Hôm qua (24.3), Toà án liên bang Mỹ đã gây bất ngờ cho Nhà Trắng bằng việc huỷ bỏ mức án tử hình đối với cựu phân tích viên thông tin tình báo Không quân Mỹ Brian Regan, người bị buộc tội làm gián điệp cho Iraq.
Brian Regan (bên phải minh hoạ) tại toà |
Các luật sư của Regan đã tỏ ý tán dương phán quyết của bồi thẩm đoàn, đặc biệt nó được đưa ra đúng vào lúc quan hệ Mỹ - Iraq đang cực kỳ căng thẳng.
Tuy nhiên, luật sư của Regan, ông Jonathan Shapiro vẫn chưa hết bất bình với phán quyết của phiên toà truớc. "Đây là một vụ xử án chưa từng có tiền lệ" - ông này nói. Tại các phiên toà trước đây, ông này đã chỉ trích gay gắt rằng mức án mà toà đưa ra là quá nặng. Bà Nina Ginsberg, một luật sư khác của Regan, cho rằng phán quyết của toà là một bức thông điệp thuyết phục gửi lên Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft, người mà bà này cho là đã quá tay trong nhiều vụ áp dụng án tử hình.
Chính phủ Mỹ đã khép Regan vào tội: làm gián điệp cho Iraq và Libya - tội phải chịu mức án tử hình. Nhưng phiên toà lần này đã bác bỏ tội làm gián điệp cho Libya của Regan, theo đó, mức tội của bị cáo đã được giảm nhẹ. Tuy nhiên, Regan cũng có thể bị tử hình nếu thông tin mà ông này đã cung cấp cho Iraq thuộc mức độ cụ thể. Theo đánh giá của toà, mức độ này không cụ thể nên bị cáo đã thoát được án tử hình. Phiên toà sơ thẩm hồi 9/5/2002 đã tuyên bố Regan mắc tội làm gián điệp cho Iraq và Trung Quốc cũng như tội thu thập thông tin quốc phòng.
Trong phiên toà diễn ra hồi tuần trước, quan toà đã buộc tội cựu nhân viên thuộc cơ quan quản lý hệ thống vệ tinh tình báo Mỹ này cố tình thu thập và làm lộ thông tin quốc phòng. Theo toà, Regan đã cung cấp cho Baghdad những thông tin mật tuy không cụ thể nhưng cũng đủ mức độ nghiêm trọng để Regan phải chịu mức án tử hình. Chính quyền Bush đã gọi đây là phán quyết của của những người Mỹ chiến thắng.
Paul McNulty, một luật sư tham gia phiên toà này, tỏ ra cứng rắn: "Đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ khi yêu cầu về bảo mật thông tin quân sự trở nên cấp bách hơn bao giờ hết." Hội đồng công tố viên đã buộc Regan vào tội phản bội tổ quốc vì đã bán thông tin quân sự tối mật cho nước ngoài với giá 13 triệu USD. Họ cho rằng, trong thời gian từ năm 1999 - 2000, Regan đã viết nhiều bức thư tay cho tổng thống Iraq Saddam Hussein và tổng thống Libya Muammar Gaddafi đề nghị bán cho 2 ông này các dữ liệu tối mật về hệ thống vệ tinh tình báo, hệ thống cảnh báo sớm và về chiến lược quân sự của Mỹ.
Hồi tháng 8/2001, Regan đã bị bắt qủa tang đang mang theo tài liệu mã hoá về địa điểm đặt tên lửa đất đối không trong vùng cấm bay ở miền Nam Iraq do Mỹ và Anh áp đặt và tài liệu về về một thế trận tên lửa ở Trung Quốc. Ngoài ra, người ta còn tìm ra nhiều tài liệu ghi địa chỉ đại sứ quán của Iraq và Trung Quốc trong nhà riêng của Regan.
Các công tố viên cho biết Regan đã truy cập vào các thông tin tối mật thông qua mạng Intelink (một phiên bản Internet bí mật nằm trong hệ thống tình báo của Mỹ) và cung cấp cho Iraq, Iran, Libya và Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các luật sư của Regan, sở dĩ thân chủ của họ có những tài liệu này là để phục vụ cho công việc. Theo họ, Regan không có ý định trở thành một điệp viên cũng như chưa từng gửi thư cho tổng thống Iraq hay tổng thống Libya.
Được biết, tại Mỹ, chưa có trường hợp bị cáo gián điệp nào bị tử hình trong vòng hơn 50 năm qua.
(Lam Sơn - Theo Reuters)