Quyền lực đã được trao cho chính phủ lâm thời Iraq, sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch? Trên thực tế điều đó có ý nghĩa như thế nào? Và những câu hỏi đặt ra là gì?
Điều gì xảy ra vào ngày 28/6?
Chính quyền lâm thời liên quân
(CPA) đã chính thức chuyển giao quyền lực cho chính phủ lâm thời Iraq. Do đó, CPA sẽ ngừng hoạt động và người đứng đầu Paul Bremer sẽ trở về Mỹ. Thời kỳ chiếm đóng chính thức chấm dứt.Ai đứng đầu Chính phủ lâm thời?
Chức thủ tướng, vị trí quan trọng nhất trong chính phủ lâm thời, do Iyad Allawi - một người Hồi giáo dòng Shiite - đảm nhiệm.
Chức tổng thống do ông al-Yawer - một kỹ sư người Sunni -giữ. Hai chức phó tổng thống gồm Ibrahim Jaafari, lãnh đạo đảng Dawa của người Shiite và Rowsch Shaways, người Kurd.
Liệu chính phủ lâm thời có thực sự được điều hành?
Đây được coi là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Mỹ và Anh khẳng định, chính phủ sẽ có quyền cho dù trên thực tế đó chỉ là một chính phủ lâm thời không được phép ban hành hoặc thay đổi các luật cơ bản. Tuy nhiên, Anh và Mỹ cũng công nhận rằng, cũng khó có thể coi là có thực quyền nếu chính phủ lâm thời không có quyền yêu cầu lực lượng nước ngoài rút khỏi Iraq và không có quyền quyết định các chính sách về an ninh.
Chính phủ lâm thời có quyền gì về an ninh?
Chính phủ lâm thời có quyền yêu cầu các lực lượng nước ngoài rút khỏi Iraq. Tuy nhiên, quyền này khó có thể được áp dụng vì hầu hết các thành viên chính phủ này đều ủng hộ sự hiện diện của quân đội nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Theo bức thư trao đổi giữa Chính phủ lâm thời và liên quân, cả hai bên cam kết sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp. Chỉ được phép ngụ ý phủ quyết, chứ không được phép tuyên bố.
Điều gì xảy ra với binh sĩ Mỹ, Anh và các nước khác?
Các lực lượng trên sẽ ở lại theo đề nghị chính thức của Chính phủ lâm thời và được Hội đồng bảo an LHQ cho phép. Điều quan trọng là lực lượng nước ngoài sẽ mất vai trò chủ đạo và thay vào đó lực lượng an ninh Iraq sẽ đảm trách vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, điều đó có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào tình hình an ninh tại Iraq.
Giữa chính phủ Iraq và quân đội nước ngoài sẽ phải có một thoả thuận, như đã áp dụng tại Afghanistan và Bosnia rằng, quân đội nước ngoài sẽ được miễn trừ các luật lệ của địa phương.
Quân đội nước ngoài sẽ ở lại Iraq trong bao lâu?
Sự uỷ quyền của LHQ đối với quân đội nước ngoài trong thành phần lực lượng đa quốc gia (MNF) sẽ kết thúc vào cuối năm 2005 thời điểm Chính phủ được bầu thông qua tổng tuyển cử nhậm chức. Trên thực tế, có thể chính phủ mới sẽ yêu cầu một phần hoặc toàn bộ lực lượng ở lại.
Nghị quyết mới của LHQ sẽ ảnh hưởng thế nào tới kế hoạch chuyển giao?
Bản nghị quyết về Iraq của LHQ đã được thông qua hôm 8/6. Theo bản nghị quyết, quyền lực của chính phủ lâm thời sẽ được tăng cường. Bản nghị quyết sẽ là sự phê chuẩn quốc tế đối với kế hoạch chuyển giao.
Tại sao lại có chính phủ lâm thời và chính phủ này sẽ tồn tại trong bao lâu?
Vì, chính phủ này sẽ đảm vai trò lãnh đạo tạm thời chờ tổng tuyển cử vào tháng 12 tới hoặc tháng 1 năm sau. Người Shiite chiếm đa số không muốn có quá nhiều quyền lực trước khi diễn ra bầu cử.
Điều gì xảy ra sau chính phủ lâm thời?
Quốc hội Iraq sẽ được bầu vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau và sẽ quyết định một chính phủ chuyển tiếp có thực quyền về lập pháp.
Sau đó, bản hiến pháp mới sẽ được soạn thảo và đưa ra trưng cầu dân ý vào mùa thu năm 2005. Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào cuối năm 2005 nhằm bầu ra chính phủ mới nhậm chức vào đầu năm 2006.
Vài nét về các nhân vật lãnh đạo Iraq: Dưới đây là giới thiệu sơ lược về các thành viên trong chính phủ lâm thời Iraq đã tiếp nhận quyền lực từ toàn quyền Mỹ L. Paul Bremer trong lễ chuyển giao chiều nay (28/6). 1- Thủ tướng Iyad Allawi: Ông tiếp nhận các tài liệu liên quan tới chủ quyền Iraq với những lời cam kết khá tự tin: "Chúng tôi cảm thấy có thể kiểm soát được tình hình an ninh". Ông Allawi sinh năm 1945, và là một người Hồi giáo dòng Shiite ủng hộ Mỹ. Ông có nhiều mối quan hệ với quân đội liên quân và CIA. Cơ sở quyền lực lực của ông được thiết lập với sự góp mặt của nhiều cựu thành viên đảng Baath, cựu quân nhân và cả những tăng lữ dòng Sunni, Shiite. Vốn là một chuyên gia nghiên cứu thần kinh học, ông nhận được bằng Thạc sỹ khoa học về y khoa và học vị tiến sĩ y khoa tại Đại học London. 2- Tổng thống Ghazi Mashal Ajil al-Yawer: Ông là một thành viên xuất chúng dòng Sunni của bộ lạc Shammar - một trong những bộ lạc lớn nhất vùng Vịnh. Là một kỹ sư dân sự, ông từng theo học tại Ả rập Xê út và Đại học Georgetown, Mỹ. Chức vụ Tổng thống mà ông đang đảm nhiệm chỉ mang tính "hình thức". 3- Ngoại trưởng Hoshyar Zebari: Ông Zebari, 51 tuổi đã đi khắp thế giới để vận động dư luận quốc tế ủng hộ cho cái mà ông gọi là một nước Iraq mới, đoàn kết và dân chủ. Ông từng là một chiến binh du kích tham gia lật đổ cựu lãnh đạo Saddam Hussein. Zebari là Ngoại trưởng người Kurd đầu tiên của Iraq. 4- Bộ trưởng Quốc phòng Hazem Shaalan: Sinh năm 1947 tại Diwaniyan và là thủ lĩnh bộ lạc Ghazal. Ông từng nhận bằng cử nhân môn kinh tế và quản lý tại Đại học Baghdad năm 1972 và bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc quản lý chi nhánh Kut, Diwaniyah thuộc Ngân hàng bất động sản Iraq. Trong thời kỳ 1983-1985, ông từng đảm nhiệm vị trí Tổng thanh tra chi nhánh chính của ngân hàng tại Baghdad. Năm 1985, ông bị buộc phải rời khỏi Iraq vì chống đối chế độ và đã tìm cách thành lập một công ty bất động sản tại Anh. Kể từ tháng 4/2003, ông Shaaln trở thành tỉnh trưởng Diwaniyah. 5- Bộ trưởng Dầu mỏ Thamir Abbas Ghadban: Sinh năm 1945 tại Babylon. Ông tốt nghiệp cử nhân Địa chất tại London, giành học vị Thạc sỹ về trữ dầu tại Đại học London. Ông từng bị sa thải khỏi Bộ Dầu mỏ thời kỳ Saddam vì ủng hộ các cuộc cải cách dân chủ. 6- Bộ trưởng Nội vụ Falah Hassan al-Nakib: 48 tuổi, là một quan chức cấp tỉnh tại Tikrit. Ông là con trai của Tướng Hassan al-Naqib, cựu phó tham mưu trưởng của Saddam đào ngũ thập kỷ 1970.
|
(Trần Kiên, Huyền Trang - Theo BBC, AP)