221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
287586
"Halliburton và lính Mỹ ngược đãi chúng tôi"
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Công nhân Ấn Độ:
'Halliburton và lính Mỹ ngược đãi chúng tôi'
,

Trong tuần qua, báo chí Ấn Độ đồng loạt đưa tin, rất nhiều công nhân nghèo bị lừa sang Iraq để dọn vệ sinh và làm việc như nô lệ cho lính Mỹ, những kẻ thường xuyên dọa đánh họ.

Một công nhân Ấn Độ tả lại cách đối xử của lính Mỹ.

"Miền đất hứa"

Hè năm ngoái, anh em nhà Aziz tưởng đã tìm được cơ hội "ngàn năm có một" khi một "cò" môi giới hứa sẽ tìm cho họ việc làm trong một căn cứ quân sự của Mỹ ở Kuwait. Để được làm công việc giết mổ gia súc và gia cầm với mức lương 385 USD/tháng, hai anh em phải cầm nhà và đất, bán đồ trang sức của gia đình và vay mượn hàng xóm để kiếm đủ 3.600 USD nộp cho "cò". Tháng 8/2003, cùng hai người bạn nữa, họ hồ hởi sang vùng Vịnh, nơi hơn 3 triệu người Ấn Độ đang chăm chỉ đi làm thuê để nuôi cả gia đình ở quê và cố gắng đổi đời.

Nhưng những gì xảy ra lại khác hoàn toàn sự trông đợi của anh em nhà Abdul Aziz. Khi may mắn trở về, câu chuyện họ kể trở thành những bài viết đăng trên trang nhất của báo chí Ấn Độ với những tiêu đề như "Người Ấn Độ bị ngược đãi ở Iraq" hay "Những trại nô lệ của Mỹ". Phản ứng dữ dội của dư luận và chính phủ nước này đã buộc chính quyền Mỹ phải hứa sẽ điều tra cho ra nhẽ.

Vỡ mộng

Sau khi đặt chân đến Kuwait, họ và nhiều người khác bị tịch thu hộ chiếu rồi bị nhét vào một chiếc xe tải xuyên qua sa mạc nóng nực trong suốt 1 ngày 1 đêm. Ra khỏi xe, anh bạn Fasil Aliyarukunju hỏi một người dân địa phương và nhận được câu trả lời thật bất ngờ: "Anh đang ở Iraq". Họ được đưa tới một căn cứ quân sự của Mỹ ở miền bắc Iraq để làm việc cho một nhà thầu phụ của công ty Kellogg, Brown Root - một công ty con của Halliburton. Fasil cho biết, hơn 20 người Ấn Độ trên xe phản đối và đòi về, nhưng người Mỹ nói rằng, họ đã trả tiền nhiều tiền để tuyển dụng nên các công nhân phải làm việc cho họ. Nhân viên giám sát thông báo họ phải ở đây trong 6 tháng và không được bỏ việc.

Cùng với 200 người làm công Ấn Độ, Philippines và Sri Lanka, 2 anh em nhà Aziz phải rửa bát, giặt quần áo và cọ bồn cầu cho lính Mỹ. Họ làm việc 18 tiếng mỗi ngày, gấp đôi về thời gian nhưng chỉ được nhận 150 USD/tháng, không bằng một nửa số tiền được hứa. Đầu bếp người Ấn Độ còn bắt 2 anh em, những người theo đạo Hồi thái và nấu thịt lợn ngay trong tháng ăn chay Ramadan. Người em Shahjahan nhớ lại: "Chúng tôi bị rơi vào địa ngục... Tôi nói với vợ qua điện thoại: 'Nếu ông trời còn thương, chúng mình sẽ được gặp lại nhau".

Sự ngược đãi của lính Mỹ

Fasil Aliyarukunju và Abdul Aziz Shajahan cho biết, những người làm trong bếp thường xuyên bị lính Mỹ lăng mạ và dọa đánh. Họ vỗ vỗ súng và dọa những người làm công "sẽ phải chịu hậu quả" nếu bỏ việc. Tại doanh trại Q-West, nơi Shajahan làm việc, lính Mỹ đã bắn chết một con chó hoang khi đang điều đình với các công nhân đang đình công đòi tiền làm thêm giờ. Shajahan kể lại: "Khi họ bắn con chó, tôi thấy như mình cũng có thể bị bắn chết như nó". Còn Fasil cho biết: "Họ không đánh đập chúng tôi, nhưng sự hành hạ về tâm lý còn tồi tệ hơn... Tôi không muốn chuyện này tái diễn với người khác". Một người khác nhớ lại: "Chúng tôi như những nô lệ của người Mỹ".

Trở về

Trước sức ép của công nhân, Kellogg, Brown Root buộc phải đưa những người khác đến thay thế và để họ đi xe đến biên giới với Jordan mà không có ai bảo vệ. Tại đây, Fasil bị người Iraq đánh đập vì đã làm việc cho Mỹ.

Câu chuyện của họ nhanh chóng trở thành các bài viết trên trang nhất của báo chí Ấn Độ đúng vào lúc những bức ảnh lính Mỹ tra tấn và hành hạ tù nhân Iraq đang là điểm nóng của dư luận. 2 anh em nhà Abdul Aziz, Fasil và những người khác chỉ là một số nhỏ trong số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân nghèo Ấn Độ và các nước đang phát triển đến vùng Vịnh làm thuê cho các tập đoàn lớn của Mỹ và các nhà thầu phụ.

Halliburton và các nhà thầu phụ tuyên bố họ không ngược đãi các nhân công Ấn Độ, nhưng chính phủ và người dân Ấn Độ cũng ngay lập tức có phản ứng. Lực lượng cảnh sát đang truy tìm tên "cò" đã lừa những công nhân nghèo đáng thương. Chính quyền bang Kerala yêu cầu chính phủ tìm cách đưa những công nhân bị lừa về nước. Còn các quan chức Ấn Độ thì tuyên bố, không có chuyện nước này gửi quân sang Iraq. Chính phủ Ấn Độ yêu cầu Mỹ phải điều tra về việc các nhà thầu và lính Mỹ lừa đối và ngược đãi công dân Ấn Độ; đồng thời, yêu cầu phía Mỹ phải đưa ra số liệu cụ thể về số người Ấn Độ đang làm việc tại Iraq cũng như tình trạng của họ hiện nay. Hai tuần trước, 2 công dân Ấn Độ đã chết tại đây.

(Đ.H - tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,