Kế hoạch đàm phán ba bên giữa Mỹ, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc xung quanh các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào tuần tới dường như đang có nhiều điều hoài nghi về tính khả thi của nó.
Trước đó, Mỹ tuyên bố đang tham vấn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi đi đến quyết định có tham gia đàm phán hay không sau khi Bình Nhưỡng ra tuyên bố đang tái chế hơn 8.000 thanh năng lượng hạt nhân đã được sử dụng.
Theo Washington, với việc tái chế trên, CHDCND Triều Tiên có thể sản xuất ra plutonium cần thiết để chế tạo bom nguyên tử. Người phát ngôn Nhà Trắng bà Claire Buchan cho biết: ''Một khi chúng tôi xác định rõ ràng thực tế và quan điểm của các nước bằng hữu và liên minh, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định''.
Trong một diễn biến khác, CHDCND Triều Tiên đã đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc ở cấp nội các tại Bình Nhưỡng vào cuối tháng này. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố, Seoul sẽ hồi đáp sớm đề nghị trên.
Bình Nhưỡng đã hoãn nhiều cuộc hội bàn mới đây khi căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân ngày càng cao và đặc biệt việc Tổng thống Hà Quốc Roh Moo-Hyun quyết định gửi quân đội không tham chiến tới Iraq.
Phóng viên BBC thường trú tại Seoul Caroline Gluck đưa tin, bằng quyết định đề xuất nối lại đàm phán với Hàn Quốc vào thời điểm nhạy cảm, CHDCND Triều Tiên có thể làm rạn nứt giữa Seoul và Washington.
Hiểu nhầm
Có nhiều khả năng việc tái chế thanh năng lượng hạt nhân sẽ được thực hiện tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc khẳng định, cho đến nay chưa có bất kỳ nguồn tin tình báo nào cho thấy, Bình Nhưỡng đã bắt đầu quá trình tái chế.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, bất kỳ động thái nào cho thấy Bình Nhưỡng bắt đầu tái chế có thể được coi là ''vấn đề cực kỳ nghiêm trọng''.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, có một vài điểm thiếu chính xác ở cách dùng từ trong bản tuyên bố của Bình Nhưỡng, và rằng, những gì họ đang thực sự làm vẫn chưa rõ ràng.
(Trần Kiên - Theo BBC)