bí hiểm hay nghe thấy tiếng bước chân của ai đó trên cầu thang dẫn lên tầng hai.

Đối với chị, ngày 11/9 2 năm sau vẫn là ngày của những hồn ma, những ám ảnh và một điều gì đó không thể lường trước được.

Đoàn tụ

Lễ kỷ niệm là cơ hội để đoàn tụ. Ngay sau thảm hoạ, Cantor Fitzgeral, cái tên mà hầu như tất cả đều nhớ tới (toàn bộ 658 công nhân của công ty này đã thiệt mạng trong ngày 11/9), công ty đã tổ chức lễ tưởng niệm tại Công viên Trung tâm. Và năm ngoái, họ lại tổ chức một buổi lễ tương tự. Năm nay, buổi lễ lại thu hút được nhiều người đến từ các bang và các nước khác nhau. Công ty dự định sẽ biến ngày lễ này thành ngày tưởng niệm truyền thống, tổ chức mỗi năm một lần.

Trong số những người tham dự buổi lễ sẽ có ông William Doyle, 56 tuổi, cư dân của Staten Island, nhà buôn bán chứng khoán đã về hưu được 8 năm, người vĩnh viễn mất đi con trai trong vụ tấn công khủng bố. Trong hai năm nay, ông này đã trở thành trung tâm cung cấp thông tin về vụ 11/9. Ông Doyle tự cảm thấy mình có trách nhiệm phải cung cấp tin tức cho các gia đình và những người bị thương. Tự mình, Doyle đã thu thập một danh sách với hơn 5.000 cái tên của thân nhân những người bị nạn. Nếu có bất cứ thông tin mới nào liên quan tới vụ 11/9, người cha bất hạnh này lại gửi thư điện tử tới toàn bộ những người trên cũng như an ủi, động viên họ, giúp họ vượt qua nỗi đau.

"Có rất nhiều việc phải làm", ông nói. "Vấn đề của mọi người cũng chính là vấn đề của tôi. Tôi cảm giác mình đã trở thành một nhân viên xã hội độc nhất vô nhị. Tôi từng đi Nhật Bản, nơi có 26 gia đình nạn nhân. Tôi đã đi California, Canada, nơi có 28 thân nhân người bị nạn. Tôi nhận từ 250 - 400 email mỗi ngày''.

Công việc đã giúp William quên đi mất mát. Nhưng ký ức luôn hiện diện đấu đó trong khu vườn nhà ông, nơi ôg và con trai thường ngồi trò chuyện. Một ngọn nến luôn được thắp sáng ở đó. Ông William liên tục thay nến trong suốt 2 năm trước. Tuy nhiên, từ 11/9 năm ngoái, ông đã thay nến thật bằng một cây nến điện.

Với công việc từ thiện của mình, ông William đã được đền đáp nhiều phần thưởng. Ông đã làm quen được nhiều người bạn mới. Họ giúp ông hàn gắn được phần nào vết thương. Gia đình ông tìm được sự đồng cảm từ một gia đình sống ở Brooklyn, cũng là nạn nhân gián tiếp trong vụ 9/11. Tháng 10 tới, hai gia đình dự  định sẽ có kỳ nghỉ ở thành phố giải trí Las Vegas.

Một ngày mới

Nhưng anh Antonio DeJesus, 38 tuổi, chủ nhân một cửa hàng quần áo gần đó, lại mạnh mẽ hơn nhiều. Vào buổi sáng định mệnh diễn ra vụ tấn công, anh đã bán được một món hàng cho một thương nhân, đó là chiếc cà vạt cho buổi phỏng vấn của ông này tại công ty Cantor Fitzgerald (có trụ sở trong WTC). Ông thương gia có vẻ rất vội, nhưng DeJesus đã yêu cầu ông phải xem từng chiếc cà vạt cho đến khi ông chọn được một cái ưng ý nhất, hợp với bộ đồ trên người và công việc của ông.

Tháng 11 năm ngoái, thương gia này lại xuất hiện tại cửa hàng Brooks Brothers. Ông kể cho anh nghe, ông đã được một người bán hàng nào đó cứu sống vào cái ngày 11/9 khủng khiếp đó khi yêu cầu ông thử thêm nhiều cà vạt, nhờ thế ông đã không bước vào 1 trong 2 toà tháp WTC trước khi 2 chiếc máy bay đâm vào.

Sau một thời gian đóng cửa cửa hàng (sau ngày 11/9 năm đó), DeJesus đã quay trở lại khu vực Hạ Manhattan. Vào ngày cửa hàng mở cửa trở lại, anh và một đồng sự của mình, đứng giữa cửa hàng, cùng cầu nguyện cho những người đã chết.

Từ đó đến nay, anh luôn nhìn về phía trước, không bao giờ nhìn lại quá khứ. Anh xoa cằm, nhìn ra khu vực toà tháp đôi bên ngoài cửa sổ. "Đối với tôi, có vẻ như hai toà tháp đó chưa từng hiện diện tại nơi này. Đó là một khoảng trống. Tôi đã trở lại tâm trạng bình thường. Một ngày mới đã đến trên thành phố này".

DeJesus đã quên câu chuyện 2 năm trước. Mỗi khi có một khách hàng nào đó hỏi mua một chiếc cà vạt sọc chéo thì anh vẫn cứ hô giá lên tới 57,03 USD như thường. Và khi khách mua xong,  anh vẫn nói câu chào khách quen thuộc: "Cám ơn ông. Lần sau xin lại đến cửa hàng".

  • Ban Quốc tế

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,