221
881
Thế giới đó đây
doday
/thegioi/doday/
135321
"NATO vẫn là xương sống phòng thủ châu Âu"
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
'NATO vẫn là xương sống phòng thủ châu Âu'
,

Thủ tướng Serbia tiếp người đồng nhiệm Đức trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới các nước Balkan kể từ sau các cuộc chiến nổ ra ở Nam Tư cũ.

"Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn là xương sống phòng thủ châu Âu, song châu Âu cần phải có một lực lượng phòng thủ độc lập" - Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tuyên bố hôm 28/10 tại Slovakia. Sau Slovakia, ông Schroeder đã lên đường tới Serbia- Montenegro, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du các nước Balkan, chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Đức tới khu vực này kể từ cuộc chiến Kosovo.

NATO vẫn là "xương sống"

Phát biểu tại cuộc họp báo tổ chức sau cuộc thảo luận 1 ngày với người đồng nhiệm Slovakia Mikulas Dzurinda tại Thủ đô Bratislava, ông Schroeder khẳng định, châu Âu cần có một khối phòng thủ chung. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh, NATO rõ ràng vẫn là nền tảng của an ninh khu vực, những nước tham gia khối này chỉ nên nằm trong khuôn khổ NATO và nên là các nước đồng minh thuộc Tây Âu.

Ngoài ra, ông Schroeder cũng thừa nhận có bất đồng với Thủ tướng Serbia về vấn đề dự thảo hiến pháp Liên minh châu Âu (EU). Theo ông, Ủy ban châu Âu (EC) nên cải thiện "hiệu quả của việc biểu quyết" và số uỷ viên có quyền biểu quyết cần phải hạn chế dưới 15 người ngay cả khi EU mở rộng.

Thủ tướng Đức cũng đồng thời biểu lộ sự thấu hiểu về kỳ vọng của các thành viên mới - có ghế trong EC. Ông Schroeder và Dzurinda đều cho hay, họ hy vọng bất đồng giữa hai bên có thể được giải quyết tại Hội nghị liên chính phủ của EU vào tháng 12 tới. Dự kiến, sau Slovakia, Thủ tướng Đức sẽ tới thăm 2 nước vùng Balkans khác là Serbia-Montenegro và Croatia.

Khó khăn cho ông Schroeder

Thủ tướng Đức sẽ phải đối mặt với vô số khó khăn tại Serbia-Montenegro. Hiện vẫn còn có một số nhân vật nhất định ở đây chưa hết thái độ thù địch đối với Đức do Berlin đã bật đèn xanh cho Croatia và Bosnia thành lập nhà nước độc lập vào năm 1991, cũng như ủng hộ hành động can thiệp quân sự của NATO chống lại Nam Tư trong cuộc chiến Kosovo năm 1999.

Ông Schroeder sẽ phải có những bước tiến thận trọng nếu ông muốn đưa đề xuất hoà bình của mình vào các cuộc thảo luận với 2 nước này nhằm tiến tới một giải pháp chính trị cho vấn đề mâu thuẫn sắc tộc hiện nay ở Kosovo, cũng như sự hợp tác của Belgrade với toà án xét xử tội phạm chiến tranh của LHQ ở La Hague.

Giới lãnh đạo Serbia hiện đang bất đồng sâu sắc về bản cáo trạng của Toà án La Hague, trong đó buộc tội 4 quan chức cảnh sát và các tướng quân đội Nam Tư cũ là tội phạm chiến tranh. Vụ việc đã châm ngòi một làn sóng chỉ trích nặng nề từ phía Chính phủ Serbia.

Theo nguồn tin Phủ Thủ tướng tại Berlin, các vấn đề thảo luận khác sẽ bao gồm việc đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá của khu vực, vấn đề bị xáo trộn kể từ sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Serbia Zoran Djindjic hồi tháng 3 năm nay.

(Lam Sơn - Theo DW, Tân Hoa xã)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,