Hội đồng Bảo An nhóm họp. |
Bản dự thảo nghị quyết mới được đưa ra trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp HĐBA kết thúc rạng sáng hôm nay (25/2 - giờ Hà Nội). Cùng đặt bút ký vào vị trí người khởi thảo, ngoài Mỹ và Anh, có thêm một đại diện nữa từ châu Âu là Tây Ban Nha.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ Iraq đã không tận dụng cơ hội cuối cùng để giải giáp trong hoà bình và do vậy sẽ phải đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" theo quy định của Nghị quyết 1441. Nghị quyết này được HĐBA nhất loạt thông qua ngày 8/11/2002.
Dự thảo nhắc lại rằng "Iraq đã và đang không thực hiện bổn phận của mình", "không trung thực và có nhiều thiếu sót trong báo cáo vũ khí dày 12.000 trang", và "không tuân thủ, không hợp tác đầy đủ và chắc chắn sẽ tiếp tục vi phạm Nghị quyết 1441".
Vận dụng Điều VII, Hiến chương LHQ, dự thảo đề nghị tiến hành biện pháp quân sự đối với Iraq.
Bản dự thảo không đưa ra các mốc thời gian cụ thể. Nhưng các quan chức Mỹ và Anh khẳng định rằng họ muốn HĐBA phê chuẩn trước 15/3.
Song song với việc trình dự thảo nghị quyết mới, Mỹ và Anh phải bắt tay vào công việc gian nan: thuyết phục thế giới đứng về phía mình. Theo điều lệ của LHQ, để được thông qua và trở thành nghị quyết của cộng đồng quốc tế, dự thảo này cần phải có được ít nhất 9 phiếu thuận trong tổng số 15 thành viên của HĐBA và không gặp phải bất cứ sự phản đối nào từ 5 thành viên thường trực.
Tuy nhiên, lâu nay, Pháp, Nga và Đức đã nhất quyết phản đối chiến tranh, chủ trương tìm kiếm giải pháp hoà bình để giải quyết vấn đề Iraq trong vòng 5 tháng tới. Trung Quốc cũng bày tỏ thái độ ủng hộ đối với phương án này. Hơn nữa, có tới 11 trong 15 thành viên của HĐBA, trừ Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và có thể cả Bulgaria, đề nghị cần phải giành thêm thời gian cho các thanh sát viên vũ khí.
Đoán trước được số phận mong manh của dự thảo nghị quyết, Mỹ đã bắt đầu công cuộc vận động hành lang. Mấy ngày qua, Washington đã cử các thương thuyết gia giỏi nhất tới thủ đô của các nước là thành viên HĐBA. Hôm qua, Ngoại trưởng Colin Powell cố công tới Bắc Kinh để thuyết phục Trung Quốc ủng hộ nghị quyết mới. Song Bắc Kinh nhất quyết không thay đổi quan điểm của mình.
Cũng trong ngày hôm qua, các quan chức thanh sát vũ khí của LHQ ở Iraq là ông Hans Blix và ông Mohamed ElBaradei tiếp tục kết tội Baghdad không hợp tác đầy đủ và trả lời thoả đáng các vấn đề nổi cộm về chương tình phát triển tên lửa tầm xa, vũ khí sinh học, hoá học và hạt nhân.
Các ông này cho biết để chứng tỏ sự hợp tác của mình, trước hết, Tổng thống Iraq Saddam Hussein phải tiến hành phá huỷ tất cả các tên lửa Al Samoud 2 trước thứ bảy tuần này.
Trong một diễn biến khác, nội các Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đồng ý kế hoạch tiếp nhận hàng chục nghìn quân của Hoa Kỳ, đổi lại Washington sẽ viện trợ không hoàn lại cho Ankara 5 tỷ USD và cho vay 10 tỷ USD. "Bản hợp đồng" này sẽ được chuyển lên cho Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu và thông qua.
(Tiến Dũng - Theo AP, BBC)