Người dân bán đảo Triều Tiên mong muốn một giải pháp hoà bình |
Tiếp đó, KCNA tuyên bố: ''Nếu LHQ muốn thể hiện lập trường và thái độ công bằng trong vấn đề này thì họ nên tìm hiểu tại sao CHDCND Triều Tiên phải có hành động tự bảo vệ, rút khỏi Hiệp ước hạt nhân, và đặt câu hỏi về các chính sách của Washington với Bình Nhưỡng.
Trong trường hợp Mỹ cố tình dẫn dắt sự việc tới mức xấu nhất, CHDCND Triều Tiên không còn cách lựa chọn nào khác ngoài phản ứng với lập trường cứng rắn nhất''.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Bush buộc tội CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt sau khi quốc gia này tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT).
Cuộc khủng hoảng giữa hai nước bắt đầu nổ ra vào cuối tháng 12/2002 khi Mỹ tuyên bố cắt viện trợ năng lượng cho CHDCND Triều Tiên và nước này tái vận hành nhà máy điện hạt nhân để sản xuất điện.
Quan điểm của Mỹ
Kết thúc chuyến công du con thoi tới châu Á, đặc phái viên cấp cao của Mỹ tuyên bố chưa tìm thấy sáng kiến mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Tiếp theo tuyên bố trên, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Thomas Hubbard cho biết, Chính phủ Mỹ sẵn sàng hợp tác kinh tế với CHDCND Triều Tiên bên cạnh việc viện trợ lương thực cho nước này.
Bên cạnh đề nghị về hợp tác, Mỹ khẳng định sẽ đưa ra hàng loạt lựa chọn để tiếp cận vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Khi được hỏi liệu Washington có loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại Bình Nhưỡng hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tuyên bố: ''Tất cả các khả năng sẽ được đề cập tới, song không có nghĩa Mỹ sẽ tấn công CHDCND Triều Tiên''.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Condoleezza Rice nói thêm, Washington sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
(Hoài Linh - Theo Tân Hoa xã, BBC, Reuters và AFP)