221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
438490
Ngược đãi tù nhân có thể chấp nhận được?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Tài liệu Bộ Tư pháp Mỹ:
Ngược đãi tù nhân có thể chấp nhận được?
,

Tờ Washington Post hôm qua (14/6) đăng tải nội dung bức thư ngày 1/8/2002 của Bộ Tư pháp gửi Cố vấn pháp lý Nhà Trắng, nêu lý do sử dụng hình thức ngược đãi trong thẩm vấn nghi phạm Al-Qaeda.

Bản copy bức thư ông Gonzales gửi Bộ tư pháp Mỹ năm 2002.

Nguồn gốc

Tài liệu mang tên "Phúc đáp: Mức độ tiến hành thẩm vấn theo điều 18 U.S.C. 2340-2340A" được viết theo yêu cầu của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ(CIA). Vì muốn có thẩm quyền tiến hành những biện pháp thẩm vấn nghi phạm Al-Qaeda bị bắt ở nước ngoài mạnh mẽ hơn so với các biện pháp được cho phép từ trước khi vụ tấn công 11/9/2001 diễn ra, CIA đã yêu cầu Nhà Trắng cho chỉ đạo về mặt pháp lý. Tới lượt mình, Nhà Trắng lại tham vấn ý kiến của Phòng Cố vấn pháp lý Bộ Tư pháp (OLC) về các chuẩn mực tiến hành thẩm vấn trong khuôn khổ Công ước Geneva về cấm ngược đãi và các biện pháp đối xử dã man, vô nhân tính với tù nhân.

Phòng Cố vấn pháp lý vốn là cơ quan cố vấn của chính phủ liên bang. Những vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất thường được chính phủ chuyển cho OLC để xem xét và cho ý kiến. Sau khi nhận được câu hỏi của Nhà Trắng, OLC đã viết thư phúc đáp có chữ ký của ông Jay S. Bybee, người đứng đầu OLC lúc bấy giờ. Bức thư này được gửi trực tiếp cho ông Alberto R. Gonzalez, cố vấn pháp lý của Tổng thống Bush.

Nội dung

Trong tài liệu dài 50 trang, OLC cho rằng việc sử dụng hình thức ngược đãi đối với nghi phạm Al-Qaeda bị bắt giữ ở nước ngoài "có thể được coi là hợp lý" và rằng, các điều luật quốc tế cấm ngược đãi "có thể không phù hợp nếu đem áp dụng khi thẩm vấn nghi phạm bị bắt trong cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống Bush". Trong trường hợp một viên chức chính phủ ngược đãi nghi phạm đang bị bắt giữ, "hành động này là có thể chấp nhận nếu được tiến hành nhằm mục đích ngăn chặn những cuộc tấn công do mạng lưới Al-Qaeda tiến hành nhằm vào nước Mỹ trong tương lai". Bức thư cũng "gợi ý" với lời giải thích "biện pháp này là cần thiết và đó là hành động tự vệ", người thực hiện hành động có thể xoá bỏ mọi trách nhiệm pháp lý về sau.

Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld đã phê chuẩn 24 phương pháp thẩm vấn tại Guantanamo.

Tài liệu trên dường như đi ngược lại giả định đưa ra từ trước vụ 11/9/2001 rằng, các viên chức trong chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ được phép ngược đãi tù nhân.

Bên cạnh đó, trong thư gửi cho ông Gonzales, OLC định nghĩa "ngược đãi" theo một phạm trù hẹp hơn so với định nghĩa của quân đội Mỹ rất nhiều. OLC cho rằng việc tạo ra thương tích nhẹ hoặc ở mức trung bình cho tù nhân không nhất thiết bị coi là hành động ngược đãi. Tài liệu viết, "ngược đãi phải là hành động gây ra thương tích nặng trên cơ thể phạm nhân, ví dụ như làm hỏng một bộ phận nào đó hoặc khiến cơ thể không hoạt động bình thường, thậm chí gây tử vong". Ngược lại, quân đội Mỹ lại cấm mọi hành động gây thương tích bằng chất hoá học hoặc bằng cách giam hãm, cấm việc ép tù nhân đứng, ngồi hoặc quỳ trong những tư thế không bình thường trong thời gian dài và cấm bỏ đói tù nhân. Về lĩnh vực ngược đãi tinh thần, quân đội Mỹ cấm mọi hình thức lăng mạ, chế giễu; bắt tù nhân thức trắng.

Cố vấn pháp lý Nhà Trắng Alberto Gonzales.

Cũng trong tài liệu năm 2002, OLC đã cung cấp chỉ dẫn cho CIA về các biện pháp thẩm vấn "mạnh mẽ" nhưng lại không "rơi vào" phạm trù ngược đãi. Tài liệu nêu ra 7 phương pháp thẩm vấn có thể bị coi là "ngược đãi" để CIA tránh, bao gồm: đánh đập bằng dùi cui và gậy, đe doạ giết chết, dí thuốc lá đang cháy vào người phạm nhân, dí điện vào bộ phận sinh dục ngoài, cưỡng hiếp hoặc xâm hại tình dục, buộc tù nhân chứng kiến cảnh ngược đãi của bạn tù.

Còn đối với những hành động chỉ đơn giản gây suy nhược tinh thần, thì sự suy nhược ấy phải gây ra tổn thương về mặt thể xác trong thời gian dài, nhiều tháng thậm chí nhiều năm mới bị coi là ngược đãi. Một nhân viên thẩm vấn nếu "gây ra tổn thương về tinh thần" cho phạm nhân có thể nghiên cứu tài liệu chuyên ngành, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc cân nhắc bằng chứng thu được trong quá khứ để chứng tỏ anh ta không "cố ý gây ra tổn thương", và do đó sẽ không bị coi là ngược đãi.

Báo cáo năm 2003

Cách lập luận trong bức thư của OLC năm 2002 về việc đối xử với tù nhân Al-Qaeda bị CIA giam giữ đã được sử dụng trong một báo cáo do Lầu Năm Góc đưa ra tháng 3/2003 sau khi đánh giá các quy định thẩm vấn đang được sử dụng tại Trại giam Guantanamo, Cuba.

Tù nhân tại Guantanamo.

Báo cáo này được tiến hành bởi một nhóm công tác gồm đại diện các đơn vị quân đội, Hội đồng tham mưu và giới tình báo, có tham khảo ý kiến của các chuyên gia Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan khác. Mục đích của báo cáo là nhằm cung cấp một cơ sở pháp lý cho "những cuộc thẩm vấn ngoại lệ".

Trong dự thảo báo cáo, các chuyên gia Lầu Năm Góc đã trích lại "quan điểm của Bộ Tư pháp năm 2002" rằng các điều luật trong nước và quốc tế về cấm ngược đãi có thể "xếp sau" quyền lực của Tổng thống trong thời chiến và bất kỳ mệnh lệnh nào Tổng thống đưa ra. Vào thời điểm đó, cách lập luận trên đã thực sự gây sốc đối với một số luật sư thuộc Bộ Quốc phòng vì nó hoàn toàn ngược với điều luật năm 1994 cấm nhân viên quân sự Mỹ ngược đãi tù nhân ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Phản ứng

Ngay sau khi 2 tài liệu được tiết lộ, các quan chức trong chính quyền Bush đã thẳng thừng tuyên bố Mỹ vẫn luôn tuân thủ các công ước quốc tế về cấm ngược đãi và nhấn mạnh tù nhân tại Guantanamo cũng như các nơi khác đều được đối xử với tinh thần nhân đạo trừ trường hợp tại Abu Ghraib.

Các phần tử khủng bố Al-Qaeda.

Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền cho rằng cách lập luận của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ "vẽ ra" cách trốn tránh trách nhiệm giải trình trước những vụ ngược đãi và phá bỏ nguyên tắc lâu năm của quân đội Mỹ về việc thẩm vấn phạm nhân. Đáp lại, người phát ngôn Bộ tư pháp Mark Corallo cho rằng: "Bộ Tư pháp không có bình luận gì về việc bộ đã đưa ra lời khuyên để các ngành chức năng tham khảo. Chính sách của Mỹ là việc đối xử với tù nhân phải tuân thủ luật pháp - bao gồm Hiến pháp, các điều luật và hiệp ước liên bang". Hiện CIA vẫn từ chối bình luận về vấn đề này.

Giải thích về bản báo cáo năm 2003, các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng nhóm soạn thảo đã kiểm tra ít nhất 35 phương pháp thẩm vấn và đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld sau đó đã phê chuẩn 24 phương pháp trong số này trong chỉ thị mật ngày 16/4/2003 để áp dụng tại Guantanamo. Lầu Năm Góc hiện vẫn từ chối công bố 24 phương pháp thẩm vấn trên.

  • Tân Huyền - (Tổng hợp) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,