221
881
Thế giới đó đây
doday
/thegioi/doday/
87411
Bush kêu gọi EU gây sức ép với Iran về vấn đề hạt nhân
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Bush kêu gọi EU gây sức ép với Iran về vấn đề hạt nhân
,
Ngoại trưởng Iran Kamal Kharazi cho biết Iran sẽ xem xét liệu có chấp thuận các cuộc thánh sát kỹ lưỡng của IAEA.

Tổng thống Mỹ George W. Bush đã kêu gọi châu Âu gây sức ép buộc Iran chấm dứt cái mà ông gọi là kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và yêu cầu chính quyền Tehran giao nộp những kẻ bị tình nghi thuộc tổ chức Al-Qaeda nước này đang bắt giữ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Bush nói: "Mục tiêu của Iran là phá huỷ Israel. Chúng ta phải hợp tác với các nước khác để nhắc nhở cho Iran biết rằng họ không nên phát triển vũ khí hạt nhân. Song, để làm được điều này, không chỉ cần một tiếng nói. Sẽ phải có một nỗ lực chung với các nước châu Âu để chỉ cho Iran thấy rằng các chương trình hạt nhân của họ sẽ đe doạ tới tiến trình hoà bình Trung Đông".

Hiện, cộng đồng quốc tế nghi ngờ rằng Tehran đang tiến hành một chương trình vũ khí bí mật, và gây sức ép buộc Iran ký một nghị định thư bổ sung cho Hiệp ước Cấm phổ biến Hạt nhân (NPT). Nghị định thư này sẽ cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành những cuộc thanh sát kỹ lưỡng các cơ sở hạt nhân của Iran mà không tuyên bố trước.

Hôm 28/7, người phát ngôn IAEA Melisa Fleming cho biết, "Nhóm chuyên gia đầu tiên của IAEA sẽ tới Iran vào tuần đầu tiên của tháng 8 trong thời gian hai ngày để giải thích cho Chính phủ nước này hiểu cơ chế hoạt động nghị định thư bổ xung nếu Tehran đồng ý ký". Bà cũng nói thêm rằng nhóm thứ hai sẽ tiến hành các cuộc thanh sát như thường lệ trước khi IAEA công bố báo cáo về tình hình hạt nhân của Iran vào ngày 8/9 tới.

Hồi đầu tháng này, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu đã bày tỏ "mối quan ngại" về chương trình hạt nhân của Iran và yêu cầu Iran chấp nhận "vô điều kiện" nghị định thư bổ sung. Liên minh châu Âu vốn đang thương lượng với Iran về một hiệp ước thương mại quan trọng cho biết khối này sẽ xem xét lại sự hợp tác với Tehran khi bản báo cáo này được công bố.

Trước tình hình trên, Iran cho biết nước này sẽ quyết định xem liệu có nên chấp thuận các cuộc thanh sát kỹ lưỡng sau chuyến thăm sắp tới của các chuyên gia thuộc IAEA. Hãng thông tấn quốc gia IRNA trích lời Ngoại trưởng Iran Kamal Kharazi cho biết, Iran hy vọng các chuyên gia IAEA sẽ tới nước này trong vài ngày tới. "Sau khi những người này tới Iran và chúng tôi lắng nghe những lý do họ đưa ra, chúng tôi sẽ quyết định xem liệu có nên ký vào nghị định thư bổ sung của IAEA".

Đồng thời Iran cũng bác bỏ những cáo buộc do Mỹ đưa ra rằng nước này đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân dưới lớp vỏ một chương trình hạt nhân dân sự mà theo Washington thì nước này không hề cần đến vì đã có sẵn rất nhiều dầu và khí đốt. Tehran nhấn mạnh rằng họ không hề có ý định rút khỏi NPT - hiệp ước chỉ cho phép IAEA tiến hành những cuộc thanh tra có sắp xếp từ trước tại những cơ sở đã được công bố của Iran. Tuần trước, Tổng thống Mohammad Khatami đã buộc tội Mỹ tìm cách lật đổ chế độ Hồi giáo và sử dụng những lời cáo buộc về vũ khí hạt nhân như một cái cớ.

Đại diện của Iran tại IAEA Ali Akbar Salehi hôm Chủ nhật (27/7) cảnh báo rằng Washington đã đe doạ nếu nghị định thư này không được ký kết, IAEA có thể sẽ đưa trường hợp của Iran ra trước Hội đồng Bảo an LHQ. Ông Saleri cũng đã bác bỏ mối lo ngại trong hàng ngũ các phần tử theo đường lối cứng rắn tại Iran rằng nghị định thư bổ sung này sẽ cho phép các thanh sát viên IAEA can thiệp vào công việc nội bộ của Iran. "Chúng ta đang ở trong một tình thế mà chỉ có một nghị định thư như vậy mới có thể giúp giải quyết các vấn đề và đóng lại tập hồ sơ chính trị về các hoạt động hạt nhân của chúng ta".

Tại cuộc họp lần cuối vào tháng 6, Tổng Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei đã đưa ra báo cáo rằng Iran không nghiêm túc tuân thủ NPT thể hiện qua việc nước này đã không thông báo cho IAEA về một số hoạt động hạt nhân của họ bao gồm việc nhập khẩu uranium năm 1991.

(Huyền Trang - Theo AFP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,