Chính phủ Israel và Palestine đang xem xét để đưa ra phản ứng chính thức của mình trước sự kiện công bố cái gọi là ''Lộ trình hoà bình Trung Đông'' hay ''Kế hoạch hoà bình Trung Đông'' vốn nhiều lần bị đình hoãn.
Bản sao của lộ trình hoà bình Trung Đông đã được chuyển tới tay của Thủ tướng Israel Ariel Sharon và người đồng nhiệm Palestine Mahmoud Abbas - hay còn gọi là Abu Mazen - nhân vật chính thức giữ chức thủ tướng đầu tiên của Palestine ngày hôm qua (30/4).
Lộ trình hoà bình này dự kiến sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể nhằm đặt dấu chấm cho trường ca xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời hướng tới việc thành lập nhà nước Palestine độc lập sớm nhất có thể.
Các điểm chính của lộ trình Bước 1 (5/2003): Chấm dứt các hoạt động khủng bố, bình thường hoá đời sống của người Palestine và tiến hành cải tổ chính trị. Israel phải rút quân và chấm dứt hoạt động của các khu định cư. Tổ chức bầu cử tại Palestine. Bước 2 (6-12/2003): Thành lập nhà nước Palestine độc lập, mở hội nghị quốc tế và giám sát quốc tế việc thực hiện lộ trình. Bước 3 (2004 - 2005): Mở hội nghị quốc tế lần thứ hai; đưa ra thoả thuận lâu dài, chấm dứt xung đột; đưa ra hiệp định cuối cùng về phân định biên giới; Jerusalem; người tị nạn; khu định cư; các nhà nước Ảrập ký kết hiệp định hoà bình với nhà nước Do Thái.
|
Sáng qua (30/4), ít nhất đã có 3 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương trong một vụ đánh bom liều chết xảy ra tại một quán cafe ở Tel Aviv, thành phố lớn nhất Israel. Vụ nổ xảy ra vào khoảng 1h sáng, giờ địa phương, chỉ vài giờ sau khi Hội đồng lập pháp Palestine bỏ phiếu chọn ông Mahmoud Abbas làm thủ tướng đầu tiên của Palestine và thông qua nội các do ông này đề xuất.
Rạng sáng nay, 4 người Palestine, trong đó có 1 đứa trẻ 2 tuổi đã thiệt mạng trong cuộc tấn công trả đũa của quân đội nhà nước Do Thái. Nhân chứng cho hay, ít nhất 10 xe tăng và xe quân sự được sự yểm trợ của máy bay trực thăng đã tấn công ồ ạt vào thành phố Gaza City. Giao tranh đã xảy ra.
Phản ứng trái ngược
Phía Palestine đón nhận lộ trình này hào hứng hơn nhiều so với phía Israel. Lộ trình này là một văn bản mà đặc sứ của Liên Hiệp Quốc Terje Roed-Larsen khẳng định là kế hoạch cuối cùng.
Phát biểu với hãng thông tấn Reuters, ông Terje Roed-Larsen nhấn mạnh: "Không một dấu phẩy hay một chữ nào được thay đổi trong kế hoạch này. Đây là cơ sở mà chúng ta sẽ phải thực hiện".
Tân Ngoại trưởng Palestine, Nabil Shaath lên tiếng yêu cầu các bên liên quan thực thi ngay kế hoạch hoà bình nói trên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Sharon tuyên bô, ông đã nhận được kế hoạch chi tiết "chỉ để đưa ra các lời nhận xét về cách dùng từ" của văn bản mà thôi.
Phát biểu trước báo giới sau khi công bố ''Lộ trình hoà bình Trung Đông'', Tổng thống Mỹ George Bush cho biết, ông cảm thấy "lạc quan". Theo ông Bush, việc thất bại của các kế hoạch trước không phải là lý do để từ bỏ chuyện này. Ông này cho biết thêm: "Tôi là một người lạc quan và tôi sẽ nắm chắc cơ hội này".
Nỗ lực quốc tế
Lộ trình hoà bình Trung Đông lần này này do các đặc sứ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), và Nga soạn thảo. Mục đích của kế hoạch này nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời hình thành một nhà nước Palestine đủ mạnh trong vòng 3 năm.
Kế hoạch này kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, đập tan các nhóm vũ trang Palestine, Israel phải rút quân khỏi các thành phố do người Palestine kiểm soát, và dỡ bỏ các khu định cư Do Thái được dựng lên từ năm 2001.
Theo nhận định của nhà phân tích tình hình Trung Đông Roger Hardy, các biện pháp xây dựng lòng tin ban đầu rất khó thực hiện.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Bush cho rằng, các đề xuất cần đưa ra điểm khởi đầu hướng về hai quốc gia, một nước Israel được đảm bảo an ninh và một nước Palestine dân chủ, hòa bình,̀ hoạt động tốt
(Trần Kiên - Theo BBC)