Mỹ không có ý định tấn công CHDCND Triều Tiên. Một giải pháp hoà bình thông qua kênh ngoại giao sẽ thích hợp trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố như vậy ngay sau khi LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Bình Nhưỡng chấp nhập các thanh sát viên và từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bí mật.
Trước tình hình CHDCND Triều Tiên quyết định cho vận hành lại nhà máy điện hạt nhân tại Yongbyon vốn từng bị đóng cửa từ năm 1994 theo thoả thuận với Mỹ, Washington đã tiến hành đàm phán nhiều lần với Tokyo và Seoul về vấn đề trên. Người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố, Mỹ sẽ sát cánh cùng Hàn Quốc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Hôm qua (6/1), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Kelly đã có cuộc hội đàm riêng với Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-shik và Đại diện ngoại giao Nhật Bản Mitoji Yabunaka. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Yim Sung-joon sẽ tới Washington để hội đàm với người đồng nhiệm nước chủ nhà Condoleezza Rice vào cuối tuần này.
Kế hoạch Seoul
Tuy nhiên cho đến nay, Mỹ vẫn tỏ thái độ thờ ơ trước kế hoạch giải quyết xung đột của Hàn Quốc. Các phương tiện thông tin đại chúng Hàn Quốc đưa tin, Chính phủ nước này đang cố gắng hối thúc Mỹ từ bỏ thái độ kiên quyết không đàm phán với CHDCND Triều Tiên và cung cấp dầu nặng cho nước này.
Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ phải dừng ngay các chương trình phát triển chất phóng xạ uranium và ngừng hoạt động nhà máy năng lượng nguyên tử tại Yongbyon.
Không khoan nhượng
Nếu Bình Nhưỡng không chấp nhận các thanh sát viên LHQ và ngừng ngay các chương trình phát triển vũ khí, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ đưa vấn đề này lên HĐBA. Như vậy, có nhiều khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ phải gánh chịu một lệnh trừng phát mới.
Giáo đốc IAEA Mohammed ElBaradei tuyên bố, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ ''hạn chót'' nào được đưa ra. Khoảng 35 quốc gia thành viên IAEA đã nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu Bình Nhưỡng chấp nhận các thanh sát viên LHQ và từ bỏ các chương trình vũ khí bí mật.
(Trần Kiên - Theo BBC)