Hiệp định ngừng bắn không chính thức giữa Israel và Palestine vừa công bố hôm 1/12 tại Geneva, Thuỵ Sĩ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.
Các tác giả của ''Hiệp ước Geneva'', những người tự xếp mình vào phe ôn hoà đến từ hai chiến tuyến Israel và Palestine bày tỏ hy vọng kế hoạch hoà bình này sẽ tạo nên động lực mới giúp lãnh đạo hai phía khởi động lại lộ trình hoà bình, hiện đang rơi vào thế bế tắc.
Đánh dấu ngày công bố ''bản thoả thuận thiện chí'', hàng trăm người Israel, Palestine và những người ủng hộ Hiệp ước không chính thức này đã mở buổi lễ ăn mừng tại Geneva. Tham gia ''ngày hội'' này có ông John Hume, người đã đoạt giải Nobel hoà bình về vấn đề Bắc Ireland, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Nhiều nhà lãnh đạo khác như Quốc vương Morocco Mohammed, Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng gửi điện chúc mừng.
Phát biểu trước những người tham dự, cựu Tổng thống Mỹ Jimmi Carter tuyên bố, sáng kiến vừa được công bố là định hướng để tiến tới một nền hoà bình bền vững cho miền đất thánh. ''Hiệp định hoà bình sẽ giải quyết những vấn đề quan trọng như phân định biên giới, các khu định cư Israel, những vùng đất Palestine bị chiếm đóng, tương lai của Jerusalem và các khu vực thiêng, người tị nạn Palestine. Chúng ta có thể thấy một nền tảng đầy hứa hẹn cho hoà bình Israel và Palestine''.
Ngoại trưởng Thuỵ Sĩ Micheline Calmy-Rey ca ngợi hiệp ước ngừng bắn không chính thức là ''một ánh lửa trong đêm tối''. Trong khi đó, ở trụ sở chính của LHQ tại New York, Tổng thư ký Kofi Annan tuyên bố, sáng kiến trên đã đáp ứng được mong mỏi của người Israel và Palestine. Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Boucher nói, chính quyền Tổng thống Bush hoan nghênh đề xuất mới song vẫn quan tâm tới lộ trình hoà bình do Bộ Tứ soạn thảo.
''Hiệp ước Geneva'' về hoà bình Trung Đông do khoảng 40 các chính trị gia, nhà trí thức, nhà hoạt động hoà bình và các cựu Bộ trưởng Israel, Palestine vạch ra sau thời gian bàn bạc bí mật kéo dài 3 năm. Kế hoạch này đã nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính của chính phủ Thuỵ Sĩ. Đồng tác giả của Hiệp ước Geneva là cựu Bộ trưởng nội các Israel Yossi Beilin, kiến trúc sư Hiệp ước hoà bình Oslo và Bộ trưởng Palestine Yasser Abed Rabbo.
Kế hoạch hoà bình không chính thức kêu gọi Israel rút quân khỏi phần lớn các khu vực thuộc Bờ Tây và dải Gaza, thành lập nhà nước Palestine và chia sẻ quyền kiểm soát tại Jerusalem. Văn bản này còn đòi quyền cho người tị nạn Palestine được quyền quay lại Israel.
(Hoài Linh - Theo Reuters, VOA)