Mặc dù đã được cử làm Tổng thống và Thủ tướng trong chính quyền lâm thời Iraq, nhưng cả hai ông al-Yawer và Iyad Allawi đều không được người dân Iraq đánh giá cao.
Quá chán chường với nhân tình thế thái, người dân Iraq
giờ đây luôn thể hiện thái độ hết sức mỉa mai, châm biếm, thậm chí nhạo báng, trước bất kỳ cuộc đàm đạo nào về chính trị và kinh tế của đất nước. Liệu có nực cười không khi một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới mà người dân phải xếp thành hàng dài chờ mua xăng dầu? Liệu có nực cười không khi người Mỹ lên án mạnh mẽ chế độ Saddam Hussein tra tấn tù nhân lại chính là những kẻ ngược đãi tù nhân Iraq tại địa ngục trần gian Abu Ghraib? Những sự ngược đời như thế còn nhiều.Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi những cuộc thảo luận về sự bổ nhiệm thành viên chính phủ lâm thời Iraq, đặc biệt là hai ghế Thủ tướng và Tổng thống, đều được người dân ở đây coi là nực cười: hai vị được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước ngay mới cách đây ít ngày vẫn bị xếp cuối danh sách các nhà lãnh đạo tiềm năng.
Đôi nét về Adnan Pachachi |
Adnan Pachachi sinh ngày 14/5/1923 tại Baghdad trong một gia đình Hồi giáo dòng Sunni quyền quý gắn liền với nền chính trị Iraq. Cha, chú và bố vợ của Adnan Pachachi đều đã từng giữ chức Thủ tướng Iraq. Hiện, Adnan Pachachi là thành viên của Hội đồng điều hành Iraq. Adnan Pachachi đã giữ chức ngoại trưởng Iraq dưới thời của các tổng thống Abdul Salam Arif và Abdul Rahman Arif trong giai đoạn 1965-67. Ông này còn làm đại diện thường trực của Iraq tại Liên Hợp quốc trong hai nhiệm kỳ 1959-65 và 1967-68. Sau 23 năm sống lưu vong tại Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất từ năm 1971, Adnan Pachachi trở về Iraq hồi tháng 5/2003 và được chỉ định làm thành viên Hội đồng điều hành Iraq. |
Hồi tháng 5 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu chiến lược Iraq (ICRSS) tiến hành xếp hạng 17 nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị hàng đầu Iraq. Kết quả, ông Iyad Allawi, vị Thủ tướng lâm thời Iraq mới được bổ nhiệm, chỉ xếp thứ 16. Ghazi al-Yawer, người mới được chỉ định giữ chức Tổng thống chính phủ lâm thời lại còn đứng sau nữa. Trớ trêu đến thế là cùng.
Kết quả thăm dò của ICRSS cho thấy, nhà lãnh đạo được dân chúng ủng hộ nhất chính là giáo sĩ dòng Shiite Grand Ayatollah Ali Sistani. Kế đến là Ibrahim al-Jaafari, lãnh đạo đảng Dawa của người Shiite, người mới được bổ nhiệm giữ một trong hai ghế Phó Tổng thống. Trong khi đó, ông Adnan Pachachi, chính khách lão thành dòng Sunni đã thẳng thừng từ chối chức Tổng thống.
Tất cả cho thấy, kết quả bổ nhiệm hai chức đứng đầu chính phủ lâm thời Iraq hầu như không hợp với lòng dân Iraq. Đây không phải là điều mới mẻ hay bất ngờ gì: một cuộc thăm dò hồi tháng 9 năm ngoái cũng cho kết quả tương tự, ông Allawi xếp thứ 10/25, còn ông al-Yawer là 18/25.
Tại sao người Iraq không có thiện cảm với Allawi? Sadoun al-Dulame, Giám đốc điều hành ICRSS, tổ chức đã tiến hành thăm dò dư luận đã chỉ ra
Ông Adnan Pachachi. |
Đôi nét về Ghazi Mashal Ajil al-Yawer |
Ghazi Mashal Ajil al-Yawer, 45 tuổi, là thành viên của Hội đồng điều hành Iraq. Ông này là người Hồi giáo dòng Sunni và là tộc trưởng tại thành phố miền Bắc Mosul. Al-Yawer từng học tại Đại học Georgetown tại Washington chuyên ngành cơ khí. Ghazi Mashal Ajil al-Yawer giữ chức phó chủ tịch tập đoàn Công nghệ Hicap tại Ảrập Xêút trong suốt 2 thập kỷ qua. Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên tạp chí al-Sharq al-Awsat có trụ sở tại London, Ghazi Mashal Ajil al-Yawer tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận chức Tổng thống Iraq nếu được trao quyền lực thực sự. |
Còn al-Yawer? phần lớn người Iraq chẳng biết nhiều về ông này. Bằng chứng hiển minh là al-Yawer xếp thứ bét trong bảng xếp hạng nói trên. Gần 1/3 số người được hỏi đều nói, họ chẳng biết gì về al-Yawer để có ý kiến. Ông al-Dulame nhận xét: ''Ông ta là một nhân vật không gây tranh cãi. Ông ta chưa từng là một phần trong hệ thống chính trị Iraq và ông ta chưa từng là thành phần chống đối dưới thời Saddam''.
Với nhiệm vụ sắp tới, Allawi chắc chắn sẽ gặp rắc rối vì không được lòng dân. Một số nhà bình luận cho rằng, điều nguy hiểm ở chỗ toàn bộ chính quyền của ông ta có thể bị huỷ hoại. Phát ngôn viên Hiệp hội các học giả Hồi giáo, Mohammed Basher al-Faidi cho biết: ''Sự lựa chọn Allawi có nghĩa là bước đi đầu tiên hướng tới ngày 30/6 đã bị lạc đường. Một khi bước đầu tiên bị nhầm thì cả cuộc hành trình sẽ chuyển sang hướng khác đầy khó khăn''.
Với sự dính líu đến CIA, Allawi chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận được với các đảng phái, đặc biệt là của al-Faidi. al-Faidi tuyên bố: ''Chúng tôi có thể cho lời khuyên nếu ông ta thỉnh cầu. Nhưng chúng tôi không bắt tay với ông ta. Người dân Iraq sẽ coi chúng tôi là kẻ phản bội nếu chúng tôi làm như vậy''.
Tuy nhiên, một số người Iraq tỏ ra thờ ơ về chính phủ mới. ''Tôi chẳng quan tâm tới ai là ông chủ của họ, CIA, Ảrập, Iran - miễn là họ chặn được các cuộc đánh bom đẫm máu hàng ngày và tạo công ăn việc làm cho mọi người. Tôi sẽ tha thứ cho họ mọi thứ nếu họ làm cho cuộc sống của tôi khá hơn'', Assad Faazi, một người đang thất nghiệp ở Baghdad, cho biết như vậy.
-
Trần Kiên - Tổng hợp