Trong khi bóng mây chiến tranh Iraq đang bao trùm và chi phối toàn bộ chương trình nghị sự của HĐBA LHQ, hai thành viên Đức và Nga hy vọng đưa ra một giải pháp giải giáp Baghdad một cách hoà bình. Pháp và Trung Quốc về cơ bản cũng đã đồng thuận về vấn đề này.
Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Phát biểu với các nhà báo sau cuộc hội đàm kéo dài một giờ đồng hồ tại Berlin ngày 9/2, Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh ý muốn tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho vấn đề Iraq.
Thủ tướng Schroeder nhấn mạnh yêu cầu cần làm tốt hơn và mở rộng "hệ thống kiểm tra và trừng phạt ở Iraq" đồng thời cho biết, Đức sẵn sàng góp phần vào việc cải thiện và mở rộng việc thanh sát vũ khí.
Tổng thống Putin cho biết, cuộc hội đàm đã xác nhận "sự gần gũi về lập trường của Nga và Đức trong những vấn đề then chốt của tình hình quốc tế" và nhấn mạnh việc phải lấy "luật pháp quốc tế để giải quyết những tình huống khủng hoảng quốc tế". Ông Putin nêu rõ: "Hiện tại chúng tôi không thấy có cơ sở để sử dụng vũ lực" và chỉ HĐBA LHQ mới có thể quyết định về những hành động tiếp theo đối với Iraq.
Hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, phái đoàn thanh sát viên vũ khí cần tiếp tục theo đuổi công việc mà họ đã khởi động vào hồi tháng 11 năm ngoái nhằm tìm kiếm những bằng chứng chính xác khẳng định Iraq có phát triển và tàng trữ các loại vũ khí sinh hoá và hạt nhân hay không.
Tổng thống Nga Putin tái khẳng định: ''Chúng tôi nhận thấy rằng, nếu đơn phương phát động chiến tranh sẽ chỉ mang lại đau thương, mất mát cho người dân và làm gia tăng căng thẳng trong toàn bộ khu vực''. Cả ông Putin và Schroeder đều lên tiếng hối thúc Iraq nên hợp tác hơn nữa với LHQ.
Theo ông Putin, Pháp, Đức và Trung Quốc đang phối hợp chặt chẽ với HĐBA nhằm tiến tới một giải pháp ngoại giao, hoà bình cho vấn đề Iraq.
Như vậy, trong 5 thành viên thường trực của HĐBA có quyền phủ quyết, Nga, Pháp và Trung Quốc cương quyết phản đối bất kỳ chiến dịch quân sự nào tấn công Iraq mà không có sự phê chuẩn của HĐBA. Trong khi đó, Mỹ và Anh vẫn ráo riết chuẩn bị tấn công tổng lực vào Iraq.
(Trần Kiên - Theo AP, BBC)