Bạo lực tiếp tục tái diễn ở Trung Đông với rất ít dấu hiệu các bên có nỗ lực khôi phục lại kế hoạch hòa bình bị xé nát. |
Việc kịch bản hòa bình Trung Đông của ông Bush thất bại rất có thể sẽ được đổ lỗi cho các ''diễn viên''. Ông Abbas thiếu cương quyết với nhóm Hamas; ông Arafat vẫn có quá nhiều ảnh hưởng, làm nhụt chí ông Abbas; ông Sharon không nghiêm túc hậu thuẫn ông Abbas và chỉ chấp hành lộ trình một cách chiếu lệ... Tuy nhiên, sai lầm chết người không bởi tại các diễn viên, mà nằm trong bản thân kịch bản.
Yêu cầu
Mục tiêu của kế hoạch hoà bình (hay còn gọi là lộ trình hoà bình) Trung Đông do Mỹ hậu thuẫn, và của các sáng kiến hoà bình tương tự, là nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine bằng cách ép buộc 2 bên chia sẻ Thánh Địa Jerusalem, phân chia lại vùng thuộc địa cũ của Anh thành một Nhà nước Israel cùng tồn tại một cách hoà bình cạnh Nhà nước Palestine.
Có 2 chướng ngại vật phải vượt qua để đạt được mục tiêu này: Một là vòng luẩn quẩn bạo lực đã giết chết 800 người Israel và gần 3 lần số đó người Palestine trong 2 năm rưỡi qua. Vật cản thứ hai là vùng đất dành cho Nhà nước Palestine hiện vẫn bị Israel chiếm đóng và việc 3 triệu người Palestine phản đối lại ách thống trị kiểu thực dân bởi một Nhà nước mà ở đó, họ không có quyền công dân.
Bất kỳ một kế hoạch hoà bình khả thi nào cũng đều cần phải đảm bảo lâu dài cho Israel được sống mà không sợ con cái mình có thể bị hất tung trên các đường phố. Điều đó có nghĩa là phải cần một đường biên giới được canh gác nghiêm ngặt giữa 2 nước, và Chính phủ Palestine phải ngăn chặn người Palestine thành lập lực lượng vũ trang riêng rẽ. Tương tự, kế hoạch này cũng phải đảm bảo rằng, người Palestine có quyền sống mà không có sự chiếm đóng của người Israel, không có giới nghiêm, không có các cuộc đột kích, các chiến dịch an ninh của quân đội Do Thái hay chiếm dụng đất đai để xây các khu định cư... Điều này có nghĩa là, binh lính và người định cư Israel phải rút lui về lãnh thổ của mình.
Giải quyết được 2 vấn đề an ninh và chiếm đóng từng là nền tảng của các nỗ lực hoà bình trong 10 năm qua, trong đó, 2 bên đều thừa nhận rằng, chiếm đóng kích động khủng bố. (Đến lượt mình, khủng bố lại gây ức chế cho chế độ chiếm đóng, và lại kích thích trả đũa, và cứ thế vòng tròn luẩn quẩn khủng bố - trả đũa - khủng bố vẫn tiếp diễn). Trước hết, lộ trình là sự trình bày lại các kế hoạch ngừng bắn trước đó. Có điều, nó có thêm một "tầm nhìn chính trị", cho rằng, việc chấp hành sẽ gúp cho mục tiêu thành lập nhà nước Palestine trở thành hiện thực. Đóng góp đầu tiên quan trọng nhất của lộ trình là lập luận của nó: việc chấp nhận từ bỏ tính toán riêng của mình. Bởi Israel và Palestine không có khả năng tìm ra con đường riêng thoát khỏi vũng máu. Do đó, con đường dẫn tới hoà bình phải do cộng đồng quốc tế vạch ra.
Song khi phân tích chi tiết các bước đi cần thiết để khôi phục lại an ninh cho Israel, rõ ràng là rất khó để giải quyết vấn đề chiếm đóng. Washington và Tel Aviv muốn rằng, giai đoạn đầu tiên của lộ trình yêu cầu người Palestine từ bỏ đấu tranh vũ trang, xoá sổ tất cả các tổ chức nắm giữ vũ khí ngoài các cơ quan an ninh chính thức của Chính quyền Palestine (PA), và cải cách bộ máy chính quyền Palestine nhằm gạt ông Arafat ra một bên. Trong khi đó, yêu cầu đối với Israel trong cùng giai đoạn đó chỉ là nới lỏng các quy định khắt khe đối với người Palestine, rút Lực lượng Phòng vệ Israel khỏi các thành phố và dỡ bỏ các khu định cư người Do Thái.
Chiếu lệ
Các điểm chính của lộ trình |
Bước 1 (5/2003): Chấm dứt các hoạt động khủng bố, bình thường hoá đời sống của người Palestine và tiến hành cải tổ chính trị. Israel phải rút quân và chấm dứt hoạt động của các khu định cư. Tổ chức bầu cử tại Palestine. Bước 2 (6-12/2003): Thành lập nhà nước Palestine độc lập, mở hội nghị quốc tế và giám sát quốc tế việc thực hiện lộ trình. Bước 3 (2004 - 2005): Mở hội nghị quốc tế lần thứ hai; đưa ra thoả thuận lâu dài, chấm dứt xung đột; đưa ra hiệp định cuối cùng về phân định biên giới; Jerusalem; người tị nạn; khu định cư; các nhà nước Ảrập ký kết hiệp định hoà bình với nhà nước Do Thái. |
Không bên nào hành động theo đúng lộ trình. Thay vì giải tán các tổ chức vũ trang, giới lãnh đạo PA đã phá vỡ thoả thuận ngừng bắn theo đó, họ phải kiềm chế việc tấn công Israel để đổi lại việc Israel phóng thích tù nhân và các nhượng bộ khác. Yasser Arafat vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng đối với PA bất chấp Mỹ cố gạt ông ra khỏi bàn đám phán.
Phía bên kia, Israel cũng tỏ ra chiếu lệ trong việc dỡ bỏ các khu định cư, rút quân ra khỏi một số khu vực của người Palestine và thả tự do cho một vài trăm trong 6.000 tù nhân Palestine (Phóng thích tù nhân không phải là điều bắt buộc trong lộ trình nhưng cần thiết cho lệnh ngừng bắn giữa Israel với các tổ chức vũ trang Palestine).
Như một lời bình luận sâu sắc của một nhà phân tích kỳ cựu, không một nhân vật chủ chốt nào - Ariel Sharon, Yasser Arafat và Mahmoud Abbas - nhìn nhận lộ trình là một con đường dẫn tới giải pháp; thay vào đó, họ xem nó như một thách thức sách lược, hình thành do các áp lực ngoại giao, trong cuộc chiến đấu đang tiếp diễn. Mỗi người đều có mục đích riêng, cả ông Arafat và Sharon
Mục đích của ông Arafat và Sharon rõ ràng là khác hẳn nhau. Mục đích của ông Abbas lại khác 2 người kia. Song vị trí chính trị không đáng kể của ông đã biến ông trở thành nhân vật ngoài lề, trừ phi nghĩ đến Tổng thống Mỹ Bush. Chính ông Abbas đã thông qua lộ trình và sau đó lại thực thi nó một cách nước đôi do áp từ nhiều bên. Ông Sharon thì khéo léo thoái thác và chỉ chịu chấp nhận nó sau khi Mỹ chấp nhận 14 điều khoản bổ sung do nội các của ông đề xuất.
Nguyên nhân khiến người Palestine thất bại (hay khước từ) trong việc xoá sổ các nhóm vũ trang là các tổ chức như Hamas hiện vẫn là một thế lực lớn trong xã hội Palestine. Việc xoá sổ nhóm này chắc hẳn sẽ châm ngòi một cuộc nội chiến ở Palestine. Ngay cả những những người theo đường lối ôn hoà như ông Abbas, người tin rằng phong trào chống đối (intifada) có vũ trang đã cản đường sự nghiệp của Palestine, cũng nghĩ rằng, cách duy nhất giải giáp Hamas là thuyết phục các tay súng Hamas quay lại tiến trình hoà bình.
Các nguyên nhân khiến Israel trốn tránh việc thực thi lộ trình có thể xuất phát từ nỗi sợ không nhỏ về đích đến của nó. Theo giai đoạn 2 của bản lộ trình, đích đến đó là "thành lập Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới và chủ quyền tạm thời". Rất khó để thực hiện hai điều mâu thuẫn này. Bởi muốn có chủ quyền, trước hết cần phải xác định một đường biên giới được rõ ràng. Vậy mà, ngay cả trong giai đoạn 3, lộ trình cũng chỉ buộc Israel và Palestine thương lượng đi tới một thoả thuận cuối cùng nhằm phân chia đường biên giới và giải quyết tất cả các vấn đề xung đột nổi cộm.
Vẽ đường biên giới
Đó là một nhược điểm cơ bản trong kịch bản lộ trình, bởi vì chủ quyền là nguyên nhân cốt lõi của xung đột. Việc không xác định rõ đường biên giới sẽ tiếp tục châm ngòi mâu thuẫn. Điều này sẽ khiến hai bên quên mất một điều rằng, chủ nghĩa dân tộc của mình, theo truyền thống, là loại trừ lẫn nhau.
Lộ trình nói rõ, thoả thuận cuối cùng về biên giới "sẽ giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine". Nhưng nó lại không nêu cụ thể rằng: cơ sở ranh giới giữa 2 bên là đường biên được được xác định tháng 6/1967, chia cắt Israel với Bờ Tây và Dải Gaza.
Nguyên nhân chính của việc tránh nêu cụ thể chính xác là giới cầm quyền đương nhiệm của Israel chưa bao giờ đưa ra dấu hiệu cho thấy họ chịu rút khỏi đường biên giới năm 1967. Thực ra, ngay sau khi nắm nhiệm sở năm 2001, ông Ariel Sharon đã nói rõ rằng, lãnh thổ Nhà nước Palestine chỉ bao gồm 42% diện tích Bờ Tây và Dải Gaza. Cương lĩnh tranh cử của chính đảng ông cũng đã cho thấy quan điểm rằng, Israel không chấp nhận một lãnh đạo người Palestine hay Ảrập: "Chính phủ Israel quyết phủ nhận việc thành lập một nhà nước Ảrập của người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan", tuyên ngôn Likud tuyên bố. “Người Palestine có thể tự do sống trong khuôn khổ tự trị, song không được có nhà nước độc lập và có chủ quyền".
Nguyên nhân sâu xa
Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Chủ nghĩa Sion) và chủ nghĩa dân tộc Palestine từ trước tới nay luôn loại trừ lẫn nhau về quyền lợi lãnh thổ. Lý tưởng của người theo Chủ nghĩa Xiôn (về cuộc hồi hương của người Do Thái để xây dựng một nhà nước của chính mình trên Thánh địa Israel) luôn bị hạn chế bởi một thực tế phũ phàng: Ngay sau khi người Do Thái tiến vào Thánh địa, thì lập tức nạn tàn sát người Do Thái cũng xuất hiện. Người Ảrập sống ở vùng đất Palestine đông gấp đôi người Do Thái. Ngay cả khi cộng đồng quốc tế tìm cách giải quyết xung đột bằng cách phân chia đất nước Palestine thành nhà nước Do Thái và nhà nước Ảrập, số người Ảrập sống trong lãnh thổ Israel đã chiếm tới 45% tổng dân số. Nhưng năm 1948, một cuộc chiến đã bùng nổ khi người láng giềng của Israel phản đối kế hoạch phân chia. Hơn một nửa dân số Ảrập bị đánh đuổi ra khỏi lãnh thổ của mình và theo quy định định của pháp luật, họ không thể quay về.
Cuộc chiến 1976 đã giúp Israel kiểm soát 25% lãnh thổ còn lại của Palestine - Bờ Tây và Dải Gaza. Và 1 triệu người Palestine sống trong lãnh thổ đó (ngày nay là 3 triệu). Mặc dù lãnh thổ này bị đưa vào Thánh địa Israel song chúng không được sáp nhập vào lãnh thổ nước này. Lý do đơn giản là bởi nếu làm thế tức là biến người Palestine trở thành công dân có quyền bỏ phiếu của Israel. So với 1 triệu người Israel gốc Ảrập, 3 triệu người Palestine ở Bờ Tây và Gaza sẽ chiếm đa số trong vòng 20 năm tới (Dân số Israel gốc Do Thái chỉ có 5 triệu).
Những vùng lãnh thổ mới bị chiếm đóng vẫn nằm dưới ách thống trị của người Israel. Tuy nhiên, những người Israel theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan xem việc chiếm đóng là một cơ hội góp phần củng cố tuyên bố về vùng đất người Palestine sinh sống, vùng đất xuất hiện trong các bản đồ Thánh địa Israel. Lo ngại việc định cư có thể gây cản trở việc đánh đổi đất lấy hoà bình, Công đảng cầm quyền trước đây của Israel đã không khuyến khích định cư. Nhờ thế, 10 năm sau đó, tại Bờ Tây chỉ có 7.000 người Israel sinh sống.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Đảng Likud nắm quyền năm 1977. Chính phủ mới đã cam kết cho định cư hàng loạt người Do Thái trong các khu vực chiếm đóng nhằm bịt kín lỗ hổng lãnh thổ của Israel, vùng đất mà đảng này xem là một phần của Vùng đất Israel. Người chủ trương chính sách định cư của đảng Likud là bộ trưởng nông nghiệp nước này khi đó - ông Ariel Sharon. Và trong những năm 1970 và 90, khi đặt ra thách thức đối tiến trình hoà bình do Na Uy đề xuất (còn gọi là Hiệp định Oslo), ông Sharon đã nói rõ rằng, mục đích của việc định cư là tạo ra một "điểm tựa" có thể giúp Israel không phải trao trả lãnh thổ bị Israel chiếm đóng theo bất kỳ một thoả thuận hoà bình nào trong tương lai.
Ngược lại, mục đích của chủ nghĩa dân tộc Palestine, từ trước đến nay là loại trừ Nhà nước Israel. Trong phong trào dân tộc của người Ảrập gốc Palestine bị "đổi quốc tịch" thời kỳ trước 1948, PLO đã nói rõ trong Tuyên bố thành lập rằng, người Palestine là một "dân tộc không thể chia cắt được" và cần được trả về cho chủ nhân cũ của họ.
Mặc dù dưới áp lực của chính quyền Bill Clinton, Hiệp định Oslo sau đó đã được sửa đổi trong việc tiếp tục theo đuổi giái pháp "2 nhà nước", Hamas vẫn giữ quan điểm cứng rắn. Và giải phóng lãnh thổ còn lại của Palestine vẫn được người Palestine coi là yêu cầu không thể thương lượng. Việc chấp nhận giải pháp 2 nhà nước, giải pháp chỉ cho phép người Palestine lấy lại 25% vùng Bờ Tây và Gaza, mặc dù cần thiết, vẫn được xem là một thoả hiệp của những người Palestine theo chủ nghĩa dân tộc.
Giải pháp nào hiện nay?
Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải vạch đường biên giới giữa Israel và Palestine, và ép buộc họ phải làm điều đó. Những đường biên giới năm 1967 là cơ sở cho một nghị quyết quốc tế đối với cuộc xung đột trên, song với nó, các bên không tin tưởng để đảm bảo rằng, hoà bình sẽ được duy trì 2 bên đường biên. Những người đánh bom liều chết Palestine đang tiến ngày càng sâu vào Israel, không chỉ tại Bờ Tây và Gaza. Trong suốt những năm thực thi lệnh ngừng bắn Oslo, số dân định cư người Israel tại Bờ Tây và Gaza đã tăng gấp đôi. Bức tường mà Israel đang xây dựng như một biên giới không chính thức nhằm ngăn chặn các phần tử đánh bom liều chết không tuân theo "ranh giới Xanh" năm 1967 giữa Israel và Bờ Tây. Đúng ra, diện tích mà đường biên khoanh vùng phải không được vượt quá 42% diện tích Bờ Tây hiện đang nằm trong quyền kiểm soát của PA.
Một giải pháp quốc tế có thể sẽ cần cho phép Israel với những đảm bảo an ninh khi cơ sở của việc rút lui khỏi Bờ Tây và Gaza. Tính hợp pháp của PA cũng cần được công nhận. Một số nhà làm luật Hoa Kỳ nhận ra rằng, một lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế cần được triển khai giữa Israel và Palestine. Cựu đại sứ quán Mỹ tại Israel Israel, ông Martin Indyk, từng đề xuất “Ủy quyền cho Palestine”, theo đó, Israel phải rút lui khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng, và một cơ quan quốc tế được triển khai nhằm bảo vệ cho chủ quyền của hai bên cũng như giám sát quá trình dân chủ hoá của các bộ máy chính trị Palestine.
Kosovo có thể được xem là một tiền lệ cho hai quốc gia Trung Đông, với việc quân đội NATO đảm nhiệm bảo đảm an ninh và LHQ phụ trách điều hành chính quyền lâm thời kéo dài ít nhất là 10 năm. Tất nhiên những kế hoạch như vậy cũng có nhiều thiếu sót, song chúng lại có thể giải quyết được vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột và thiết thực hơn bất kỳ một sáng kiến hoà bình nào từ trước đến nay.
- Lam Sơn (Tổng hợp)