221
881
Thế giới đó đây
doday
/thegioi/doday/
77934
Bush: "Mỹ sẽ sát cánh cùng Botswana trong cuộc chiến chống AIDS"
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Bush: 'Mỹ sẽ sát cánh cùng Botswana trong cuộc chiến chống AIDS'
,

Tổng thống Mỹ Bush mới đây cam kết sẽ giúp đỡ Botswana, quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân AIDS cao nhất thế giới. "Các bạn sẽ không phải một mình đối mặt với kẻ thù. Chúng tôi sẽ sát cánh với các bạn trong cuộc chiến chống đại dịch này " - người đứng đầu nước Mỹ đã tuyên bố như vậy trong chuyến công du tới thủ đô Gaborone, Botswana.

Ông Bush cùng phu nhân và ái nữ Barbara thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên Mokolodi ở thủ đô Gaborone, Botswana, hôm thứ năm, ngày 10/7/2003.

Tuyên bố của ông Bush ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ phía quan khách nước chủ nhà. Tuy nhiên, chương trình viện trợ trị giá 15 tỷ USD cho châu Phi trong vòng 5 năm do ông Bush đề xuất chưa thể sớm được thông qua bởi Quốc hội Hoa Kỳ chưa đồng ý phê chuẩn trọn gói khoản chi 3 tỷ USD trong năm đầu tiên.

Các quan chức Mỹ thừa nhận, mặc dù chương trình phòng chống AIDS (như những chương trình từng triển khai tại Botswana) được quảng cáo rất rầm rộ song quá trình chế ngự cơn hồng thuỷ AIDS lại rất chậm chạp. Hơn 38% tổng dân số trưởng thành của Botswana bị nhiễm HIV/AIDS.

Mặc dù Bush cho rằng Botswana đang tích cực "chiến đấu trực tiếp" với đại dịch, tỉ lệ nhiễm bệnh ở nước này vẫn tăng đều đặn kể từ năm 2001.

"Botswana đang trực tiếp chiến đấu với HIV/AIDS và có được những bước tiến rõ rệt trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng này" - Bush nói trong bữa tiệc trưa cùng Tổng thống Botswana Festus Mogae - "Chúng tôi xin hoan nghênh giới lãnh đạo các bạn".

Về phần mình, ông Mogae đã bắt đầu vận động một chương trình viện trợ cho việc cung cấp thuốc AIDS. Chương trình này được Qũy Bill và Melinda Gates tài trợ.

Bostwana là điểm dừng thứ 3 trong chuyến công du 5 nước châu Phi của ông Bush. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã đến SenegalNam Phi. Hiện Tổng thống Mỹ Bush đã rời Bostwana để tới Uganda. Theo lộ trình, sau khi ở thăm Bostwana nửa ngày, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ bay sang Nigeria trước khi quay về Washington vào cuối tuần này.

Quốc gia nam Phi, Botswana, với diện tích tương đương bang Texas của Mỹ, là nước được xem là một mô hình mẫu về chính phủ và cách phát triển cho các nước còn lại của toàn châu lục. Trong cuộc gặp gỡ song phương Bush - Mogae, lãnh đạo 2 nước cũng đã bàn về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Botswana cũng như cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Botswana Mogae cho biết, AIDS đã đe doạ quá trình phát triển của nước ông. AIDS, đại dịch cướp đi sinh mạng của 17 triệu người ở tiểu vùng Sahara-châu Phi, là "kẻ thù đáng sợ nhất trong những kẻ thù mà châu Phi từng đối mặt", Bush nói.

Tuy nhiên, hôm qua, tại Washington, Hạ viện Hoa Kỳ chỉ chịu thông qua 2/3 số tiền cho đạo luật phòng chống AIDS toàn cầu mà ông Bush đã ký hồi tháng 5.

Hạ nghị sĩ Jim Kolbe, Chủ tịch Tiểu ban Hạ viện phụ trách mảng viện trợ nước ngoài, dự đoán Quốc hội Mỹ sẽ vẫn giữ lời hứa dành 15 tỷ USD cho châu Phi trong 5 năm. Song ông cho biết, việc dành 3 tỷ USD trong năm nay như Bush đề xuất là không thực tế khi chương trình vừa mới chỉ bắt đầu đưa vào thực hiện.

Ban Phân bổ ngân sách đối ngoại của Hạ viện đã phê chuẩn 1,43 tỷ USD cho năm ngân sách bắt đầu từ ngày 1/10 cho cuộc chiến chống AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác. Ngoài ra, Hạ viện có thể sẽ bổ sung thêm 644 triệu USD, nhưng chỉ nâng tổng số khoản chi lên 2 tỷ USD - tăng khoảng 500 triệu USD so với số qũy năm nay.

Thậm chí ngay cả khi trong đề xuất ban đầu, Bush kêu gọi Quốc hội thông qua khoản chi 3 tỷ USD trong năm đầu tiên, song các quan chức hoạch định ngân sách chỉ đồng ý một khoản thấp hơn. Họ cho biết, họ không sợ khoản chi này sẽ ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia, song phe Dân chủ và các nhà hoạt động chống AIDS phản đối, Những người này lập luận rằng, uy tín của Mỹ sẽ bị tổn hại nếu Quốc hội không phân bổ toàn bộ khoản chi theo đúng quy định của pháp luật, do đó phải phân bổ làm nhiều đợt.

Trước đó, trong một bài phát biểu ngắn tại Pretoria, Nam Phi, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nói: "Tất nhiên, tôi mong rằng, toàn bộ khoản chi sẽ được thông qua theo đề nghị của Tổng thống Chúng tôi sẽ tìm cách sử dụng hiệu quả nhất đối với khoản tiền mà Quốc hội cung cấp cho chính phủ". Quan chức ngoại giao Mỹ cho biết thêm, "Và tôi sẽ trông chờ Quốc hội thông qua khoản viện trợ trọn gói này cũng như chờ xem rút cục thì điều này sẽ giành được Quốc hội quan tâm như thế nào''.

Cùng ngày, Đệ nhất phu nhân Laura Bush, người đang cùng ông Bush ở thăm châu Phi, cũng đã có cuộc gặp riêng với các em nhỏ Bowtwana tại trung tâm điều trị người nhiễm HIV, tư vấn và phân phát miễn phí thuốc kháng AIDS do một công ty dược phẩm Mỹ tài trợ.

Nói chuyện với các trẻ em tại đây, bà Bush phân tích ý nghĩa của món viện trợ 3 tỷ USD: "Khoản viện trợ của Mỹ cho mọi người bị nhiễm HIV tại Bostwana thấy bộ mặt thật của nước Mỹ là như thế nào, cũng như tỏ rõ lòng trắc ẩn mà người Mỹ dành cho những người phải hứng chịu hậu quả của AIDS ở đây".

Còn phu quân bà Laura Bush lại cho rằng, chuyến công du của mình tới châu Phi mang ý nghĩa Mỹ "không chỉ là một cường quốc mà còn là một dân tộc đầy lòng trắc ẩn". Phát biểu với các phóng viên báo chí, Bush nói: "Một công dân Mỹ bình thường cũng luôn quan tâm sâu sắc tới việc ngày càng có nhiều người đang chết vì HIV/AIDS. Đó là điều hoàn toàn có thật mà tôi muốn nói với người châu Phi. Hơn nữa, tôi cũng hy vọng người Mỹ biết rằng, tôi mong muốn mang lại những điều tốt đẹp cho Lục địa Đen".

Botswana là quốc gia giàu có (chủ yếu là nhờ nguồn kim cương) và có một tình hình chính trị ổn định. Nước này được xem là một mô hình lý tưởng về sức mạnh dân chủ và kinh tế tại châu Phi, một lý do quan trọng khiến ông Bush chọn làm một trong những điểm dừng chân trong chuyến công du của mình..

(Lam Sơn - Theo Reuters, BBC)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,