Người đứng đầu Nhà Trắng George W. Bush tuyên bố, lần đầu tiên
Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác sẽ đưa ra đề nghị đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều Tiên bằng văn bản để đổi lấy việc quốc gia này từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, văn bản này không phải là Hiệp ước không xâm chiếm như Bình Nhưỡng đề nghị.Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bangkok - Thái Lan, Tổng thống Mỹ nói: ''Chúng tôi hy vọng sẽ có một cơ hội để vấn đề bế tắc với CHDCND Triều Tiên có thể giải quyết. Mỹ sẽ bàn kế hoạch trên với Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc - những quốc gia từng thảo luận với Bình Nhưỡng về cuộc khủng hoảng hạt nhân''. Hình thức của bản cam kết cụ thể như thế nào sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell thảo luận với những người đồng nhiệm 4 quốc gia trên và CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Bush cũng nói thêm với Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra ''Tôi nói một điều đơn giản đó là Mỹ không có ý định xâm chiếm CHDCND Triều Tiên. Chúng tôi chỉ muốn họ ngừng tham vọng hạt nhân''.
Trước đó, Nga và Trung Quốc tuyên bố có thể đưa ra bảo đảm an ninh bổ sung cho Bình Nhưỡng nếu những gì Mỹ cam đoan không đáp ứng được đầy đủ đòi hỏi của nước này.
Căng thẳng quanh vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng là một trong những chủ đề sẽ được đề cập tới trong buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC, diễn ra vào hôm nay (20/10). Cũng trong cuộc họp này, lãnh đạo các nước sẽ thảo luận về thương mại, tình hình Iraq. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Bush đã có cuộc gặp ngắn trong bữa sáng với Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về vấn đề CHDCND Triều Tiên như tìm giải pháp, xúc tiến hội đàm 6 bên vòng 2.
Cũng đề cập tới chủ đề trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, các cuộc hội đàm tiếp theo chỉ có thể đạt được những kết quả khả quan nếu lo ngại của Bình Nhưỡng được giải toả. Về phần Nhật, Thủ tướng Junichiro Koizumi cũng ủng hộ sáng kiến nối lại đàm phán trong khi Hàn Quốc hầu như không có phản ứng.
Ngược lại với mong muốn của Mỹ, đại diện Bình Nhưỡng tuyên bố, Bangkok không phải là nơi để thảo luận về cuộc khủng hoảng hạt nhân vì đây chỉ là vấn đề song phương.
(Hoài Linh - Theo AP, Reuters)