Trợ lý Tổng thư ký LHQ Benon Sevan đang bị tình nghi nhận hàng triệu USD tiền hối lộ từ chính quyền Saddam Hussein. Đó là tiết lộ mới đây của các nguồn tin tình báo Mỹ và châu Âu.
Một
năm sau khi chế độ Saddam sụp đổ, các quan chức Mỹ tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy Saddam đã chuyển khoảng 5 tỉ USD tiền thu được từ chương trình "Đổi dầu lấy lương thực" của LHQ vào các tài khoản riêng tại ngân hàng. Và ít nhất 3 quan chức cao cấp LHQ hiện đang bị tình nghi nhận tiền bất hợp pháp từ nhà cựu lãnh đạo Iraq này.Một trong số những quan chức có thể dính líu tới vụ scandal là Benon Sevan, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, người phụ trách chương trình trong suốt 6 năm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hồi năm ngoái, ông Sevan bác bỏ những thông tin này. "Tôi có thể nói với các bạn rằng không hề có cáo buộc nào nhằm vào tôi. Các bạn có thể đào xới để tìm bí mật". Còn trong một tuyên bố đưa ra hôm 10/2/2004, ông Sevan tỏ ra thách thức những người đang tìm cách cáo buộc ông: "Hãy đưa ra những bằng chứng cần thiết bằng văn bản và trao cho các nhà điều tra LHQ".
Vài nét về Benon Sevan |
Benon Sevan, người đảo Síp là Trợ lý Tổng thư ký LHQ. Ông cũng là Giám đốc điều hành Văn phòng phụ trách chương trình "Đổi dầu lấy lương thực" Iraq từ khi văn phòng này bắt đầu được thành lập năm 1996. Ông từng "thoát chết trong gang tấc" khi các văn phòng của LHQ tại Baghdad bị đánh bom hồi mùa hè năm ngoái. Gần như trong suốt quãng thời gian công tác, Sevan làm việc cho các cơ quan LHQ. Trước khi trở thành Giám đốc điều hành chương trình "Đổi dầu lấy lương thực", ông Sevan đảm nhiệm các vị trí: điều phối viên an ninh, phó trưởng ban chính trị, trợ lý trưởng ban hành chính và quản trị, trưởng ban các dịch vụ hội nghị. Trong thời gian từ năm 1988-1991, ông thực hiện sứ mệnh của LHQ tại Afghanistan và Pakistan, giám sát việc Liên Xô rút quân và các hoạt động của LHQ trong khu vực Nam Á. |
Tuy nhiên, một số tài liệu mới được công bố tại Baghdad vốn nằm trong hồ sơ lưu trữ của Bộ dầu mỏ Iraq lại cho thấy ông Sevan có dính líu tới một kế hoạch "hối lộ" của Saddam, theo đó 270 quan chức ngoại giao, tổ chức nước ngoài được đặc quyền mua dầu của Iraq với giá thấp. Những người này sau đó đem bán lại "đặc quyền" này cho những nhà buôn bán dầu bình thường khác và hưởng phần chênh lệch. "Nó cũng giống như việc bạn nhận được các phiếu thưởng bằng trái phiếu hoặc cổ phiếu. Bạn có thể bán phiếu thưởng này cho những người buôn bán dầu bình thường khác", Claude Hankes-Drielsma, một cố vấn Anh trong Hội đồng điều hành Iraq nói.
Lần theo dấu vết...
Theo lời các điều tra viên, vấn đề trọng tâm gây nhiều tranh cãi chính là lá thư đề ngày 10/8/1998 gửi tới cựu Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Mohammed Rasheed hiện vẫn chưa "tới tay" LHQ.
Trong thư, một quan chức phụ trách dầu mỏ Iraq đã đề cập tới đề nghị mua dầu từ công ty Dầu lửa Trung Đông thuộc một nước cộng hoà ở châu Phi có trụ sở tại Panama cùng với lời gợi ý rằng ông Sevan sẽ có vai trò trong vụ mua bán này. Bức thư viết: "Ông Muwafaq Ayoub thuộc phái đoàn Iraq đang ở New York cho chúng tôi biết qua điện thoại rằng công ty nói trên chính là công ty mà ông Sevan đã đề cập với ngài trong chuyến thăm Baghdad của ông lần trước".
Đoạn chú thích viết tay phía dưới bức thư cho thấy giấy phép mua dầu được "Phó Tổng thống nước cộng hoà" châu Phi này cấp cho công ty Dầu lửa Trung Đông vào ngày 15/8/1998. Trang thứ 2 của bức thư có một bảng biểu với tiêu đề "Số lượng dầu phân phối cho ông Benon Sevan" trong đó liệt kê tổng cộng 7,3 triệu thùng dầu "được trao đổi theo đúng quy định". Nếu được chứng minh là thật, số lượng dầu này có thể đem lại một khoản lợi nhuận phi pháp lên tới 3,5 triệu USD.
Cuộc điều tra toàn diện bắt đầu
Lúc đầu, LHQ bác bỏ toàn bộ những cáo buộc nhằm vào ông Sevan. Tuy nhiên, hồi đầu tuần Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã tuyên bố sẽ thành lập một uỷ ban điều tra toàn diện do cựu Chủ tịch Hệ thống Dự trữ liên bang Mỹ Paul Volcker lãnh đạo. Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, ông Annan nói: "Chúng tôi đang tiến hành điều tra những cáo buộc này một cách nghiêm túc".
Hiện Văn phòng Tổng thanh tra LHQ, còn được biết tới với tên gọi Văn phòng các dịch vụ giám sát nội bộ (OIOS) đã bắt đầu quá trình điều tra. Từ giữa tháng 2, OIOS gửi thư tới Hội đồng điều hành Iraq và Chính quyền lâm thời do liên quân lãnh đạo để tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên, mãi tới hôm qua (20/4), văn phòng của ông Paul Bremer mới có phúc đáp tích cực. "OIOS đang tìm kiếm thông tin. Họ yêu cầu chúng tôi cung cấp những tài liệu lưu trữ và ông Bremer đang giúp họ. Chúng tôi thật sự mong muốn giúp LHQ trong quá trình điều tra này", một quan chức Mỹ phát biểu.
Không chỉ LHQ, Quốc hội Mỹ cũng dự kiến sẽ tổ chức các buổi điều trần về vụ scandal hối lộ trong tuần này. Một uỷ ban độc lập của Quốc hội điều tra doanh thu bất hợp pháp từ dầu mỏ của cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein cũng sẽ được thành lập. Hiện, Văn phòng Kế toán Tổng hợp Mỹ đang phụ trách việc kiểm tra các nguồn tài chính của Iraq.
Về phần ông Sevan, khi tin tức về vụ scandal xuất hiện trên mặt báo từ hồi đầu năm, ông đã xin "nghỉ phép" 2 tháng để sang Australia "dưỡng sức". Tuần trước, phóng viên hãng tin ABCNews, Mỹ "tìm ra" ông tại một khu nghỉ xa xỉ có các sòng bạc giải trí ở Australia, song ông từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào. Mức lương hiện tại của ông là 186.000 USD/năm.
Một phát ngôn viên LHQ cho hay ông Sevan đang tiến hành hoàn tất thủ tục về hưu, và quyết định về hưu sẽ có hiệu lực từ ngày 21/5. Theo lời phát ngôn viên này, ông Sevan vẫn sẽ được hưởng toàn bộ lương trong quá trình điều tra của LHQ, dự kiến kéo dài trong ít nhất 3 tháng.
Các cuộc điều tra về chương trình "Đổi dầu lấy lương thực" được bắt đầu sau khi một tờ báo độc lập Iraq - tờ Al-Mada công bố danh sách 270 cá nhân, công ty và tổ chức bị cáo buộc nhận các "hợp đồng béo bở" từ chế độ Saddam để đổi lấy sự hậu thuẫn về chính trị. Danh sách này được lấy từ các tài liệu lưu trữ trong Bộ dầu mỏ Iraq.
Chương trình đi vào hoạt động từ năm 1996 với mục đích giúp cung cấp lương thực, thực phẩm và thuốc men cho người dân Iraq vốn phải chịu hậu quả do lệnh cấm vận của LHQ từ sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Chương trình này cho phép Iraq bán một số lượng dầu hạn chế dưới sự giám sát chặt chẽ của LHQ và dùng tiền bán dầu để mua các hàng hoá cần thiết.
-
Tân Huyền (Tổng hợp)