Người phụ trách các chính sách đối ngoại của EU Javier Solana đã phát biểu như vậy trong buổi họp báo sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Ông khẳng định, áp dụng bất cứ một lệnh trừng phạt nào với CHDCND Triều Tiên trong thời điểm này sẽ gây phản tác dụng.
Người phụ trách đối ngoại của EU Javier Solana |
Ông Solana cho biết thêm, một phái đoàn cấp cao EU sẽ tới thăm CHDCND Triều Tiên để bàn về cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.
Nga đồng tình với EU
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Losyukov tuyên bố, Nga phản đối việc đưa vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vào chương trình nghị sự của HĐBA Liên hợp quốc.
Quan chức Moscow này nói: ''Đưa vấn đề Bình Nhưỡng vào chương trình thảo luận của HĐBA lúc này hoàn toàn không hợp lý và gây phản tác dụng. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết thông qua các biện pháp hoà bình''.
Nga phản đối mạnh mẽ ý định của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng lên LHQ. Theo kế hoạch, hôm nay (12/2), ban điều hành IAEA sẽ tiến hành phiên họp khẩn cấp tại Vienna để thảo luận về việc có thực hiện dự định trên hay không.
Vào giữa tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Losyukov với tư cách là phái viên của Tổng thống Putin đã công du tới Bình Nhưỡng làm trung gian và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho các vấn đề bế tắc của CHDCND Triều Tiên với Mỹ.
Lập trường của CHDCND Triều Tiên
Phát biểu tại Học viện Quan hệ quốc tế Australia ở Canbera, Đại sứ CHDCND Triều Tiên Che-hong nói, CHDCND Triều Tiên sẵn sàng giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua một con đường hợp lý nhất là thương lượng trực tiếp và bình đẳng với Mỹ vào bất cứ lúc nào.
Ông nhấn mạnh, CHDCND Triều Tiên kiên quyết phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
(Hoài Linh - Theo Tân Hoa xã, TTXVN)