Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld hôm qua (14/11) đã tới Nhật Bản để bàn về việc thay đổi trong bố trí quân Mỹ tại châu Á. Song cuộc hội đàm rất có thể bị vấn đề Iraq lấn át.
Đây là chuyến công du Đông Á đầu tiên của ông Rumsfeld kể từ khi lên nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi, ông Rumsfeld sẽ bàn về kế hoạch thay đổi việc triển khai quân Mỹ tại châu Á. Kế hoạch được vạch ra nhằm trao thêm tính linh hoạt cho quân Mỹ để phản ứng với mối đe doạ an ninh mới như chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, chủ đề tình hình an ninh hiện nay tại Iraq sẽ "thống trị" cuộc gặp Koizumi - Rumsfeld. Hiện, Washington đang ra sức thuyết phục các nước đồng minh, nhất là Nhật Bản, gửi quân sang Iraq để giúp bình ổn "chảo lửa" này. Trong khi đó, trước phản đối của người dân và sau tổn thất của Đảng LDP, Tokyo lại lưỡng lự trước quyết định gửi quân, nhất là sau các vụ đánh bom nhằm vào quân nước ngoài tại Iraq. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng, chủ nhân Lầu Năm Góc sẽ không gây áp lực lên ông Koizumi vì sợ làm cho ông này thêm khó xử.
Trước đó, hôm thứ năm (13/11), Chính phủ Nhật Bản đã hoãn kế hoạch gửi quân sang Iraq sau vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào trụ sở quân cảnh Italia giết chết 27 người. Hôm qua, ngay trước chuyến thăm của ông Rumsfeld, nước này đã cử một phái đoàn điều tra sự thật sang Iraq để đánh giá tình hình an ninh ở đây trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tại Tokyo, ông Rumsfled cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ rất có thể sẽ công bố kế hoạch thay đổi việc bố trí lực lượng quân sự hải ngoại vào cuối năm nay. Trên đường tới Nhật, ông Rumsfeld đã dừng chân tại Guam. Tại đây, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khẳng định tầm quan trọng của châu Á. "Tầm quan trọng của khu vực không thể coi thường", ông nói với quân Mỹ đóng tại đây.
Rất nhiều khả năng, các kế hoạch này sẽ bao gồm việc tăng giảm quân số đối với lực lượng 37.000 quân Mỹ hiện nay tại Hàn Quốc và 50.000 quân đang đóng tại Nhật Bản. Donald Rumsfeld cho biết, ông muốn chiến thuật "phòng thủ tĩnh" hiện nay sang "phòng thủ động" nhằm khiến quân Mỹ linh hoạt hơn trong việc ứng phó với những nguy cơ an ninh mới như chủ nghĩa khủng bố.
"Kế hoạch này đòi hỏi sự lihh hoạt cao hơn, do đó cần có nhiều địa điểm đóng quân", ông nói với phóng viên trước khi rời Washington. Theo giới thạo tin, lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ tại đảo Okinawa của Nhật Bản có thể sẽ được rút quân. Và một sự thay đổi trong việc bố trí quân Mỹ tại Hàn Quốc cũng đang được bàn bạc. Một trong các đề xuất là quân Mỹ sẽ rút lui sâu hơn về phía nam, tránh xa tầm hỏa lực của CHDCND Triêu Tiên. Quân số cũng có thể sẽ được giảm xuống.
Tại Tokyo, ông Rumsfeld sẽ bàn về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như tình hình tại Iraq. Thủ tướng Nhật Bản Koizumi, một người ủng hộ trung thành của Mỹ trong cuộc chiến Iraq, đã nhận được sự thông qua của Quốc hội hồi tháng 7 cho kế hoạch gửi 1.000 quân tới quốc gia vùng Vịnh.
Song do tình hình an ninh tại Iraq ngày càng xấu đi, phần lớn dư luận Nhật Bản đã quay sang phản đối kế hoạch trên của chính phủ. Khu vực mà quân Nhật định đóng quân chính là thành phố Nasiriya, nơi xảy ra vụ đánh bom nhằm vào trụ sở quân cảnh Italia.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng không giấu được thái độ miễn cưỡng trước đề xuất gửi quân của Mỹ. Washington đang yêu cầu Seoul gửi thêm 5.000 quân ngoài 400 lính không trực tiếp tham chiến đang có mặt tại Iraq. Tuy nhiên, nói với các bộ trưởng, Tổng thống Roh Moo Hyun khẳng định, Hàn Quốc sẽ chỉ triển khai không quá 3.000 quân.
Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ đến thăm Hàn Quốc vào ngày mai với mục đích tương tự chuyến thăm Nhật Bản.
(Lam Sơn - Theo BBC, Kyodo, NTT)