221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
286621
Lần theo vụ ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Lần theo vụ ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib
,
Từ hai tuần trở lại đây, người ta được nghe nhắc nhiều tới nhà tù Abu Ghraib tại Iraq, nơi tù nhân bị coi là "trò tiêu khiển" cho một số quản giáo Mỹ. Sự thật vụ này ra sao?

Nhà tù Abu Ghraib

Nằm cách Thủ đô Baghdad khoảng 32 km về phía tây, Abu Ghraib từng được coi là một trong những nhà tù "tai tiếng" nhất thế giới.

Nhà tù Abu Ghraib - nơi giam giữ hơn 4000 tù nhân ở ngoại ô Baghdad.

Nhà tù này được các nhà thầu Anh xây dựng vào những năm 1960 trên một diện tích rộng 112 ha với một vành đai an ninh dài 4 km và 24 chốt gác bảo vệ. Hiện Abu Ghraib có 5 khu giam giữ tách biệt, mỗi khu có tháp canh và tường cao bao quanh. Khu giam giữ tù nhân chính trị tại Abu Ghraib được phân chia thành 2 phần: khu "mở" và khu "đóng". Những phòng tại khu "đóng" được dùng để giam giữ tù nhân dòng Shiite. Trong khi đó khu "mở" giam giữ các tù nhân kể cả bị tình nghi và thực sự phạm tội. Người nhà tù nhân tại khu "đóng" không được phép vào thăm.

Đã có lúc, người ta tống khoảng 50.000 tù nhân cả đàn ông và phụ nữ vào đây, giam giữ họ trong những gian phòng chỉ rộng khoảng 3,5m2. Trong thời kỳ Saddam, quản lý nhà tù Abu Ghraib là Saddam Kamal, người đứng đầu Cơ quan an ninh đặc biệt Iraq từng ra lệnh tra tấn và hành quyết hàng nghìn tù chính trị. Theo thống kê, năm 1984, khoảng 4.000 tù nhân bị tử hình trong nhà tù. Tháng 2-3/2000, ít nhất 122 tù nhân nam bị xử tử tại đây. Và tháng 10/2001, thêm 23 tù chính trị cũng bị hành quyết.

Sau khi chế độ Saddam sụp đổ, khu nhà rộng lớn này bị bỏ hoang. Tất cả những gì có thể tháo dỡ được tại đây như cửa ra vào, cửa sổ và kể cả gạch đều bị người ta mang đi. Liên quân do Mỹ lãnh đạo đã làm lại sàn nhà, sửa chữa và dọn dẹp các phòng giam, toilet, vòi tắm và xây thêm một khu y tế mới tại nhà tù. Abu Ghraib đã thực sự trở thành một nhà tù của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các phạm nhân tại đây đều là dân thường, thậm chí nhiều người trong số họ bị bắt trong những đợt càn quét "chớp nhoáng" của quân đội và tại các trạm kiểm soát nằm trên đường cao tốc. Tù nhân tại Abu Ghraib chia thành 3 nhóm: tội phạm thông thường; nghi phạm gây ra các vụ tấn công nhằm vào liên quân; và một số ít các phần tử "lãnh đạo" lực lượng nổi dậy.

Sự lơ là của người quản lý

Tháng 6 năm ngoái, Janis Karpinski, một Chuẩn tướng thuộc lực lượng dự phòng Bộ Lục quân Mỹ được bổ nhiệm chỉ huy Lữ đoàn Quân cảnh 800 đồng thời cai quản các nhà tù quân đội tại Iraq. Là vị tư lệnh nữ duy nhất trong vùng chiến, Chuẩn tướng Karpinski có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ huy chiến dịch và hoạt động tình báo thời kì chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, song bà chưa bao giờ có kinh nghiệm quản lý một hệ thống nhà tù. Giờ đây, bà lại chịu trách nhiệm trước 3 nhà tù rộng lớn, 8 tiểu đoàn và 3.400 lính dự bị thuộc Lục quân Mỹ, phần lớn trong số họ, cũng giống như bà, đều không được huấn luyện "nghiệp vụ" canh giữ tù nhân.

Những sai phạm của cai tù ở Iraq

- Dùng súng đã lên đạn đe doạ tù nhân;
- Dùng nước lạnh đổ lên người tù nhân không mảnh vài che thân;
- Dùng chổi và ghế đánh tù nhân;
- Đe doạ cưỡng hiếp tù nhân nam;
- Ép buộc tù nhân thực hiện các tư thế sinh hoạt tình dục để chụp ảnh;
- Bắt tù nhân trần truồng nằm chất đống và dẫm đạp lên.

(Trích báo cáo của Thiếu tướng Antonio Taguba về sai phạm trong nhà tù Abu Ghraib)

Tướng Karpinski, từng mơ ước sẽ trở thành một người lính khi mới lên 5, tỏ ra rất nhiệt tình trước nhiệm vụ mới. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Thời báo St. Petersburg tháng 12 năm ngoái, bà Karpinski cho biết đối với nhiều phạm nhân tại nhà tù Abu Ghraib, "điều kiện sống giờ còn tốt hơn ở nhà họ. Một điều khiến chúng tôi lo ngại là họ sẽ không muốn về nhà sau khi đã mãn hạn tù".

Chỉ một tháng sau đó, Tướng Karpinski chính thức bị khiển trách và đình chỉ công tác. Một cuộc điều tra quy mô lớn về hệ thống nhà tù của quân đội Mỹ tại Iraq do Trung tướng Ricardo S. Sanchez đứng đầu đã được tiến hành. Đến cuối tháng 2, một bản báo cáo dài 53 trang do Thiếu tướng Antonio M. Taguba viết đã được gửi cho tờ "Người New York" trong đó nêu rõ những sai lầm mang tính liên ngành đang xảy ra ngày càng nhiều tại hệ thống nhà tù quân đội.

Đặc biệt, trong báo cáo của mình, Thiếu tướng Taguba cho biết trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2003, có rất nhiều trường hợp tù nhân bị "đánh đập, ngược đãi và lạm dụng tình dục" tại nhà tù Abu Ghraib. Người gây ra những sai phạm này đều là binh sĩ thuộc Nhóm quân cảnh số 372 và các nhân viên của nhiều cơ quan tình báo Mỹ.

Một hình ảnh tra tấn tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib.

Sự việc xảy ra tại hệ thống nhà tù quân đội Mỹ ở Iraq đều được báo cáo với các tư lệnh chỉ huy cấp cao. Trong suốt thời gian 7 tháng Chuẩn tướng Karpinski nhận nhiệm vụ quản lý nhà tù tại Iraq, bà nhận được ít nhất hơn 10 báo cáo chính thức về các vụ trốn tù, âm mưu trốn tù và một số vấn đề an ninh nghiêm trọng khác mà những sĩ quan của Lữ đoàn Quân cảnh 800 đã điều tra. Một số vụ đã dẫn tới cái chết của nhiều tù nhân và sau đó là  hàng loạt buổi "rút kinh nghiệm" trong nội bộ Lữ đoàn số 800. Chính Chuẩn tướng Karpinski đã chấp thuận những báo cáo này và ký lệnh cải tổ quản lý phạm nhân. Tuy nhiên, Thiếu tướng Taguba phát hiện rằng bà đã không thực hiện những gì đã ký. "Nếu bà tiến hành các cải tổ, đã không xảy ra những trường hợp ngược đãi như vậy".

Bên cạnh đó, trong báo cáo của mình, Thiếu tướng Taguba còn cho biết nhà tù Abu Ghraib đã bị "quá tải" trong khi số lượng quản giáo thuộc Lữ đoàn quân cảnh không đủ so với "nhu cầu". "Chính sự thiếu cân bằng này đã dẫn tới điều kiện sống kém chất lượng, những vụ trốn tù và thiếu trách nhiệm giải trình". Hơn nữa, Chuẩn tướng Karpinski hiếm khi thấy xuất hiện ở các nhà giam do bà chịu trách nhiệm quản lý. Thiếu tướng Taguba phát hiện ra một loạt sai phạm mang tính hành chính xảy ra tại nhà từ Abu Ghraib như "quản giáo không được huấn luyện và chuẩn bị tốt trước khi làm nhiệm vụ".

Phản ứng dư luận

Trên thực tế, rất nhiều trong số 4.300 tù nhân đang bị giam giữ tại nhà tù Abu Ghraib là những người vô tội. Họ bị bắt giữ mà không hề được xét xử và được trả tự do trong vòng 3 tháng kèm theo 10 USD tiền tiêu tạm khi ra tù. Còn lại nhiều người khác bị buộc tội nổi dậy và bị giam giữ lâu hơn. Những người này phải trải qua quá trình thẩm vấn, tra tấn và thậm chí bị xỉ nhục.

Thiếu tướng Geoffrey Miller tuyên bố sẽ cải cách việc quản lý phạm nhân tại nhà tù Iraq.

"Họ bắt chúng tôi bò xung quanh sàn nhà trên người không một mảnh vải và cưỡi lên lưng chúng tôi như thể chúng tôi là lừa", Hashem Muhsen, một tù nhân Ả rập bị bắt giữ hồi tháng 8 năm ngoái tại khu vực Sadr City kể lại. Muhsen chính là một trong những tù nhân bị buộc phải cởi quần áo và tham gia nhóm xếp hình Kim tự tháp trong bức ảnh đã được chương trình CBS 60' công bố hồi tuần trước.

Giờ đây, khi câu chuyện về những tù nhân bị ngược đãi đã trở nên phổ biến khắp nơi, nhất là trên truyền hình, làn sóng phẫn nộ của công chúng cũng bùng lên mạnh mẽ, nhất là tại Iraq. Những gia đình có thân nhân bị cầm tù tỏ ra vô cùng lo lắng về số phận của con em họ. Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm yêu cầu quân đội Mỹ trả tự do cho các tù nhân.

Thái độ của Mỹ

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, quân đội Mỹ mới đây tuyên bố đã khiển trách 7 sĩ quan và quan chức cấp cao vì lơ là trách nhiệm đồng thời xử phạt 6 binh sĩ trực tiếp dính líu tới việc ngược đãi tù nhân.

Tổng thống Mỹ Bush coi việc ngược đãi tù nhân Iraq là việc "đáng kinh tởm".

Mặc dù Chuẩn tướng Janis Karpinski một mực nhấn mạnh bà "không hề biết" những "hành động đáng khinh bỉ" đó khi chúng xảy ra, bà vẫn phải nhạn hình thức kỷ luật và có thể sẽ không bao giờ được thăng chức.

Trong khi đó, người thay thế bà Karpinski quản lý hệ thống các nhà tù quân đội Mỹ tại Iraq, Thiếu tướng Geoffrey Miller tuyên bố, ông sẽ giảm một nửa số tù nhân người Iraq tại nhà tù Abu Ghraib (xuống còn khoảng 2.000) và chấm dứt các phương pháp thẩm vấn mang tính "xúc phạm" như bắt tù nhân đội mũ trùm đầu, thay vào đó sẽ bị bịt mắt. Sĩ quan thẩm vấn sẽ phải xin phép trước khi buộc tù nhân không được ngủ - một phương pháp thẩm vấn phổ biến mà những tù nhân được trả tự do kể lại.

Phát biểu trên 2 kênh truyền hình Ảrập là al-Hurra và al-Arabiya hôm qua (5/4), Tổng thống Mỹ Bush khẳng định: "Người dân Iraq cần phải hiểu rằng tôi coi những hành động đó là đáng ghê tởm. Chúng không đại diện cho nước Mỹ. Sẽ có các cuộc điều tra và sẽ có người phải ra toà,". Trước đó, Cố vấn an ninh Quốc gia Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cũng lần lượt xuất hiện trên truyền hình để "xin lỗi" và lên án các hành động ngược đãi tù nhân.

Dưới đây là một số hình ảnh ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib:

Các tù nhân xếp hình Kim tự tháp phía trước một quản giáo Mỹ.
Tù nhân đội mũ trùm đầu và hai tay bị trói bằng dây điện.
Phạm nhân bị trói quặt tay phía sau và tống vào buồng giam.
Quản giáo đang "xem xét" các phạm nhân.
Một phạm nhân bị tra tấn dã man.
Phạm nhân nam đang "làm trò tiêu khiển" cho các quản giáo Mỹ.
Các phạm nhân không mảnh vải trên người đang trình bày các tư thế mua vui cho quản giáo.
Hai quản giáo đứng sau các phạm nhân xếp hình Kim tự tháp.
 
Nữ quản giáo đang "giới thiệu" các tù nhân nam không mảnh vải che thân.

  • Tân Huyền - (Tổng hợp) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,