Khối hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) cuối cùng cũng đã tiến tới sự đồng thuận hàn gắn vết rạn nứt với Mỹ xung quanh kế hoạch chiến tranh chống Iraq của nước này và hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Pháp ủng hộ kế hoạch nói trên.
Tổng thư ký NATO George Robertson |
Tổng thư ký NATO George Robertson tiết lộ, 18 thành viên Uỷ ban hoạch định kế hoạch phòng thủ của khối hiệp ước quân sự này đã thoả thuận triển khai lực lượng phòng thủ quân sự tới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên duy nhất có biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Pháp, Đức và Bỉ đã phản đối gay gắt kế hoạch phòng thủ nói trên vì cho rằng kế hoạch này ám chỉ cuộc chiến tấn công Iraq là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận hôm qua, Đức và Bỉ đã từ bỏ quan điểm phản đối. Trong khi đó, Pháp - nước không là thành viên của Uỷ ban hoạch định chính sách phòng thủ NATO - đã không tham gia thảo luận. Pháp đã rút khỏi các cơ cấu quân sự của NATO từ năm 1966, và chỉ tham gia vào các hoạt động tham vấn chính trị.
Ngài Robertson tuyên bố, các thành viên uỷ ban đã thoả thuận cho phép các nhà hoạt định quân sự bắt đầu nghiên cứu hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Ankara đã lên tiếng đề nghị NATO triển khai máy bay thanh sát Awacs, hệ thống chống tên lửa và các tiểu đội chống vũ khí hoá học, nhằm bảo vệ nước này trong trường hợp Mỹ tấn công Iraq.
Giải pháp cuối cùng
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, kế hoạch hỗ trợ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đơn thuần chỉ mang ý nghĩa phòng thủ. Trong khi đó, Mỹ khẳng định, theo hiệp ước thành lập, 19 thành viên NATO đều có nhiêm vụ hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Pháp - quốc gia phản đối chiến tranh - tuyên bố, kế hoạch hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ làm tổn hại tới các cuộc thảo luận trong HĐBA về vấn đề Iraq.
Thoả thuận trên của NATO được quyết định chỉ ít giờ trước khi Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu bắt đầu hội nghị khẩn cấp bàn thảo về cuộc khủng hoảng Iraq hiện nay.
(Trần Kiên - Theo AP, BBC)