Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas mới đây yêu cầu Israel giữ nguyên "lộ trình" hoà bình Trung Đông và tận dụng kế hoạch này như một cơ hội lịch sử nhằm chấm dứt vòng xung đột đẫm máu kéo dài gần 3 năm nay.
Trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Haaretz của Israel hôm nay (29/5), ông Abbas nói: "Đây là một cơ hội mang tính lịch sử để đưa con tàu hoà bình trở lại đường ray của nó. Chúng tôi sẽ nói với người Israel rằng: 'Hãy đi theo lộ trình và đừng phí phạm thời gian bàn về chi tiết của nó'". Ông Abbas nói thêm: "Chúng tôi nhất trí với Mỹ rằng, sẽ không có thay đổi nào trong lộ trình". Điểm cơ bản trong kế hoạch mà Israel muốn thay đổi là: Tel Avivi được quyền tiếp tục tấn công các binh sĩ Hồi giáo vũ trang Palestine, cho đây là "một bằng chứng chứng tỏ Palestine có trách nhiệm trong việc ngăn chặn bạo lực như đã nêu trong lộ trình".
Thủ tướng Palestine cũng cho hay, ông đã quyết định sẽ gặp người đồng nhiệm của Israel, Ariel Sharon, vào ngày mai (29/5), trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh 3 bên do ông Bush chủ trì vào tuần tới.
Kế hoạch hoà bình Trung Đông (hay còn gọi là "lộ trình" như cách gọi của Washington), do bộ tứ soạn thảo và được Mỹ hậu thuẫn, được hai bên liên quan đón nhận với những thái độ trái ngược nhau. Phía Palestine hào hứng đón nhận kế hoạch này, xem đây như một giải pháp cứu cánh cho tiến trình hoà bình đang bế tắc ở Trung Đông. Trong khi đó, Israel chỉ thông qua kế hoạch này một cách miễn cưỡng sau khi Washington đồng ý yêu cầu của Nhà nước Do Thái đòi thay đổi một số điểm trong "lộ trình" mà Tel Aviv cho là "bất lợi" cho mình.
Trước đó, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc Terje Roed-Larsen khẳng định đây là "kế hoạch cuối cùng". Phát biểu với hãng thông tấn Reuters, ông Terje Roed-Larsen nhấn mạnh: "Không một dấu phẩy hay một chữ nào được thay đổi trong kế hoạch này. Đây là cơ sở mà chúng ta sẽ phải thực hiện". Tân Ngoại trưởng Palestine, Nabil Shaath cũng lên tiếng yêu cầu các bên liên quan thực thi ngay kế hoạch hoà bình nói trên mà không được thay đổi.
Trong khi đó, Washington đã có nhiều dấu hiệu nhượng bộ trong những bất đồng mới đây trong bản kế hoạch nhất với 3 phía còn lại của bộ tứ là LHQ, EU và Nga. Ông Paul Patin, phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv cho biết: "Khi bước vào giai đoạn hoàn thiện, chúng tôi sẽ nghiêm túc giải quyết những mối quan ngại của cả hai bên về những điểm cụ thể trong lộ trình một cách đầy đủ".
(Lam Sơn - Theo Reuters)