221
881
Thế giới đó đây
doday
/thegioi/doday/
124768
Thêm một Yom Kippur, thêm một cuộc xung đột
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Trung Đông:
Thêm một Yom Kippur, thêm một cuộc xung đột
,

Thủ tướng Israel Sharon.

Cuộc oanh tạc của quân đội nhà nước Do Thái vào cái họ gọi là trại huấn luyện khủng bố tại Syria nhằm trả đũa cho vụ đánh bom đẫm máu mới nhất của các tay súng Hồi giáo vũ trang Palestine đã làm dấy lên nỗi lo lắng về sự leo thang thần tốc của bạo lực tại chảo lửa Trung Đông. Chí ít, nó cũng làm lộ rõ triển vọng mờ mịt của tiến trình hoà bình tại vùng đất vốn đầy rẫy bạo lực này.

Cách đây 30 năm, vào ngày Yom Kippur - ngày linh thiêng của đạo Do Thái,  Ai Cập và Syria đã phát động tấn công Israel. Cho dù bị giáng đòn phủ đầu hết sức bất ngờ, lục lượng quân đội Israel đã phản công đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương và tiến sâu vào lãnh thổ Syria, vượt qua kênh đào Suez. Đúng lúc đó, LHQ đã lên tiếng kêu gọi các bên ngừng bắn.

Vào ngày 5/10/2003, đêm trước của lễ Yom Kippur, máy bay tiêm kích F-16 của Israel đã tiến hành chiến dịch oanh tạc đầu tiên vào sâu lãnh thổ Syria kể từ cuộc chiến năm 1973. Mục tiêu đánh phá là Ain Saheb, một trại tị nạn cho người Palestine cách Damascus khoảng 2km. Tel Aviv gọi trại này là nơi huấn luyện khủng bố của Islamic Jihad và các nhóm vũ trang Hồi giáo khác của Palestine. Tuy nhiên, các nhóm này đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc của giới cầm quyền nhà nước Do Thái. Đợt không kích diễn ra chỉ một ngày sau vụ đánh bom tự sát vào một nhà hàng tại thành phố duyên hải Haifa của Israel, khiến 19 người thiệt mạng.

Trong bối cảnh Lộ trình hoà bình Trung Đông do nhóm bộ tứ Nga, Mỹ, EU và LHQ bảo trợ và được cộng đồng quốc tế ủng hộ đang chông chênh bên bờ vực phá sản do vòng xoáy bạo lực liên tiếp xảy ra giữa quân đội Israel và các tay súng Hồi giáo vũ trang Palestine, đặc biệt Syria và một số nước láng giềng Ảrập cáo buộc Israel là một nhà nước khủng bố, vụ oanh tạc nói trên của không lực Israel vô hình trung đã ''xuất khẩu'' bạo lực sang toàn khu vực Trung Đông. Cho dù vậy, giới quan sát vẫn lạc quan, một cuộc chiến tranh toàn diện tại vùng đất nóng Trung Đông là điều không thể, bởi quân đội kém hiện đại của Syria và các nước khác chắc chắn sẽ thất thế trước lực lượng vũ trang tinh nhuệ và được trang bị tận răng của Israel, đấy là chưa kể tới tiềm năng hạt nhân của nước này.

Tổng thống Mỹ Bush.

Tuy nhiên, Israel tuyên bố không muốn dấn thân vào cuộc chiến tranh với Syria và chỉ có ý cảnh báo Damascus chấm dứt ngay việc để cho các tay súng vũ trang Palestine sử dụng lãnh thổ nước này như một căn cứ huấn luyện. Đối với Syria - xét về khía cạnh nào đó vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Israel - đã gọi cuộc không kích trên như một sự leo thang của tình hình căng thẳng Trung Đông. Dù nói gì, Syria tuyên bố với LHQ sẽ kiềm chế và khẳng định, Ein Saheb là một khu vực dân sự. Syria cũng đã lên tiếng yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ không kích trên và ngăn chặn Tel Aviv tiến hành thêm các hành động thù địch tương tự. HĐBA đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn về bản nghị quyết của Syria. Chẳng mấy ngạc nhiên, Mỹ - sân sau của Israel - tuyên bố thẳng thừng không ủng hộ bản nghị quyết bởi nó không đề cập tới vụ đánh bom liều chết tại Haifa. 

Về phía Palestine, ngay sau vụ đánh bom Haifa, Chính quyền Palestine (PA) lo ngại, Thủ tướng Israel - ông Ariel Sharon có thể sẽ phản ứng bằng cách thực hiện cam kết ''loại bỏ'' Tổng thống Palestine Yasser Arafat. Trước đó, nội các Israel đã nhất trí cam kết trục xuất ông Arafat ngay sau  vụ đánh bom đẫm máu hồi tháng trước. Phản ứng trước động thái trên của nội các Israel, PA đã huy động lực lượng bảo vệ trụ sở của ông Arafat tại thành phố Bờ Tây Ramallah và đón chào 30 nhà hoạt động vì hoà bình người nước ngoài, trong đó có cả người Israel, để tạo nên một lá chắn sống bảo vệ nhà lãnh đạo Palestine. 

Tất nhiên, không ít bộ trưởng Israel muốn tận dụng vụ đánh bom tự sát này làm cớ để biến ''lời thề'' của họ thành hiện thực. Tuy nhiên, loại bỏ ông Arafat có thể không phải là mối quan tâm số một của Israel lúc này. Bởi lẽ, khi ông Arafat cố thủ trong đại bản doanh của mình tại Bờ Tây, Israel vẫn có thể ''bế quan toả cảng'' ông này ra thế giới bên ngoài. Nếu nhà lãnh đạo Palestine này bị ám sát hoặc lấy cái chết để phản đối hành động trục xuất, cộng đồng quốc tế sẽ lên án mạnh mẽ Israel hơn lúc nào hết. Hơn nữa, Mỹ cũng đã ''bảo'' Israel không nên tiến hành thêm bất kỳ hành động nào chống lại ông Arafat.

Tổng thống Palestine Arafat.

Hầu như không có sự tranh cãi nào trước nguồn tin, chính quyền Syria đã cho phép giới đầu lĩnh Islamic Jihad, Hamas và nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang Palestine khác đặt trụ sở tại Damascus và tạo điều kiện cho các nhóm này xây dựng căn cứ huấn luyện. Và cũng chẳng có ai phủ nhận một điều rằng, chính nhóm Islamic Jihad phải chịu trách nhiệm cho một số vụ tấn công đẫm máu nhằm vào thường dân Israel trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, trong quá khứ, Israel cũng đã nhiều lần tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria. Nhưng, bây giờ khác trước ở chỗ, Tel Aviv đã thành công trong việc thuyết phục Mỹ coi cuộc chiến Trung Đông chủ yếu không phải là cuộc chiến vì đất và quyền mà là cuộc chiến ''chống khủng bố toàn cầu''. Và Israel đang cố gắng khai thác ''cuộc chiến chống khủng bố'' này.

Kể từ khi chiến tranh Iraq bùng nổ, Washington đã gây sức ép buộc Syria phải đóng cửa các văn phòng của Hamas, Islamic Jihad tại Damascus và trục xuất các thủ lĩnh của 2 nhóm Hồi giáo này. Cho đến nay, Israel vẫn coi hành động tái chiếm các vùng lãnh thổ Palestine và ám sát các tay súng Hồi giáo vũ trang là ''các cuộc tấn công phủ đầu'' hợp pháp - đặc biệt với cái lý giống như cái mà Mỹ đã viện cớ để tán công Taliban tại Afghanistan và chế độ Saddam Hussein tại Iraq. Có thể, ông Sharon đang nắm lấy cơ hội để áp dụng nguyên tắc này đối với chính quyền Syria.

Hầu như Washington chẳng phản ứng gì trước hành động của Israel tấn công Syria vừa qua. Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Bush còn tuyên bố, Israel có quyền tự bảo vệ, song sau đó chính ông Bush lại gọi điện yêu cầu ông Sharon cố gắng tránh leo thang xung đột và tránh tạo bầu không khí căng thẳng thêm. Tại Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Mỹ John Negroponte cũng không đưa ra bình luận gì nhiều về vụ tấn công trên, song lại nói quá nhiều về ''Syria đang ở mặt trái của cuộc chiến chống khủng bố''.

Hiện trường vụ oanh tạc của không lực Israel vào lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, ông Bush cũng bày tỏ sự quan ngại ''vừa phải'' trước việc Israel xây dựng hàng rào an ninh và tiếp tục mở rộng các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây và Dải Gaza. Chính quyền ông Sharon khăng khăng cho rằng, đó đơn thuần chỉ là biện pháp an ninh. Rõ ràng, cứ mỗi lần xảy ra vụ đánh bom tự sát, sự ủng hộ của người Israel đối với kế hoạch xây dựng hàng rào an ninh ngày càng tăng. 

Hành động tấn công Syria của Israel có thể làm mâu thuẫn, có thể cả xung đột giao tranh, với các nước láng giềng. Tổng thống Syria, Bashar Assad tố cáo, Israel đang cố ý lôi kéo Syria và toàn bộ Trung Đông vào một cuộc xung đột quy mô hơn. Nguy hiểm hơn, vụ oanh tạc Syria có thể thiêu rụi hoàn toàn hy vọng mong manh về một thoả ước ngừng bắn trong khu vực như lệnh ngừng bắn hồi tháng 8 vừa qua. Các nhóm vũ trang Hồi giáo thề sẽ trả thù vụ không kích trên. Để đối phó, Israel đã triển khai ồ ạt lực lượng vào Bờ Tây và chuẩn bị tổng động viên quân dự bị.

Bất chấp những nỗ lực vãn hồi hoà bình không mệt mỏi trong suốt 30 năm qua, niềm hy vọng về một sự giàn xếp hoà bình và bền vững tại Trung Đông đều loé lên rồi lại tắt lịm. Cho đến nay, người ta có cảm giác, cứ thêm mỗi Yom Kippur dường như lại có thêm một cuộc xung đột mới.

(Trần Kiên - Theo Economist)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,