Lần đầu tiên trong vòng 4 tháng qua, Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã có sự liên lạc trực tiếp không chính thức bên lề cuộc đàm phán sáu bên diễn ra tại Bắc Kinh nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, đoàn đại biểu Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga cũng đã tham gia vào cuộc thảo luận chính thức với đại diện 2 quốc gia trên. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ James Kelly và Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Yong Il đã có cuộc bàn luận trực tiếp.
Ông Wie Sung-rak - Tổng giám đốc Cục Các vấn đề Bắc Mỹ trực thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc - cho biết: ''Phía Mỹ đã đưa ra những nhận xét về việc giảm nhẹ các mối lo lắng an ninh của CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên sẵn sàng giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại''.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Reeker cho biết, cuộc họp song phương giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên kéo dài khoảng 35-40 phút. Tuy nhiên, ông này không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào khác.
Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Claire Buchan cho biết, Chính quyền Bush loại bỏ khả năng tham gia đối thoại trực tiếp chính thức với CHDCND Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới, ông Claire Buchan khẳng định: ''Những gì chúng tôi luôn luôn mong muốn là các cuộc thảo luận đa phương, song chẳng có gì có thể ngăn cản một cuộc đối thoại giữa 2 bên ngồi cùng một bàn. Tuy nhiên, sẽ không có các cuộc thảo luận riêng biệt và trực tiếp giữa 2 bên''.
Cuộc đối thoại giữa đại diện của CHDCND Triều Tiên và Mỹ được đánh giá là dấu hiệu tốt chấm dứt ''cơn hạn hán ngoại giao'' giữa hai quốc gia.
(Trần Kiên - Theo BBC, AP)