221
881
Thế giới đó đây
doday
/thegioi/doday/
43324
Sau Iraq, Mỹ sẽ tấn công Syria, Iran hay CHDCND Triều Tiên?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Sau Iraq, Mỹ sẽ tấn công Syria, Iran hay CHDCND Triều Tiên?
,
Tổng thống Mỹ Bush.

Sau hơn 20 ngày đêm chiến tranh ác liệt, giờ đây đất nước Iraq gần như đã nằm trong sự kiểm soát của liên quân Mỹ - Anh. Tuy nhiên, hiện dư luận thế giới đang đặt câu hỏi lớn, liệu Mỹ còn tiếp tục hành động "chinh phạt" nước nào khác trên thế giới trong tương lai? Để trả lời phần nào câu hỏi đó, bài báo có tiêu đề: "Sau Iraq, Bush sẽ đến đâu: Syria, Iran hay CHDCND Triều Tiên'' của tác giả Gerard Baker đăng tải trên tờ ''Tài chính nước Anh'' số ra mới đây.

Cách đây không lâu, Tổng thống Bush đã ''hùng hổ'' công bố học thuyết có tên ''Tấn công phủ đầu'' để khẳng định với chính phủ các nước trên thế giới rằng, Mỹ sẽ không tha thứ cho mọi thách thức đối với chính quyền Mỹ và sẽ nhổ tận gốc mối đe doạ vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Tháng 1/2002, Tổng thống Bush đã ngạo mạn công khai tuyên bố danh sách các quốc gia bị liệt vào cái gọi là "trục ma quỷ" và coi đây là các ''ứng cử viên chủ yếu'' mà Mỹ cần phải thay đổi chế độ.

Theo các quan chức Mỹ, mấy tuần gần đây, cơ quan tình báo nước này đã thu thập được nhiều bằng chứng về việc Iran đang đẩy mạnh chương trình hạt nhân. Và như vậy, nước này là mối đe doạ nguy hiểm đối với Mỹ. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ronald Rumsfeld cũng tố cáo "nhiều hành động thù địch" của Syria liên quan tới việc tiếp tay cho Iraq trong thời gian chiến tranh và khẳng định Syria sẽ phải "chịu trách nhiệm" về việc che giấu các nhà lãnh đạo Iraq.

Ông James Woolsey, cựu Giám đốc CIA và cũng là một ứng cử viên trong chính quyền Iraq lâm thời, cho biết, hiện Mỹ đang dính líu vào cuộc chiến tranh thế giới thứ 4 tiếp sau cuộc chiến tranh thế giới thứ ba là chiến tranh lạnh. Ông Woolsey cho biết, kẻ thù của Mỹ là "những thủ lĩnh tôn giáo ở Iran, Iraq, Syria và các tổ chức Hồi giáo cực đoan tựa như Al-Qaeda". Thành công quân sự của Mỹ tại Iraq tạo đà cho quá trình ''biến những ý đồ đó thành hành động''.

Phát biểu trên kênh truyền hình NBC News gần đây, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Wolfowitz cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn chứng kiến sự thay đổi ở nhiều nơi, nhưng điều đó sẽ diễn ra bằng nhiều phương tiện ở những nơi khác nhau. Tôi cho rằng, điều quan trọng là sự hợp tác và duy trì liên minh này đã từng đạt được những kết quả đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống khủng bố toàn cầu mà chúng tôi khẳng định quân sự không phải là công cụ duy nhất - thậm chí đó không phải là công cụ chủ yếu".

Qua những lời phát biểu trên, người ta nhận thấy, rõ ràng Chính quyền Bush không dừng lại ở cuộc chiến tranh Iraq. Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, Mỹ sẽ còn tiếp tục bằng cách này hay cách khác xoá sổ các nước có chế độ thù địch với Mỹ trong tương lai bất chấp dư luận quốc tế và trong nước phải đối gay gắt. Trước hết, quan điểm của nhiều nước đồng minh với Mỹ, trong đó nhất là Anh, cho rằng, Washington cần thận trọng trong việc đánh giá điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thủ tướng Anh Tony Blair yêu cầu Mỹ hành động ngay đối với tiến trình hoà bình Trung Đông, trong khi Chính quyền Bush không thể đi xa như ông Blair mong muốn trong việc gây sức ép đối với Israel. Tuy nhiên, bản thân việc đó sẽ làm phức tạp hoá quá trình tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho bất cứ hành động nào khác do Mỹ cầm đầu.

Tiếp đó, vấn đề chính trị trong nước cũng sẽ hạn chế quyền tự do của ông Bush trong việc giải quyết các chế độ phức tạp hơn. Lịch sử gần đây và các xu hướng chính trị trong nội tại nước Mỹ cho thấy, thái độ của công chúng Mỹ đối với thắng lợi ở Iraq là mong muốn một thời kỳ ''yên ả và tĩnh lặng'' trên trường quốc tế. Thực tế, sức ép chính trị trong nước mạnh mẽ nhất ở những thời điểm - như người ta thấy sau cuộc chiến tranh Vùng vịnh lần trước, ở Bosnia, Kosovo và Afghanistan - là kêu gọi Mỹ "rút quân về nước". Đáng chú ý,  nhiều vấn đề chính trị và kinh tế của Mỹ cũng đang hạn chế hành động xâm lược quốc tế. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004, tính đến nay chỉ còn 18 tháng và các cố vấn chính trị của ông Bush đang cố gắng chèo lái để tránh lặp lại sai lầm của ông Bush cha, người chưa bao giờ kết hợp những thành công trong chính sách đối ngoại với thành tựu trong nước.

Tuy nhiên, các nhân vật bảo thủ ở trong và ngoài chính quyền Bush cho rằng, chính quyền Bush phải rút ra bài học nữa từ ông Bush cha, người không theo đuổi đến cùng thắng lợi đối với Iraq bằng việc kích động sự thay đổi chế độ trong thế giới Ảrập. Nhiều nhân vật chỉ trích có ảnh hưởng trong chính quyền Mỹ khẳng định, thắng lợi lần này đã tạo ra cơ hội tốt hơn cho Mỹ để thực hiện những mục tiêu trong khu vực. Nhân vật quan trọng trong việc xác định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo có thể là Phó tổng thống Dick Cheney, cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền ông Bush cha trước đây đã thể hiện quan điểm của mình về thế giới những năm gần đây và nhất là từ sau ngày 11/9/2001 bằng việc chấp nhận ý kiến cho rằng, Mỹ chỉ có thể an toàn nếu Mỹ nhanh chóng xoá bỏ các chế độ chuyên chế, đặc biệt ở các nước Ảrập.

Nhiều quan chức cũng cho rằng, thắng lợi quân sự của Mỹ ở Iraq có thể tác động tới Chính phủ Syria và Iran buộc họ thay đổi - trước hết bằng cách không ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và cuối cùng có lẽ bằng việc tự giải phóng. Mục tiêu của Mỹ là tăng cường sức ép ngoại giao - thông qua các phương tiện song phương cũng như đa phương - để tạo ra sự thay đổi, tối thiểu để ngăn chặn các nước này che giấu và cung cấp vũ khí cho những người Iraq thù địch và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Vấn đề quan trọng là: điều gì sẽ xảy ra nếu sức ép này thất bại trong khi Mỹ không thể tìm kiếm một cuộc chiến tranh với tất cả các chính phủ ở Trung Đông? Trong thời gian Mỹ chiếm đóng Iraq, có lẽ vấn đề rõ ràng nhất là nguy cơ hành động khủng bố chống lực lượng Mỹ và điều gì sẽ xảy ra nếu một nhóm khủng bố, đặt căn cứ hoặc được tài trợ của người Iran hay Syria, mở một cuộc tấn công chống lại các đơn vị Mỹ? Bất chấp sự lo lắng quốc tế hay trong nước, chính quyền Bush tất nhiên cảm thấy bổn phận theo đuổi các chính phủ đó và lôgíc của chính sách Mỹ sẽ là sự lựa chọn hành động quân sự.

Đây là cơ hội và cũng là thách thức của thế giới mới mà Mỹ đang tạo ra cùng với sự thành công của Mỹ ở Iraq. Hiện nay, Mỹ có ý định mở rộng phạm vi dân chủ tự do đến các khu vực và chủ nghĩa thực dân mới này đang đẩy biên giới của Mỹ ra ngoài biên giới truyền thống và điều đó tất nhiên sẽ tạo ra nhiều thách thức cho Mỹ trong tương lai.

(Lê Trung - Theo UK Financial Time)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,