Với đầu đề: "Liệu nhân tố Bush có tạo nên sự khác biệt chăng?" báo The Independent" (Anh) nhận định: Cuối cùng, tất cả hy vọng và sáng kiến đã từng tan vỡ trước đây đang trên đường tiến tới nền hoà bình Trung Đông, tại sao lần này ai cũng hy vọng tình hình sẽ khác trước đây ? Rõ ràng, sự dính líu của Tổng thống Bush là một nhân tố và một nhân tố quan trọng để xem xét lý do trước đây ông ta chưa muốn làm như vậy.
Tờ báo viết tiếp: Như mọi người biết, các đời Tổng thống Mỹ, từ Jimmy Carter, Ronald Reagan, George Bush (cha) cho đến Richard Nixon và Bill Clinton đều bị lôi kéo vào vũng lầy này và rồi tất cả đều thất bại vì tính phức tạp và sự hận thù lẫn nhau. Không, lần này sự khác biệt thực rõ ràng. Tổng thống Bush đang tiến đến cơ hội này sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Iraq và bắt đầu chấn chỉnh lại vấn đề an ninh của toàn bộ khu vực Trung Đông. Các đời Tổng thống Mỹ trước đây đã sử dụng Ai Cập và Jordan để tìm kiếm các hiệp định hòa bình. Các vị Tổng thống Mỹ này, đặc biệt là ông Bush cha, đã gây sức ép đối với Israel. Nhưng không ai có khả năng thảo luận về triển vọng thay đổi toàn bộ khu vực.
Đây là thời điểm mang lại cơ hội cho Tổng thống Bush, nhưng thật khó dự đoán liệu ông ta có ý định chớp lấy cơ hội đó không. Cho đến nay, phản ứng chính trị có khuynh hướng công nhận và hoan nghênh những gì mà Tổng thống Bush tuyên bố về mục tiêu của một giải pháp hai nhà nước và thẳng thắn yêu cầu Israel từ bỏ những gì để đạt được mục tiêu đó. Ông Bush thường xuyên nhấn mạnh, một nhà nước Palestine phải là một nhà nước có thể tồn tại và lãnh thổ của Palestine sẽ phải là lãnh thổ "liền mạch". Điều đó dường như mâu thuẫn với quan điểm lâu nay của Sharon. Bởi vì ông cho rằng, nhà nước Palestine sẽ là một loạt khu vực riêng rẽ và quân đội Israel có thể dễ dàng kiểm soát và làm chủ. Do đó, ông Bush cũng thường xuyên tuyên bố hành động định cư của Israel sẽ phải chấm dứt.
Người ta có thể không tin Tổng thống Mỹ. Nhưng, vấn đề với ông Bush không phải là vấn đề người ta nghi ngờ phát biểu của ông. Năm ngoái, mọi người đã được chứng kiến những gì ông ta phát biểu, từ việc nói về Trục ma quỷ đến các tuyên bố về việc "thay đổi chế độ". Đúng lúc có giải pháp hai nhà nước trong lộ trình dẫn đến hòa bình Trung Đông, có một sự giải thích hai cách nói về những gì Tổng thống Mỹ đang tìm kiếm và theo đuổi. Cách nói thứ nhất của Thủ tướng Tony Blair và Chính phủ Anh: ông Bush là một con người thiên bẩm muốn gì được nấy. Tương tự như các nhân vật bảo thủ kiểu mới, ông Bush tin tưởng thế giới sẽ là nơi tốt đẹp hơn và an toàn hơn cho nước Mỹ nếu xây dựng được các nền dân chủ. Thế nhưng, ông ta chưa có một chiến lược đặc biệt nào để thực hiện giấc mơ đó. Ông sớm kết luận Iraq là kẻ thù của Mỹ và nền dân chủ, nhưng lại sẵn sàng chấp nhận các lộ trình nào tỏ ra thích hợp để giải quyết vấn đề. Chỉ khi nào các quá trình thay đổi thất bại ông mới sử dụng quân đội. Sau khi loại được vấn đề Iraq, ông Bush coi vấn đề Palestine là trở ngại tiếp theo của tiến trình hòa bình Trung Đông. Mục tiêu của ông Bush là tạo ra một Palestine dân chủ có thể tồn tại và ông ta sẵn sàng gây sức ép đối với Jerusalem để thực hiện điều đó. Về cách nói thứ hai, việc thay đổi chế độ ở Iraq là cơ sở cần thiết cho việc tái thiết cơ bản của khu vực Trung Đông, trong đó mối quan tâm về an ninh và các kẻ thù của Israel, kể cả Iran và Syria, cũng được coi là mối quan tâm và kẻ thù của Mỹ. Xâm lược Iraq luôn luôn là vấn đề tất yếu, sử dụng Liên Hợp Quốc chỉ là chiến thuật có lợi trước mắt, trong khi Mỹ tiếp tục triển khai binh sĩ ở nước này.
Khi diễn ra các cuộc đàm phán Israel-Palestine, mục tiêu cơ bản nên được xác định là xóa bỏ các mối đe dọa khủng bố đối Israel bằng cách răn đe các chế độ ở Đamát và Tehran và bắt buộc Palestine đàn áp các binh sĩ riêng của họ. Đây là giai đoạn đầu tiên của lộ trình ba giai đoạn. Để không bị bắt buộc ký vào giai đoạn đầu tiên của lộ trình, ông Sharon chuẩn bị chấp nhận những cử chỉ hạn chế đòi hỏi ông ta không tấn công người Palestine và phá hủy các khu vực định cư trái phép thiết lập năm 2001. Những vấn đề nhượng bộ khó khăn hơn - như phá hủy các khu vực định cư lâu dài từ năm 1967 -chia một phần Jerusalem làm một thủ đô, phá hủy bức tường an ninh hiện nay đã được dựng lên, đàm phán vấn đề hồi hương người tị nạn - có thể nên hoãn lại. Hiện nay, giai đoạn đầu tiên là đủ. Palestine không thể từ chối và việc đó không chỉ có lợi cho Israel, nhân dân Israel và Palestine có thể hành động để ngăn chặn tình trạng khủng bố chung.
Đối với ông Bush, ông ta có thể đưa vấn đề đó vào chương trình vận động bầu cử tổng thống trong năm tới làm một bước đột phá. Nếu cuối cùng mọi việc đều thất bại, ông Bush phải nỗ lực hết mình và làm thật nhiều để cải thiện an ninh của Israel.
-
Mỹ Dung - Tổng hợp