Joseph Darby, 24 tuổi, binh sĩ thuộc Nhóm Quân cảnh số 372 chính là người lén bỏ một bức thư nặc danh trước cửa phòng làm việc của sĩ quan chỉ huy. Trong thư, Darby miêu tả về những hành động ngược đãi và đề cập tới các bức ảnh mà anh được xem.
Theo lời một nhân viên tham gia điều tra tại Bộ Lục quân Mỹ, Darby cảm thấy rất "phân vân" về những gì mà anh chứng kiến và rõ ràng, anh biết đó là điều hoàn toàn sai trái. Cuối cùng, Darby đã lên tiếng tự nhận anh chính là người đã gửi thư nặc danh.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 7/5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã đề cập tới hành động "dũng cảm" của Darby. "Có nhiều binh sĩ làm nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp. Phải kể đến như Joseph Darby, người đã cảnh báo các sĩ quan cấp cao về vụ ngược đãi".
Còn các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng một tội ác ghê gớm như vậy chỉ có thể bị đưa ra ánh sáng nếu ai đó có can đảm nói lên sự thật.
Bảo vệ niềm tin
Darby lớn lên tại thị trấn Jenners, phía tây bang Pennsylvania. Gia đình anh chuyển tới vùng đất này vào đầu những năm 1990. Tại đây, các thành viên trong gia đình Darby phải trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn để vật lộn với cuộc sống. Cha dượng của anh bị liệt sau một tai nạn lao động. Mẹ phải ở nhà để chăm sóc người em trai còn nhỏ nên tài chính rất eo hẹp. Bà từng bị ung thư, đã mất một mắt và hiện đang bị bệnh tiểu đường hành hạ.
Lynndie England - nữ binh sĩ thuộc Nhóm quân cảnh 372 có mặt trong các bức hình ngược đãi tù nhân Iraq. |
Cả thời thơ ấu, Darby phải vừa học vừa làm. Bob Ewing, giáo viên dạy môn sử và là huấn luyện viên trường North Star High, nơi Darby học đã nhận xét về anh: "Ở trường, nếu Joe tin vào điều gì đó, anh ta sẽ bảo vệ đến cùng bất chấp điều đó không được nhiều người đồng ý".
Sau khi học hết trung học, Darby đăng ký theo học khoá lâm nghiệp tại Somerset County Vocational và trường Cao đẳng Kỹ thuật. Sau khi lập gia đình, anh chuyển tới bang Virginia và làm thợ cơ khí tự động trước khi gia nhập quân đội. Darby nghĩ rằng quân đội có thể sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho anh, thậm chí quân đội sẽ trả chi phí để anh học cao đẳng. Rồi cũng giống nhiều binh sĩ khác, Darby được điều tới Iraq.
Niềm tự hào của người thân
Sau khi hình của Darby được đăng tải trên báo chí, bạn bè, người thân và cả những hàng xóm cũ của Darby đều cho biết họ rất tự hào về anh. "Có rất nhiều tội ác ở khắp nơi trên thế giới và phải có ai đó chặn đứng chúng lại. Joe đã làm đúng phận sự của mình", Gilbert Reffner, 50 tuổi, hàng xóm của Darby tại Jenners nói. Ông Reffner nhớ lại Darby từng là người rất lễ phép và dù gia đình không dư dả song Darby đã được nuôi dạy tốt và biết phân biệt phải - trái.
Bà Margaret Blank, mẹ của Darby kể lại: "Đó là một việc làm rất khó khăn đối với con tôi. Nó không muốn phản bội đồng đội của mình. Nhưng nó không thể chịu đựng được những hành động tội ác. Nó nói với tôi nó đã suy nghĩ rất lâu và tự hỏi "Điều gì sẽ xảy ra nếu đó là mẹ mình, bà mình, anh trai mình hay vợ mình? Rồi tôi an ủi nó: "Mẹ rất tự hào về con vì con đã làm một việc đúng đắn và điều thiện luôn chiến thắng tội ác".
Còn em dâu của Darby, cô Maxine Carroll tâm sự gia đình rất lo sợ có ai đó sẽ nghĩ rằng quyết định tố cáo đồng đội của Darby là sự "phản bội", họ không nghĩ đó là hành động anh hùng, nhất là những binh sĩ thuộc Nhóm quân cảnh 372 đóng tại Cresaptown, bang Maryland. Theo lời Carroll, anh chồng của cô không nhận thấy rằng anh có thể đã "thay đổi một giai đoạn lịch sử" khi lên tiếng báo động về tình trạng ngược đãi tù nhân tại Iraq.
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)