Ngoài 7 người đã bị buộc tội còn hàng chục lính Mỹ khác dính líu tới vụ ngược đãi tù nhân Iraq, song Bộ Lục quân đã cố tình che đậy, một nhân viên tình báo tiết lộ.
Samuel Provance, 30 tuổi, thuộc Tiểu đoàn Tình báo quân đội 302 từng phục vụ tại Iraq. Hiện tại anh đang làm nhiệm vụ ở Đức. Provance là nhân chứng quan trọng trong quá trình điều tra vụ lính Mỹ ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib. Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin ABCNews mới đây, Provance nói: "Rõ ràng có sự giấu giếm ở đây. Mọi người chỉ có thể tự nói với bản thân hoặc phải im lặng. Điều làm tôi thực sự ngạc nhiên là một sự im lặng tập thể, sự im lặng của những người có liên quan".
Provance đồng ý trả lời phỏng vấn bất chấp lệnh cấm của các sĩ quan cấp trên.
Tiết lộ
Provance từng là người điều khiển một hệ thống vi tính tối mật mà các nhân viên tình báo quân đội sử dụng tại Abu Ghraib. Theo lời nhân viên này, dù anh không tận mắt thấy hành động ngược đãi, song những người tham gia thẩm vấn cùng làm việc với anh đã công khai thừa nhận họ "chỉ đạo" cho binh sĩ thuộc Nhóm quân cảnh 372 tiến hành ngược đãi tù nhân. "Tất cả những việc mà binh sĩ quân cảnh làm đều phải tuân thủ theo nguyên tắc, nếu có hành động trái nguyên tắc, đó là do họ nhận lệnh từ sĩ quan thẩm vấn".
Mặc dù nhiều quan chức hàng đầu trong quân đội Mỹ tuyên bố cảnh ngược đãi trong mấy bức hình ở nhà tù Abu Ghraib chỉ là do một vài binh sĩ quân cảnh thực hiện, song Provance cho rằng, lúc đầu việc xâm phạm tình dục tù nhân chính là biện pháp mà các nhân viên thẩm vấn thuộc tình báo quân đội yêu cầu.
"Một sĩ quan thẩm vấn kể với tôi về việc tù nhân thường xuyên bị lột trần truồng và đôi khi còn phải mặc đồ lót của phụ nữ. Nếu nhiệm vụ của những người đó là lột truồng tù nhân, hét vào mặt họ, xỉ nhục họ thì rõ ràng, khả năng người ta "đi quá xa" rất dễ xảy ra", Provance nói.
Theo lời Provance, các biện pháp ngược đãi tù nhân tại Abu Ghraib bao gồm việc lính Mỹ đấm vào vùng cổ khiến phạm nhân gục ngã. Quản giáo sau đó sẽ tới gần phạm nhân tiếp theo, người đang vô cùng sợ hãi và kêu gào, rồi xoa dịu anh ta và nói: "Chúng tôi sẽ không làm thế nữa. Đủ rồi. Mọi việc sẽ ổn", nhưng lại bất ngờ hành động y như vậy đối với anh ta.
Trong cuộc phỏng vấn, Provance cũng miêu tả một vụ hai sĩ quan thẩm vấn bị say đã đưa một tù nhân nữ khỏi buồng giam vào lúc nửa đêm và lột áo của cô. Nhưng may mắn là một binh sĩ quân cảnh đã kịp thời ngăn chặn.
Cuộc điều tra "nghiêm túc"
Thiếu tướng George Fay, Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ phụ trách tình báo được Lầu Năm góc chỉ định điều tra vai trò của tình báo quân đội trong vụ ngược đãi tù nhân.
Tướng Fay bắt đầu cuộc điều tra của mình ngày 23/4, song Provance cho biết, khi ông Fay hỏi chuyện anh, ông dường như chỉ chú ý tới nhóm quân cảnh mà không hề để tâm tới những sĩ quan thẩm vấn. Provance còn có cảm giác Tướng Fay không hề khuyến khích anh điều trần.
Theo lời Provance, ông Fay đe doạ xử lý anh vì đã không báo cáo điều anh thấy sớm hơn khiến cho anh cảm thấy sợ sẽ bị "tẩy chay" nếu nói ra sự thật. "Tôi có cảm giác tôi đang bị trừng phạt vì nói thật. Và cũng như những người khác, tôi nói "không nghe thấy gì, không biết gì hết, không hiểu ngài đang nói gì".
Phản ứng trước phát biểu của Provance, các quan chức Bộ Lục quân nói "Việc thường làm khi điều trần là khuyên nhân viên quân sự đang bị điều tra không nên bình luận gì". Tuy nhiên, những người này nhấn mạnh, ông Fay có trách nhiệm tiến hành một cuộc điều tra trung thực, sâu sắc về việc xảy ra tại nhà tù Abu Ghraib.
Ngày 19/5, Thượng viện Mỹ nghe điều trần của Tướng John Abizaid, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Trung tâm; Trung tướng Ricardo S. Sanchez, Tư lệnh chiến trường tại Iraq và Thiếu tướng Geoffrey Miller, Phó Tư lệnh phụ trách hệ thống nhà tù Iraq.
Đây là phiên điều trần thứ 3 của Thượng viện về vụ scandal này. Trước đó một ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz đã phát biểu trước Thượng viện rằng Lầu Năm Góc đã có một số sai lầm khi đánh giá về Iraq.
Diễn biến vụ ngược đãi tù nhân Iraq |
|
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)