Bình Nhưỡng hôm qua (2/10) bất ngờ thú nhận rằng họ đang sử dụng chất Pluton thu được từ việc tái chế các thanh hạt nhân đã sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Đây là lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên công khai thừa nhận chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, một việc có thể sẽ kéo căng sợi dây quan hệ mong manh giữa 2 miền trên Bán đảo Triều Tiên và thổi bùng ngọn lửa bất đồng âm ỉ lâu nay giữa Bình Nhưỡng và Washington.
"CHDCND Triều Tiên đã kết thúc thành công việc xử lý 8.000 thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng," KCNA, hãng thông tấn chính thức của chính quyền miền Bắc Triều Tiên, dẫn lời một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này.
Sau khi tố cáo "chính sách thù địch" của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, bà tuyên bố Bình Nhưỡng quyết định "thay đổi mục đích sử dụng của số nguyên liệu Pluton thu được từ các thanh hạt nhân để tăng cường sức mạnh hạt nhân".
Theo các chuyên gia, sau khi được xử lý với các chất hoá học, 8.000 thanh nhiên liệu có thể cho ra một lượng Pluton đủ để sản xuất 5 hoặc 6 vũ khí hạt nhân.
Cũng trong ngày thứ năm, CHDCND Triều Tiên còn cho biết, khi cần họ có thể sẽ tái chế thêm các thanh nhiên liệu lấy từ tổ hợp hạt nhân vào loại lớn nhất của nước này là Yongbyon, cách thủ đô khoảng 90km về phía Bắc.
Các tuyên bố này càng làm tăng thêm sự nghi ngờ của giới phân tích tình báo Mỹ, rằng Bình Nhưỡng có đến 3, 4, thậm chí 6 vũ khí hạt nhân, thay vì chỉ 1 hoặc 2 như báo cáo của CIA.
Hàn Quốc ngay lập tức tỏ thái độ lo ngại trước sự công khai phát triển vũ khí hạt nhân của Chính quyền miền Bắc. "Tuyên bố mới nhất này (của CHDCND Triều Tiên) có thể cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân một cách hoà bình, phương hại tới sự phát triển trong quan hệ giữa 2 miền Nam Bắc và phá hoại không khí đối thoại," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Shin Bong-kil nói.
Trong khi Mỹ, Nhật và Trung Quốc chưa có phản ứng gì với động thái mới này, thì một số nước trong khu vực lại tỏ ra lo ngại.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa khẳng định: "Bất kỳ một bước đi nào nhằm tiến gần tới việc phổ biến hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đều là một mối quan ngại lớn đối với Indonesia". Còn Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Franklin Ebdalin nhận định rằng đó là một điều không may và sẽ khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân trở nên "khó giải quyết hơn".
Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên bùng phát từ tháng 10/2002 khi các quan chức Mỹ tuyên bố CHDCND Triều Tiên đã thừa nhận đang tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, vi phạm các công ước quốc tế. Washington và đồng minh ngay lập tức ngừng cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng. Đổi lại, Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên vũ khí hạt nhân, rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu và tái khởi động cơ sở hạt nhân lớn nhất. Cho đến nay, nhiều vòng đàm phán đã diễn để giải quyết vấn đề này, song tất cả đều không mang lại một hứa hẹn gì.
Hiện nay, 7 quốc gia trên thế giới đã có vũ khí hạt nhân, bao gồm 5 cường quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, và 2 quốc gia Nam Á là Ấn Độ và Pakistan. Có tin CHDCND Triều Tiên sẽ là nước tiếp theo tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, cũng có dư luận cho rằng Bình Nhưỡng dự định sẽ tiến hành xuất khẩu hạt nhân. Tuy nhiên, mới đây Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Choe Su-Hon, đã quyết liệt phủ nhận.
(Tiến Dũng - Theo AP, Reuters, BBC)