Phá huỷ tên lửa, đập tan lò đúc vũ khí, đào bới số bom đạn đang được chôn dưới mặt đất và cử các nhà khoa học đến nói chuyện với các thanh sát viên vũ khí LHQ. Đó là những nỗ lực cuối cùng mà chính quyền Baghdad ráo riết tiến hành hôm qua (3/3). Tuy nhiên, những động thái tích cực và rõ ràng này đã không lay chuyển được Mỹ vốn đang nóng lòng sử dụng công cụ chiến tranh để "thay đổi chế độ" ở Iraq.
Máy bay B-52 của Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc chiến chống Iraq |
Đến cuối ngày hôm qua, tại Trung tâm Tên lửa al-Taji nằm cách Thủ đô Baghdad hơn 30km về phía Bắc, Iraq đã phá huỷ thêm 6 tên lửa Al Samoud 2, nâng tổng số vũ khí loại này bị vô hiệu hoá trong 3 ngày qua lên tới 16 chiếc. LHQ hy vọng Baghdad sẽ tiếp tục giữ được tốc độ giải giáp vũ khí như vậy trong những ngày tới. Hiện Iraq có hơn 100 tên lửa Al Samoud 2. Loại này bị cấm do tầm bay vượt quá mức cho phép.
Cùng thời gian này, tại Công ty Al Rasheed nằm cách Baghdad hơn 60km về phía Tây Nam, công nhân Iraq tiến hành cắt bỏ và phá huỷ các lò đúc sử dụng để chế tạo động cơ tên lửa Al Fatah. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, các thanh sát viên vũ khí đã yêu cầu Iraq phá huỷ những lò đúc kiểu này. Tuy nhiên, từ sau khi họ rút đi vào năm 1998, Baghdad đã cho phục hồi trở lại.
Ngoài ra, Iraq cũng đã cho đào bới số bom hoá học và sinh học được giấu dưới lòng đất. Các thanh sát viên hiện đang phân tích số bom này. Iraq chuẩn bị đề nghị LHQ công nhận là đã phá huỷ hết các vũ khí chứa chất gây bệnh than và chất VX tác động vào hệ thần kinh dẫn đến tử vong.
Cuối cùng, Chính quyền Baghdad cũng cam kết tạo điều kiện để các thanh sát viên vũ khí phỏng vấn các nhà khoa học Iraq. Hôm qua, nhà khoa học thứ tư đã có buổi nói chuyện với các thanh sát viên vũ khí mà không bị kiểm soát. LHQ trước đó yêu cầu được phỏng vấn hơn 30 nhà khoa học.
Pháp, Nga và Trung Quốc đánh giá cao những nỗ lực của Iraq và khuyên nước này cần phải đáp ứng mọi yêu cầu của LHQ để có thể tránh được chiến tranh. Ngược lại, Mỹ gạt phăng tất cả, không đoái hoài gì đến các động thái tích cực này. Washington hiện như đang ngồi trên đống lửa do đã tập hợp được lực lượng nhưng chưa thể tiến hành chiến tranh.
"Iraq không hề hợp tác. Cho dù có làm gì đi nữa, họ cũng không thực sự giải giáp vũ khí," Phát ngôn viên Nhà Trắng Ari Fleischer nói.
Mỹ bỏ ngoài tai tất cả những động tĩnh ở Iraq mà chỉ chăm chăm vào báo cáo mà ông Hans Blix và ông Mohamed ElBaradei trình trước Hội đồng Bảo an LHQ vào thứ sáu tuần này. Ngoài ra, Washington còn nuôi hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của quốc tế cho nghị quyết thứ hai quy định việc dùng vũ lực đối với Iraq.
Hiện nay, tại vùng Vịnh, Mỹ đang có khoảng 250.000 quân được trang bị đầy đủ sẵn sàng chiến đấu. Mỹ cũng đã khởi động hệ thống pháo đài bay B-52. Hôm qua chiếc máy bay B-52 đầu tiên trong tổng số 14 chiếc Mỹ sẽ dùng khi chiến tranh xảy ra đã được đưa tới London.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chưa đệ trình lại với Quốc hội kế hoạch đóng quân của Mỹ. Điều này có nghĩa là hơn 60.000 quân Mỹ đang có mặt tại ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được phép đổ bộ vào các căn cứ quân sự ở phía Bắc nước này. Các nhà quan sát nhận định nếu không có sự trợ giúp về căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ phải trả giá đắt khi thôn tính Baghdad.
(Tiến Dũng - Theo AP)