Biểu tình phản đối Đài Loan "độc lập". |
Nhà lãnh đạo Đài Loan Trần Thuỷ Biển vừa có chuyến thăm ngắn tới thành phố New York, Mỹ cuối tuần trước. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đài Loan chuẩn bị tiến hành cuộc bầu chọn lãnh đạo vào đầu năm tới. Nếu xét vẻ bề ngoài, ông Trần chỉ "ghé" qua Mỹ trên đường tới Panama. Song "sự ghé qua" này lại hơi bất bình thường, bởi lẽ ông Trần đã lưu lại Mỹ trong 2 ngày để nhận một giải thưởng về nhân quyền, phát biểu và gặp gỡ một số nhân vật cao cấp trong chính quyền Bush.
Trong lịch trình chuyến thăm New York lần này, ông Trần Thủy Biển có gặp Thị trưởng Michael Bloomberg, nhận giải thưởng do Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế trao tặng và có bài phát biểu về vấn đề nhân quyền. Ông cũng tham dự một bữa tiệc tối do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đài Loan cùng hãng United Defense, sản xuất thiết bị quốc phòng trụ sở tại Mỹ tổ chức trước khi sang Panama.
Trong con mắt của Trung Quốc, Đài Loan là một "tỉnh ly khai" và chính quyền Bắc Kinh vẫn luôn yêu cầu các nước khác không được công nhận hòn đảo này về mặt ngoại giao. Tuy nhiên, Mỹ một mặt luôn tuyên bố tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" và Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, mặt khác vẫn duy trì những mối liên hệ kinh tế, quân sự "khá chặt chẽ" với hòn đảo này kể từ năm 1979, khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với CHND Trung Hoa. Chính vì "thái độ bật đèn xanh" của Mỹ, các quan chức Đài Loan vẫn tìm mọi cách "viếng thăm" Mỹ, đặc biệt là Washington, để gặp gỡ các quan chức Mỹ và nâng cao hình ảnh của hòn đảo này. Cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu đó là sử dụng hình thức "thị thực quá cảnh".
Chuyến thăm lần này đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với ông Trần khi Đài Loan sắp tiến hành bầu cử vào đầu năm tới. Ông Trần đang "rất lo lắng" khi kết quả trưng cầu dân ý mà Đảng Dân chủ Tiến bộ tiến hành trước bầu cử cho thấy uy tín của ông kém hơn phe đối lập Quốc dân Đảng. Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân "hợp pháp" về việc Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đề xuất triển khai chương trình điện hạt nhân tại Đài Loan, ông Trần hy vọng chuyến thăm Mỹ sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ của người dân hòn đảo này đối với cá nhân ông.
Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của ông Trần, chủ nhà Mỹ đã tỏ ra thờ ơ, thậm chí lạnh nhạt. "Nghênh đón" ông Trần tại sân bay ngoài các đại diện Đài Loan tại Mỹ chỉ có 2 nghị sĩ Mỹ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen, người đã hứa sẽ chủ trì "buổi lễ trao giải nhân quyền quốc tế", đã từ chối tham dự với lý do "không được khoẻ". Không chỉ có vậy, chính quyền Bush đã huỷ bỏ kế hoạch để ông Trần quá cảnh Los Angeles, và quy định thời gian 3 phút cho bài phát biểu của ông này. Đồng thời, Mỹ sắp đặt cho ông Trần Thuỷ Biển quá cảnh Alaska trên đường trở về thay vì quá cảnh bang Texas. Trước đó, hôm 31/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Boucher đã ám chỉ rằng, không một quan chức nào trong Bộ Ngoại giao Mỹ gặp ông Trần ở cả New York cũng như Panama.
Có thể thấy rõ rằng khi mà quan hệ Mỹ - Trung đang ở một thời điểm khá "êm ả" với việc hai bên đã cam kết hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên, đặc biệt, Mỹ lại đang cần sự hỗ trợ của các nước để chia sẻ trách nhiệm trong quá trình tái thiết Iraq, thì Mỹ không thể "liều lĩnh" vì "con bài Đài Loan" mà làm "mích lòng" Trung Quốc.
Phản ứng trước hành động này của nhà lãnh đạo Đài Loan, hơn 3.000 sinh viên và người Trung Quốc tại Mỹ đã tụ tập trước khách sạn nơi ông Trần Thuỷ Biển nghỉ để biểu tình bày tỏ sự phản đối. Trong khi đó ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh "theo như thông lệ" lại lên tiếng chỉ trích người đứng đầu Đài Loan. Người ta đã có thể dự đoán về những lời cảnh báo mà Trung Quốc sẽ đưa ra, như quan hệ Trung - Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu ông Trần ngoan cố theo đuổi các hành động "không phù hợp". Rõ ràng, Bắc Kinh đã hiểu rằng những hành động phản đối Đài Loan "quá mạnh mẽ" chỉ đem lại kết quả trái với mong đợi. Ví dụ điển hình là những vụ thử tên lửa hồi năm 1996 của quân đội Trung Quốc càng giúp tăng cường mức độ ủng hộ của người Đài Loan đối với ông Lý Đăng Huy, người đứng đầu hòn đảo này thời điểm đó.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)